Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTrung Quốc đang "chiếm sân sau" của Mỹ (Kì III)

Trung Quốc đang “chiếm sân sau” của Mỹ (Kì III)

Hơn 4 năm trước (11-6-2011), ông Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến công du tới các nước Mỹ Latinh và khi đó dư luận coi đây là việc “đổi tiền lấy dầu” mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Kỳ III : Một sự dấn thân

Ngoài vàng đen, Trung Quốc còn muốn quốc tế hóa đồng NDT ở khu vực Mỹ Latinh. Bởi từ năm 2009, Argentina đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 10,76 tỉ USD bằng NDT, còn Brazil sẵn sàng dùng NDT trong trao đổi thương mại với Trung Quốc thay vì USD. Năm 2011, Peru đã trở thành nước đầu tiên ở châu Mỹ Latinh mở tài khoản thanh toán thương mại bù trừ bằng đồng NDT.
2010 là năm đánh dấu Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Brazil bởi trước đó 1 năm (2009) Bắc Kinh nằm ở vị trí 20 trong số các quốc gia đầu tư tại nước này. Nhưng chỉ trong 1 năm, Trung Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt khiến dư luận thán phục. Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil-Trung Quốc tại Sao Paulo, ông Charles Tang, dòng chảy đầu tư của Trung Quốc vào Brazil đã bất ngờ tăng mạnh: từ chưa đến 400 triệu USD vào cuối năm 2009 lên 20 tỷ USD trong nửa đầu năm 2010. Hai phần ba tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Brazil trong năm 2010 dành cho lĩnh vực dầu mỏ mà Bắc Kinh có đặc quyền tiếp cận, sau khi cung cấp khoản tín dụng 10 tỷ USD cho công ty dầu mỏ nhà nước Petrobras của Brazil và công ty Sinopec của Trung Quốc mua chi nhánh Brazil của tập đoàn Repsol, Tây Ban Nha, với giá 7 tỷ USD.
Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil – với thương mại song phương đạt kỷ lục 36 tỷ USD. Trung Quốc và Brazil là 2 quốc gia trong nhóm BRICS đang cho thấy những tiềm lực hợp tác đáng ngạc nhiên. Trung Quốc tập trung đầu tư vào Brazil trên các lĩnh vực năng lượng, khai thác quặng, dầu mỏ, gang thép. Công ty gang thép Vũ Hán đã đầu tư 3,29 tỷ USD với đối tác Brazil LLX để xây dựng nhà máy sản xuất thép tại Rio de Janeiro. Theo ông Jose Antonio Gragnani, Giám đốc phát triển ngành thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Brazil, Brazil đã rót 1.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở cho World Cup 2014, Thế vận hội Olympic 2016 và đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Hơn 2 năm trước (27-5-2013), Trung Quốc và Uruguay đã ký 7 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, giáo dục, khai khoáng, giám sát ngân hàng… nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Uruguay Jose Mujica. Chuyến thăm của ông Jose Mujica nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và thu hút đầu tư của Trung Quốc vào một dự án cảng nước sâu và hạ tầng đường sắt tại Uruguay. Theo thống kê của Trung Quốc, trao đổi mậu dịch song phương đã tăng từ 2,62 tỷ USD năm 2010 lên gần 4,33 tỷ năm 2012 – năm Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Uruguay.
Theo đúng dự kiến, dự án trị giá 40 tỷ USD (gấp 4 lần GDP Nicaragua) của công ty Trung Quốc HK Nicaragua Canal Development Investment Co (HKND) đã được khởi công trong tháng 5-2014 sau khi được Quốc hội Nicaragua phê chuẩn (61 phiếu thuận, 25 phiếu chống, giữa tháng 6-2013). Và khi hoàn thành (từ 6-10 năm) kênh đào nối Thái Bình Dương với Caribe, nó sẽ lớn gấp 3 lần kênh đào Panama và ảnh hưởng lớn tới địa-chính trị của khu vực này. Bởi với 2 khu thương mại, 1 tuyến đường sắt, 1 tuyến đường ống dẫn dầu, 1 số sân bay và được khai thác 100 năm, tuyến đường thủy sâu 22m, dài 286km sẽ cho phép các siêu tàu container lưu thông với trọng tải lên tới 250.000 tấn, gấp đôi kích thước của con tàu lớn nhất hiện đang lưu thông qua kênh Panama. Và khi đó, kênh đào này không những cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama, mà còn tác động trực tiếp tới Mỹ. Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc có động cơ địa-chính trị nhiều hơn kinh tế với dự án này. Chủ tịch Quốc hội Nicaragua Rene Nunez từng tuyên bố, dự án kể trên tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng đang ngày càng lớn mạnh trong hệ thống thương mại thế giới và làm suy yếu vị trí thống trị của Mỹ trên tuyến vận chuyển hàng hóa giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Theo người phát ngôn của HKND Ronald MacLean Abaroa, Nicaragua sẽ được hưởng lợi sau khi kênh đào này đi vào hoạt động và có thể trở thành một trong những nước giàu nhất Trung Mỹ bởi giúp tạo ra 40.000 việc làm và tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người. Nhưng vấn đề này đã và đang được tranh luận tại nước này bởi tác động môi trường chưa được xác định, nguồn vốn tài trợ, tỉ lệ lợi nhuận chưa rõ ràng và đặc biệt đường đi của con kênh gần như tách đôi hồ Nicaragua có diện tích 8.265 km2 (lớn nhất Trung Mỹ) và có những tác động tiêu cực nhất định. Bởi hồ này là nguồn nước ngọt chủ yếu không chỉ của Nicaragua, mà còn cho cả các nước Trung Mỹ. Liên minh Biến đổi khí hậu Nicaragua cũng lo ngại việc HKND được giao toàn quyền mở rộng, nạo vét, giảm khối lượng nước hồ – vì lợi nhuận, HKND có thể bất chấp thảm họa môi trường.
Hãng dầu khí lớn thứ 4 của Trung Quốc Sinochem tăng nhập khẩu dầu thô từ Colombia từ năm 2013 sau khi thu được lợi nhuận khá cao từ các chương trình thu mua tài sản và gia tăng sản xuất ở các nước Nam Mỹ. SinoChem đã tiếp quản công ty Emerald Energy Plc của Anh với sản lượng 878 triệu USD tháng 8-2009 và khi đó định tăng sản xuất tại Colombia lên 10.000-20.000 thùng/ngày năm 2013. Theo trang tin Oil Price (21-11-2013), Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đồng ý chi 2,6 tỷ USD mua lại các tài sản khí đốt ở Peru của hãng dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil. Theo đó, CNPC sẽ mua công ty Petrobras Energia Peru SA, đơn vị đang sở hữu 3 lô dầu khí ở Peru, hiện đang sản xuất khoảng 800.000 tấn dầu/năm. Công ty dầu khí PetroChina cũng có kế hoạch đưa việc sản xuất 50% tổng sản lượng của họ ra nước ngoài vào năm 2015.

*** Năm 2010, Bridas Corp, một liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Bridas Energy Holdings của gia đình tỷ phú Bulgheroni (Argentina), đã đồng ý chi 7,06 tỷ USD, mua lại 60% cổ phần của BP trong Pan American Energy (PAE), hãng sản xuất dầu lớn thứ 2 ở Argentina. Trước đó, CNOOC đã mua lại 50% cổ phần trong Bridas Corp, với giá 3,1 tỷ USD. Chủ tịch CNOOC từng nói, với trữ lượng 636 triệu thùng dầu và sản xuất ở Argentina, Bolivia và Chile, Bridas Corp sẽ là chìa khóa giúp CNOOC bước chân vào Mỹ Latinh.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới