Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHai lý do khiến Trung Quốc công khai thông tin bồi đắp...

Hai lý do khiến Trung Quốc công khai thông tin bồi đắp ở Biển Đông

 

Hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên đá Châu Viên

Trước đây, khi Philippines công bố hình ảnh về hoạt động xây dựng và cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông tháng 5/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đáp qua quýt rằng nước này có chủ quyền ở đó. Phản ứng này lặp lại trong 10 tháng tiếp theo. Tháng 3/2015, bà Hoa vẫn bao biện cho việc xây dựng với tuyên bố ngắn gọn rằng “chúng tôi xây dựng trên đảo của mình và vùng biển của mình, đây là việc làm hợp pháp, hợp lý và chính đáng”.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện có sự thay đổi đáng kể trong thông điệp. Đầu tiên, bà Hoa ngày 9/4 lần đầu tiên giải thích chi tiết về mục đích xây dựng ở Trường Sa (quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam). Bà Hoa nói rằng hoạt động này cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện “trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế”, bằng cách cung cấp cơ sở mới để hỗ trợ “tìm kiếm cứu nạn hàng hải, phòng chống thiên tai, nghiên cứu, an ninh hàng hải, và các lĩnh vực khác”. 

Quan tâm đến hình ảnh

Theo cây bút chuyên về Trung Quốc của The Diplomat, Shannon Tiezzi, sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã nhận ra, nếu vẫn giữ thái độ “bởi vì tôi nói thế” (tức là việc xây dựng của chúng tôi là “hợp pháp, hợp lý và chính đáng” chỉ đơn giản vì chúng tôi nói vậy) thì quyền lực mềm của Bắc Kinh trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Trong các tuyên bố mới, Trung Quốc cố gắng thuyết phục người nghe, chủ yếu là chính phủ các nước ASEAN và Mỹ rằng nước này không đặt ra mối đe dọa. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Bắc Kinh thực sự quan tâm đến hình ảnh của mình.

Trung Quốc bị truyền thông quốc tế và một số nước khác phê phán là nước lớn mà vô trách nhiệm, nên đang muốn gạt đi chỉ trích này. Trung Quốc muốn ngụy biện rằng với tư cách là cường quốc trong khu vực, Bắc Kinh không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm xây dựng cơ sở vật chất ở Biển Đông.

Trong các bình luận sau đó, Bắc Kinh ngày càng mở rộng luận điểm này bằng gợi ý rằng các nước khác cũng sẽ được chào đón sử dụng các tiền đồn mới. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phác thảo kế hoạch xây dựng hạ tầng ở Biển Đông, bao gồm hải đăng lớn, thiết bị điều hướng không dây, trạm cứu hộ khẩn cấp, nơi trú bão cho ngư dân và nhiều cơ sở khác.

Bắc Kinh hôm 16/6 tuyên bố hoạt động cải tạo đất sẽ kết thúc “trong vài ngày sắp tới”, mặc dù từ chối đưa ra thời gian cụ thể. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đá đó vẫn sẽ tiếp tục.

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhấn mạnh rằng thực chất, trước khi đưa ra tuyên bố trên, Trung Quốc đã hoàn thành cải tạo đất trên đá Gạc Ma, đá Chữ Thập và gần xong ở những nơi khác. “Thông báo mới đây chỉ nhằm xác nhận những điều giới phân tích đã biết: Bắc Kinh gần hoàn thành hoạt động cải tạo đất ở Trường Sa”, chuyên gia CSIS kết luận. Họ cho rằng thông báo này chỉ là “sự thay đổi trong thông điệp, không phải trong chính sách”.

Tiezzi cũng có chung quan điểm này, nhưng cô nhấn mạnh sự thay đổi trong thông điệp cũng không kém phần quan trọng. Trước đây, Bắc Kinh luôn ngang ngược nói rằng nước này có chủ quyền “không thể chối cãi”, còn hiện giờ, Trung Quốc đang cố gắng gắn mác hữu nghị lên các dự án xây dựng. Động thái này đáng chú ý vì nó cho thấy Trung Quốc quan tâm đến việc hình ảnh nước này hiện lên trong mắt những bên khác như thế nào.

Ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế

Xue Li, học giả từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc gần đây chỉ ra rằng tranh chấp Biển Đông có thể đe dọa đến sự thành công của chính sách đối ngoại hàng đầu của Bắc Kinh, đó là thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Con đường tơ lụa trên biển nói riêng sẽ đòi hỏi sự hợp tác và giao dịch từ các nước láng giềng ASEAN. Nếu tranh chấp Biển Đông gây ảnh hưởng xấu đến chính sách này, thì Trung Quốc sẽ phải “điều chỉnh chiến lược và chính sách Biển Đông của mình”, Xue nhận định.

Sự thay đổi trong thông điệp có thể là bước đầu tiên trong việc điều chỉnh này. Theo cây bút Prashanth Parameswaran của The Diplomat, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc gồm việc quyết liệt hiện thực hóa yêu sách chủ quyền, trong khi vẫn duy trì quan hệ thân thiện với các bên tranh chấp, chủ yếu là về kinh tế. Chính Trung Quốc cũng viết trong sách trắng quốc phòng rằng, Bắc Kinh phải cân bằng giữa việc “bảo vệ quyền lợi”, (tức bảo vệ các yêu sách chủ quyền), và vẫn “duy trì ổn định” (tức đảm bảo căng thẳng trong khu vực không vượt quá tầm kiếm soát).

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được công bố vào mùa thu năm 2013, trong một “chiến dịch quyến rũ”, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm một số nước Đông Nam Á. Nhưng thành quả của những hoạt động đó đã bị ảnh hưởng vì căng thẳng năm 2014 và 2015. Việc thực hiện chiến lược của họ mất cân bằng, nghiêng quá xa về phía “bảo vệ quyền lợi” thay vì “duy trì ổn định”. Trung Quốc dường như đã nhận ra điều đó và đang điều chỉnh thông điệp cho phù hợp.

Có giới hạn cho sự thay đổi này. Trung Quốc thay đổi lời nói nhưng không thay đổi hành vi. CSIS tuần trước cho biết hai trong số 7 dự án cải tạo đất của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa vẫn tiếp tục diễn ra sau khi nước này tuyên bố sớm hoàn thành cải tạo đất. Hàng chục tàu nạo vét và hỗ trợ có thể nhìn thấy trong ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn và Subi vào tháng này, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI).

Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố sẽ không từ bỏ một tấc lãnh thổ mà nước này cho là của mình, bao gồm cả yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý. Chính sách này sẽ vẫn là nền tảng cho những động thái của Trung Quốc trong trong khu vực tranh chấp. Dù Bắc Kinh liệt kê một danh sách dài chức năng dân sự cho các thực thể ở Biển Đông, họ lại không thẳng thắn như vậy về kế hoạch quân sự hóa các đảo nhân tạo. 

Quan chức Trung Quốc chỉ xác nhận cơ sở mới sẽ được sử dụng cho mục đích phòng thủ, bao gồm cả “việc bảo vệ tốt hơn chủ quyền”. Điều này có nghĩa là mối lo ngại của hầu hết các bên khác ở Biển Đông, về hạ tầng quân sự mà Trung Quốc sẽ xây dựng, là có cơ sở.

RELATED ARTICLES

Tin mới