Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cho bồi đắp, xây dựng các cấu trúc tại Biển Đông thành các “đảo nhân tạo”. Theo thông tin trên website của CSIS, trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Trung Quốc đã tiến hành nạo vét và xây dựng một đảo nhân tạo dài gần 3 km. Bắc Kinh đã xây một đường băng trên đá Chữ thập này, vốn trước đây chỉ là một quần thể san hô.
Một trong những phối cảnh đô thị xây dựng ở bãi đá Chữ Thập
Trên đá Vành Khăn (Mischief), Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo bằng cách đổ cát trắng lên bề mặt bãi đá, sau đó gia cố bằng các kết cấu kiên cố. Các căn cứ hải quân đang trong quá trình xây dựng. Những căn cứ này sau đó có thể sẽ được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sử dụng như những tiền đồn để triển khai lực lượng trong giả thuyết có đối đầu quân sự. Các bức ảnh được chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một đảo nhân tạo gồm hai bờ kè, một cho nhà máy xi măng và một làm bãi đáp trực thăng trên một mỏm đá thuộc đá Tư Nghĩa (Hughes Reef).
Các hình ảnh cũng cho thấy các công trình xây dựng tương tự trên những đảo nhỏ khác trong quần đảo Trường Sa, như Gaven và Châu Viên (Cuarteron). Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong năm qua, Trung Quốc đã cải tạo và mở rộng diện tích của những đảo nhỏ này từ 202 ha lên thành 810 ha. Trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc có hình vẽ “đường 9 đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, vạch ranh giới trên biển của quốc gia này, chiếm tới 90% diện tích Biển Đông. Diện tích khu vực biển trên Biển Đông mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền tương đương với diện tích của Địa Trung Hải.
Bởi vì Trung Quốc bị rất nhiều quốc gia phản đối, đặc biệt rất nhiều học giả phê phán chính sách của họ, nên chính quyền Trung Quốc làm nhiều cách để tìm kiếm sự hậu thuẫn từ một số học giả quốc tế.
Một trong số các học giả đó là Mark Valencia, ông này trước đây vốn là Nghiên cứu viên trong Trung tâm Nghiên cứu Đông – Tây của Đại học Hawaii. Cách đây khoảng hai năm, Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc đã cấp cho Mark Valencia một ngân sách để phục vụ cho ông ta, và từ đó, ông ta đã viết nhiều bài báo ủng hộ những quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, dù biết những quan điểm đó là sai trái. Trong một bài viết mới đây trên tờ Straitstimes, Mark Valencia cho rằng: nếu Hải quân Mỹ đưa tàu chiến và máy bay vào khu vực biển quanh các bãi đá mà Trung Quốc đang tiến hành hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo, điều đó có nghĩa là Washington sẽ thực hiện chính sách “ngoại giao pháo hạm”. Bên cạnh đó, Valencia cũng cho rằng một “lựa chọn hòa bình và dân sự” sẽ là Mỹ phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp này để giải quyết những vấn đề pháp lý liên quan đến tự do hàng hải và hàng không, bởi cách tiếp cận này sẽ phù hợp với nguyên tắc “bên mạnh luôn đúng” và những tiền lệ nó tạo ra.
Tuy nhiên, Robert Beckman, Giáo sư và là Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore, cũng đã có ngay bài viết phân tích những sai trái của Mark Valencia. Theo Giáo sư Beckman, Valencia đã cố tình không đề cập đến sự kiện tháng 1/2013, trước khi Trung Quốc bắt đầu các hoạt động bồi đắp tại các bãi đá trên, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc theo cơ chế giải quyết tranh chấp UNCLOS bằng một thủ tục trọng tài theo phụ lục VII. Philipines yêu cầu Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS ra phán quyết về quy chế pháp lý cho các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng cũng như các quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh các bãi đá này.
Thay vì chấp nhận lựa chọn này để giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, Trung Quốc đã từ chối tham gia. Mà Bắc Kinh đã thực hiện chính sách “không xuất hiện và không tham gia”, đồng thời bắt đầu thực hiện hoạt động bồi đắp quy mô lớn tại các cấu trúc mà quy chế pháp lý cho chúng còn đang được tranh cãi. Hoạt động cải tạo này đã gây căng thẳng ở Biển Đông và làm dấy lên câu hỏi: liệu hành động của Trung Quốc có vi phạm nghĩa vụ (theo UNCLOS) phải bảo vệ và duy trì môi trường biển hay không? Ngoài ra, cũng có thể tranh luận rằng do hoạt động bồi đắp, biến các bãi đá nhỏ trở thành đảo nhân tạo lớn, phải chăng chính Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông?
Cần phải làm rõ một số bình luận của nhà nghiên cứu Valencia về bản chất tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các bãi đá này. Trước tiên, nhà nghiên cứu Valencia cho biết Trung Quốc khẳng định có chủ quyền đối với các thực thể tranh cãi và cho rằng họ có quyền làm tất cả những gì mình muốn trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, ông cũng cho biết 3 bãi đá mà Việt Nam lần lượt gọi là Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi (Hughes, Mischief và Subi) đều chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên cao. Với những bãi đá chìm dưới mực nước biển như vậy thì theo các quy định trong UNCLOS, chúng không thể được xem là những đối tượng để có thể tuyên bố chủ quyền. Mà theo UNCLOS, các bãi đá này chỉ được áp dụng “khu vực an toàn 500 m” chứ không phải lãnh hải 12 hải lý. Do vậy, bất kì quốc gia nào cũng có thể thực hiện quyền tự do bay qua các bãi đá nói trên cũng như tự do đi trong vùng biển bao quanh nó.
Nhà nghiên cứu Valencia đã đúng khi cho rằng không rõ Trung Quốc có quyền tài phán nào đối với các thực thể mà họ đang “bồi đắp”. Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng 3 cấu trúc mà Trung Quốc đang cải tạo là đá Chữ Thập, Gaven và Gạc Ma thực sự tạo ra vùng biển có lãnh hải 12 hải lý. Đây là một giả định rằng các bãi đá này là “đá” theo UNCLOS. Tuy nhiên, tuyên bố này không hợp lý. Trong đơn khởi kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS, Manila đã coi Gaven – cùng với Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi – là những cấu trúc thấp hơn mực nước biển khi thủy triều lên cao và là đối tượng không thể tuyên bố chủ quyền. Philippines cũng cho rằng ngoài bãi Đá Nam và đá Chữ Thập, Trung Quốc hiện chiếm đóng một bãi đá khác có thể coi là “đá” ở trên mực nước biển là đá Châu Viên.
Mặc dù 3 bãi đá do Trung Quốc chiếm ở Trường Sa về nguyên tắc có thể tạo ra vùng biển chủ quyền 12 hải lý do đáp ứng định nghĩa về “đá”, song trên thực tế, Bắc Kinh chưa chính thức tuyên bố lãnh hải 12 hải lý đối với bất kì cấu trúc nào ở Trường Sa. Quốc hội Trung Quốc khẳng định lãnh hải 12 hải lý từ các đường cơ sở mà họ chính thức tuyên bố. Đến nay, Bắc Kinh đã tuyên bố đường cơ sở dọc bờ biển của mình, quanh Hoàng Sa và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Song, họ chưa bao giờ chính thức tuyên bố bất kì đường cơ sở nào quanh các cấu trúc địa lý ở Trường Sa.
Trung Quốc không thể tuyên bố lãnh hải 12 hải lý quanh các cấu trúc nói trên vì nhiều lý do. Trước hết, Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá này và nhiều khả năng thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và lãnh hải 12 hải lý đó. Thứ hai, một số bãi đá mà Trung Quốc chiếm cách các đảo và bãi đá mà các nước khác chiếm chưa đầy 12 hải lý. Chẳng hạn, bãi đá Nam cách Đá Cô Lin của Việt Nam chưa đầy 4 hải lý và cách đảo Sinh Tồn chưa đầy 12 hải lý. Ngoài ra, bãi Châu Viên cũng chỉ cách đảo Đá Đông của Việt Nam dưới 12 hải lý.
Vì thế, nếu Trung Quốc tìm cách áp đặt quy định qua lại trong cũng như phía trên các đảo nói trên, họ sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố không chỉ với Mỹ, mà còn cả với Việt Nam và Philippines. Cho đến nay, các nước tranh chấp đã chiếm hơn 40 cấu trúc nhỏ ở Trường Sa. Chủ quyền đối với toàn bộ các cấu trúc này đều gây tranh cãi và chúng đều rất gần nhau. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm củng cố chủ quyền trên không phận của các thực thể nói trên và vùng biển bao quanh chắc chắc sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố mà không quốc gia nào mong muốn. Vì thế, theo ông Beckman, việc nhà nghiên cứu Valencia tập trung vào hành động của Mỹ thay vì của các nước tranh chấp khác là sai hướng.
Theo Giáo sư Robert Beckman, muốn giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố trên biển, các bên tranh chấp cần nhất trí tôn trọng “khu vực an toàn” từ 1 – 3 hải lý quanh các cấu trúc đang bị chiếm đóng. Các bên tranh chấp cũng cần nhất trí rằng tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và hàng không tại Trường Sa cho đến khi vấn đề tranh chấp chủ quyền được giải quyết và ranh giới trên biển được phân định. Các bên tranh chấp cũng cần nhất trí rằng “những dàn xếp tạm thời” này “không ảnh hưởng” đến các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo nói trên cũng như trong việc phân định ranh giới trên biển ở vùng biển xung quanh. Và những dàn xếp này nên được đặt trong Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) đang được đàm phán giữa Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
BDN