Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc lên kế hoạch quân sự hóa Biển Đông từ 30...

Trung Quốc lên kế hoạch quân sự hóa Biển Đông từ 30 năm trước

Chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở giữa Biển Đông và kế hoạch này đã được chuẩn bị từ hơn 30 năm trước

.

Việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng ở Trường Sa thể hiện sự coi thường quan ngại của các nước. Ảnh minh họa: CSIS

“Trung Quốc đã thể hiện sự coi thường rõ ràng đối với quan ngại về an ninh chính đáng của các nước tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la vừa qua. Đáng lẽ diễn đàn này nên đánh dấu sự chấm dứt của đường lối ngoại giao khoan dung với Bắc Kinh”, Rick Fisher, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế, Mỹ, nói với VnExpress.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, hôm 31/5 từ chối yêu cầu của Mỹ về việc ngừng các công trình cải tạo ở Biển Đông, ngang nhiên nói rằng nước này đang thực thi chủ quyền và “đã kiềm chế rất nhiều” trong tranh chấp, “đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới”.

Là một nhà nghiên cứu lâu năm về các vấn đề quân sự ở châu Á, ông Fisher khẳng định Bắc Kinh đang chuẩn bị xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở giữa Biển Đông. Kế hoạch này đã được Trung Quốc chuẩn bị từ hơn 30 năm trước, khi họ thiết kế tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ thứ hai. Bắc Kinh quyết định rằng họ phải kiểm soát Biển Đông và biến đảo Hải Nam trở thành một căn cứ bảo đảm hoạt động cho các tàu ngầm mới này. 

Theo ông Fisher, từ cuối những năm 1980, Hải Nam đã được nhắm là căn cứ quan trọng cho kế hoạch trở thành một siêu cường hàng hải và hàng không trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc. Lãnh đạo nước này coi Hải Nam là căn cứ đảm bảo sức mạnh quân sự và có vai trò thiết yếu với sự tồn tại của Trung Quốc.

Chuyên gia Fisher dự đoán, khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ mới, quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ triển khai các lực lượng hải quân và trên không ở đây. Và nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra, Bắc Kinh có thể sẽ gây “rắc rối”, khiến tàu và máy bay của Mỹ bị thiệt hại.

Ông Fisher cho rằng Mỹ và các nước liên quan “đang hiểu lầm” động cơ an ninh cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông khi thực hiện các nỗ lực ngoại giao với Bắc Kinh.

“Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực này và sẽ chỉ đồng ý thực hiện các biện pháp ngoại giao hoặc đàm phán khi họ thấy rằng các biện pháp quân sự không giúp họ đạt được các mục tiêu của mình”, Fisher nói.

Cạnh tranh Mỹ-Trung

Giáo sư Hugh White, chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Australia nhìn nhận căng thẳng ở Biển Đông gần đây chủ yếu là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, về vai trò của họ trong trật tự ở châu Á.

“Bắc Kinh đang tìm cách dùng các tranh chấp để thể hiện sức mạnh đang lên của mình và khả năng tạo nên hình mẫu mới về quan hệ giữa các nước lớn”, ông White đánh giá.

Căng thẳng ở Biển Đông cuối tháng 5 leo thang khi Mỹ công bố đoạn video cho thấy hải quân Trung Quốc ngăn chặn máy bay của Washinton gần khu vực Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đáp lại yêu cầu rời khỏi khu vực, các phi công Mỹ cho rằng họ đang tuần tra ở vùng biển quốc tế. Các quan chức cao cấp của Mỹ sau đó cũng khẳng định sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu hoạt động ở các vùng biển và không phận quốc tế.

Trong khi Mỹ cũng muốn khẳng định mình vẫn đóng vai trò lãnh đạo chiến lược ở châu Á, nếu hai siêu cường thất bại trong việc giải quyết sự “kình địch” này thì xung đột có thể nổ ra, gây nên thảm họa cho cả các nước liên quan ở khu vực, theo ông White.

“Câu hỏi chính ở đây là Mỹ có hỗ trợ những phát biểu mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tại Singapore cuối tháng trước bằng hành động thực tế để phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông hay không”, giáo sư White đặt nghi vấn.

Bộ trưởng Carter 30/5 cho biết Mỹ “quan ngại sâu sắc” về quy mô cải tạo đất và khả năng Trung Quốc quân sự hóa các đảo đang bồi đắp. Những động thái này chỉ làm gia tăng tính toán sai lầm hoặc xung đột. Ông cũng cảnh báo việc Bắc Kinh xây đảo trên Biển Đông đang làm xói mòn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đánh giá về những động thái thể hiện sự quan tâm chung đến an ninh ở Biển Đông gần đây của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, chuyên gia Fisher cho rằng các nước này cùng với Philippines có thể sẽ nhất trí về một nỗ lực mới cần thiết để đảm bảo khu vực Palawan gần Biển Đông là đường giao thương chính trên biển. Mối hợp tác này cũng có thể mở rộng với các nước có liên quan trong khu vực.

Giáo sư White tỏ ra thận trọng hơn về quyết tâm của các nước trong nỗ lực chung phản đối cách hành xử của Trung Quốc. Ông cho rằng Mỹ có thể đề nghị Nhật, Ấn Độ và Australia cùng liên minh, tuy nhiên mỗi nước đều có lợi ích riêng trong quan hệ với Bắc Kinh.

“Họ đều có hợp tác song phương với Trung Quốc và sẽ không muốn hủy hoại quan hệ đó để phục vụ lợi ích cho các nước khác. Do đó phạm vi hợp tác chống Trung Quốc là có giới hạn”, ông White cho hay.

Trước lối hành xử hung hăng của Trung Quốc, ông Fisher gợi ý với các nước cùng có tranh chấp và lợi ích ở Biển Đông nên theo đuổi một “nền hòa bình có vũ trang”. 

“Các nước có thể tăng cường năng lực quân sự của mình, hợp tác với các nước láng giềng và bạn bè. Điều này là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc và thúc đẩy nước này xem xét các biện pháp phi quân sự”, Fisher nói.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới