Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựThông tin mới nhất về vụ Philippines kiện Trung Quốc

Thông tin mới nhất về vụ Philippines kiện Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Philippines mới cung cấp thêm thông tin cho báo chí về tiến trình của vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Sau khi Philippines vừa nộp thêm các chứng cứ liên quan đến vụ kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) hồi tháng 3 năm nay. Trung Quốc có thời gian từ đó đến ngày 16/6 để đáp lại, song Bắc Kinh đã không làm như vậy. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), điều này sẽ gây ra hậu quả trực tiếp đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc và hệ thống luật pháp quốc tế trong khu vực.

Từ ngày 7/7 đến ngày 13/7 sắp tới sẽ là thời gian mà các bên sẽ trình bày các bản bảo vệ luận điểm của mình trước Toà, và vì Trung Quốc đã khước từ việc tham dự, cho nên chỉ còn Philippines sẽ trình bày lập luận của mình trước Hội đồng Trọng tài. Sau khi Philippines trình bày luận điểm của mình, Toà sẽ tuyên bố Toà có thẩm quyền hay không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng và quan ngại vẫn còn âm ỉ ở Biển Đông – nơi Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực lâu nay vẫn đưa ra những tuyên bố về chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi biển. Trong những năm gần đây, những nước này đều tăng cường các hoạt động nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình bất chấp thực tế Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các bên liên quan cũng đã tiến hành đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong nhiều năm mà chưa có được kết quả cuối cùng. Việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động ở Biển Đông khiến các quốc gia láng giềng cũng như Nhật Bản và Mỹ lo ngại. Từ lâu Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đầy tham vọng dựa trên cái gọi là “Đường 9 đoạn” hay còn gọi là “Đường lưỡi bò”.

Tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc bắt nguồn từ những tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Philippines tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS vào ngày 22/1/2013, yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục liên quan đến giải quyết tranh chấp trong UNCLOS. Một tháng sau đó, Trung Quốc đã thông báo với phía Philippines về quyết định phản đối sự phân xử của tòa án, cho rằng theo DOC, các bên tranh chấp cần phải đàm phán song phương. Từ đó đến nay, Trung Quốc luôn từ chối tham gia vụ kiện. Bắc Kinh khăng khăng cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử vì tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là về chủ quyền lãnh thổ, nằm ngoài phạm vi của UNCLOS và bất cứ tranh chấp chủ quyền nào ở Biển Đông cũng nên được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, với việc từ chối tham gia vụ kiện, Trung Quốc đã làm suy yếu tính pháp lý của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp.

Cùng với việc khởi kiện Trung Quốc ra tòa, Philippines cũng tiến hành chiến dịch ngoại giao và truyền thông để cộng đồng quốc tế thấy đượcsự từ chối tham gia vụ kiện của Bắc Kinh. Philippines cũng muốn cho cả thế giới biết rằng họ là nước nhỏ, tuân thủ luật pháp, đang đứng lên chống lại một cường quốc khu vực cứng đầu hay bắt nạt các nước láng giềng.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phần nào thay đổi chiến thuật “không tham gia” của mình. Ngày 7/12/2014, Trung Quốc đã đưa ra “Tuyên bố về lập trường” trên trang mạng của Bộ Ngoại giao nước này, trong đó phân tích cơ sở pháp lý về vụ kiện của Philippines, giải thích về lập trường của Bắc Kinh đối với vụ kiện, nêu lại yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cũng như chủ trương của nước này trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục khẳng định lập trường phản đối, không tham gia vụ kiện, đồng thời cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện trên.

Vậy tại sao Trung Quốc lại phản đối Tòa trọng tài? Trung Quốc có thể lo ngại rằng việc xuất hiện trước Tòa trọng tài sẽ buộc nước này phải đưa ra những chứng cứ chi tiết để bảo vệ cho những tuyên bố chủ quyền đối với khu vực xung quanh quần đảo tranh chấp. Có những câu hỏi được đặt ra là liệu những tuyên bố liên quan đến lịch sử của Trung Quốc có thể được biện hộ theo Luật biển hiện hành hay không. Ngoài ra, Trung Quốc cũng khó có thể chứng minh được những tuyên bố của nước này là đúng.

Hơn nữa, giới chức Trung Quốc cũng lo ngại về khả năng của nước này trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước thông qua việc giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cả lo ngại về những thành kiến chống Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tự xem mình là “người mới đến” trong trật tự luật pháp quốc tế. Các luật sư của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì bị chia rẽ giữa những người phản đối và những người ủng hộ vụ kiện dù một số luật sư chuyên về luật quốc tế của Trung Quốc sẵn sàng tham gia tranh tụng.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng Trung Quốc không quan tâm tới luật pháp quốc tế và Bắc Kinh coi hành động của mình là bình thường đối với một cường quốc khi so sánh với việc Nga không tham gia vụ kiện tàu “Arctic Sunrise” hay Mỹ rút khỏi vụ kiện của Nicaragua tại Tòa án Công lý Quốc tế trong những năm 1980. Những nghiên cứu mới đây cho thấy các luật sư chuyên về luật quốc tế của Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn tới luật pháp quốc tế. Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều nỗ lực để thích ứng với hệ thống luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của nước này, trong đó có chủ quyền lãnh thổ. Sau Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Trung Quốc cũng đã tuyên bố kế hoạch cải thiện hiểu biết về luật pháp quốc tế của nước này.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện dường như đã làm lỡ một cơ hội đối với tất cả các bên, đặc biệt là Trung Quốc. Việt Nam cũng đã bày tỏ quan điểm của mình trước Tòa trọng tài. Dù không có sự tham gia chính thức của Trung Quốc thì Tòa trọng tài vẫn sẽ đưa ra phán quyết ràng buộc Trung Quốc về mặt pháp lý. Trung Quốc có thể sẽ phớt lờ phán quyết gây bất lợi đối với họ, song Bắc Kinh sẽ phải trả giá, ít nhất là trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng và quyền lực trong hệ thống luật pháp quốc tế. Điều này cũng sẽ cho thấy vai trò của luật pháp và các định chế quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới