Vào cuối năm 2013, Bắc Kinh đột nhiên cho thấy một cách tiếp cận khác về tranh chấp Biển Đông, mặc dù rất ít nhà quan sát bên ngoài chú ý đến sự thay đổi này.
Thay vì đối đầu trực tiếp với các quốc gia tranh chấp khác, Trung Quốc bắt đầu cho củng cố, xây dựng các cấu trúc địa lý mà họ đang kiểm soát trên Biển Đông với tốc độ đáng kinh ngạc.
Hầu hết các quốc gia bên ngoài chỉ nhận thấy hành động này của Trung Quốc vào đầu năm 2015, sau khi CSIS cung cấp một loạt các hình ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi trên các cấu trúc địa lý mà Trung Quốc đang kiểm soát này. Trên các công trình xây dựng này có cả các đường băng cũng như các công trình dành cho quân sự, điều này sẽ khiến lực lượng quân sự của Bắc Kinh có thể tạo được lợi thế để kiểm soát vùng biển rộng lớn hơn. Đây cũng là những lo lắng của các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, bởi vì họ cũng có những yêu sách tương tự trên vùng Biển Đông, lo ngại việc các “đảo nhân tạo” của Trung Quốc sẽ đe dọa tới an ninh của họ. Lo ngại này cũng là lo ngại của Hoa Kỳ, hồi tháng 5 năm nay, chính quyền Washington tuyên bố rằng họ sẽ duy trì tự do hàng hải bằng cách cho các lực lượng quân sự của họ áp sát các “đảo nhân tạo” của Trung Quốc. Vào cuối tháng 5, tại Diễn đàn Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi: “dừng ngay lập tức và vĩnh viễn việc xây dựng, bồi đắp bởi tất cả các bên tranh chấp”.
Nửa tháng sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ sớm kết thúc việc xây dựng, bồi đắp các “đảo nhân tạo” này. Bộ ngoại giao Trung Quốc còn tổ chức hẳn một chương trình đặc biệt nhằm chuyển thông điệp này đến thế giới.
Vậy điều gì đã xảy ra? Có phải Bắc Kinh đang thay đổi chính sách đối với Biển Đông hay là sự nhượng bộ của Trung Quốc dưới áp lực của Hoa Kỳ? Có nhiều cách để đánh giá vấn đề này, tuy nhiên, hãy nhìn theo cách mà Bắc Kinh tin rằng họ đã giành được đủ trong vòng đấu này đối với việc xây dựng các “đảo nhân tạo” của họ. Theo thông báo của Bộ trưởng Carter, Trung Quốc đã xây dựng được trên 2.000 mẫu Anh trong 18 tháng. Trên các “đảo nhân tạo” đó, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cho xây dựng các hạng mục bao gồm các đường băng, hải cảng và các ngọn hải đăng, như vậy là họ xây dựng các công trình trên các “đảo nhân tạo” này cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Đương nhiên, Trung Quốc luôn lập lờ rằng các hạng mục này phải đảm bảo có những “tính năng quân sự cần thiết” mặc dù họ thực sự không bao giờ nhấn mạnh về quy mô xây dựng của các công trình này.
Cho đến nay, có thể khẳng định một điều là các chính sách của Trung Quốc về Biển Đông thực sự không có gì thay đổi. Việc xây dựng, bồi đắp sẽ kết thúc nay mai, tuy nhiên các hạng mục xây dựng trên các “đảo nhân tạo” này vẫn đang được tiếp tục, và Trung Quốc vẫn chưa thay đổi bất kỳ yêu sách nào trên Biển Đông của họ.
Tuy vậy, thông báo đặc biệt từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc hoàn tất việc xây “đảo nhân tạo” cần phải có một sự diễn giải, bởi vì nó đã chuyển tải đi một thông điệp quan trọng. Trung Quốc đã học được những bài học từ những phản ứng tiêu cực của các quốc gia trong khu vực đối với việc xây dựng “đảo nhân tạo” của Trung Quốc. Không phải từ sự nguy hiểm của viễn cảnh một cuộc xung đột quân sự với Hoa Kỳ tại đây, mà những phản ứng tiêu cực của khu vực sẽ làm tổn hại tới mục tiêu ngoại giao lớn lao hơn của Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đã học được rằng việc xây dựng “đảo” đã ảnh hưởng như thế nào đến cán cân quyền lực hiện nay và từng bước đe dọa đến chính sách ưu tiên số một của Bắc Kinh là xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” chạy dọc các quốc gia Đông Nam Á.
Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố hồi cuối năm 2013 về mục đích của việc xây dựng Vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa” chạy dọc lục địa Âu – Á, và “Con đường tơ lụa trên biển” chạy qua Biển Đông và Ấn Độ Dương. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” bao gồm cả hai “con đường tơ lụa” trên sẽ trở thành một đại chiến lược nhằm gắn kết giữa nhu cầu nội địa trong việc tái cấu trúc nền kinh tế với tham vọng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc đối với thế giới. “Một vành đai, Một con đường” bao gồm khu vực 4,4 tỉ dân của 64 quốc gia với một nền kinh tế ước tính khoảng 21.000 tỉ USD, gấp đôi lượng GDP hiện tại của Trung Quốc và chiếm 29% GDP của toàn thế giới. Đây là một kế hoạch đối ngoại kinh tế của Trung Quốc cho một nửa thế giới, dưới khuôn khổ của một chính sách duy nhất. Nếu “Một vành đai, Một con đường” chỉ là chiến lược kinh tế đối ngoại của Trung Quốc thì không có quốc gia có thể nào cưỡng lại được sự hấp dẫn mà nó mang lại.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là chính sách về Biển Đông của Bắc Kinh hiện nay đang mâu thuẫn với “Một vành đai, Một con đường”, bởi vì với những chính sách của Trung Quốc về Biển Đông đang hủy hoại quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc với ASEAN, mà các quốc gia thuộc ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự thành công hay thất bại của “Con đường tơ lụa trên biển” trong đại dự án “Một vành đai, Một con đường”.
Ví dụ cụ thể đó là hậu quả sau những căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây, hay là với những căng thẳng và bạo động diễn ra tại Việt Nam khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng EEZ của Việt Nam, đã dẫn tới mối quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trở nên tồi tệ. Và nay, với việc xây dựng và bồi đắp các “đảo nhân tạo”, mối lo lắng vì bị đe dọa tại Việt Nam và Philippines tiếp tục gia tăng. Cho dù cả 10 quốc gia ASEAN có tham gia AIIB (Ngân hàng phát triển hạ tầng Châu Á) đi chăng nữa (AIIB là một vũ khí tài chính trong “Một vành đai, Một con đường”), và bởi vì các quốc gia này muốn giành được những phần lợi ích kinh tế từ ngân hàng này mang lại, thì những căng thẳng trên Biển Đông tồn tại dai dẳng cùng với những “nanh vuốt” của phe quân sự Trung Quốc cũng sẽ khiến các quốc gia ASEAN nhìn AIIB dưới lăng kính của địa chính trị, chứ không chỉ đơn thuần dưới lăng kính hợp tác kinh tế mà Trung Quốc vẫn luôn rêu rao như vậy.
Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường việc truyền thông nhận thức của các bên về chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông theo cách giữ cho quan hệ đối với các quốc gia trong khu vực ổn định để ngăn ngừa các quốc gia này không kiếm cớ “phá bĩnh” mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Trung Quốc luôn lo ngại về khả năng một liên minh chống Trung Quốc được thiết lập bởi Hoa Kỳ với sự tham gia của ASEAN và có lẽ cả Nhật Bản, Úc và Ấn Độ cùng đoàn kết chống lại chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Điều này sẽ phá nát “Con đường tơ lụa trên biển” trong dự án “Một vành đai, Một con đường” bởi vì “Con đường tơ lụa trên biển” này phải chạy qua Biển Đông và cần có sự hỗ trợ của các quốc gia quan trọng trong ASEAN như Indonesia, Malaysia và Singapore.
Sẽ là sai lầm chiến lược nếu việc xây dựng “đảo nhân tạo” không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc các quốc gia ASEAN “ngã vào vòng tay” của Hoa Kỳ. Ưu tiên lớn nhất trong chính sách về Biển Đông hiện nay của Bắc Kinh, thứ nhất là tránh không để hình thành một liên minh chống Trung Quốc và thứ hai, thúc đẩy “Một vành đai, Một con đường” trở thành hiện thực.
Một trong những dấu hiệu quan trọng được thể hiện trong Diễn đàn Đối thoại kinh tế chiến lược Trung – Mỹ lần thứ bảy vừa rồi, diễn ra từ ngày 23 – 24 tháng 6 tại Washington. Đối thoại này diễn ra trước chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình 3 tháng. Theo dự kiến, chủ tịch Tập sẽ có cuộc gặp mặt với Tổng thống Obama vào tháng 9 năm nay. Thông báo về việc hoàn tất việc “xây dựng đảo nhân tạo” của Trung Quốc trong thời gian qua dường như muốn tạo ra một môi trường nhẹ nhàng cho việc phát triển mối quan hệ Trung – Mỹ. Mặc dù chuyên gia về Trung Quốc David Lampton nhận định rằng: “đây là thời điểm căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ”, thế nhưng Trung Quốc vẫn muốn duy trì một mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ. Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực làm mọi thứ để đảm bảo cho chuyến viếng thăm Washington của Chủ tịch Tập sẽ thành công tốt đẹp.
Và cũng không chỉ một mình Trung Quốc muốn giữ cho quan hệ Trung – Mỹ tốt đẹp. Ngày 18 tháng sáu, hai ngày sau khi phía Trung Quốc tuyên bố hoàn tất “xây dựng đảo nhân tạo”, Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã cố gắng lên tiếng làm giảm mức độ căng thẳng qua cách nói rằng Hoa Kỳ luôn tránh hết mức trong việc đối đầu quân sự với Trung Quốc, mặc dù ông ta cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi kỹ càng việc xây dựng các công trình trên “các đảo nhân tạo” này. Một cảm nhận là việc định hình lại mối quan hệ Trung – Mỹ vẫn đang tiếp tục được tiến hành.
Tuy vậy, chúng ta thấy rõ chính sách của Trung Quốc với Biển Đông không thay đổi bao nhiêu trong thực tế, cho dù Trung Quốc đang thể hiện cho thấy một sự hòa hoãn nhất định và đó cũng là những tín hiệu tích cực cho thế giới khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hoãn việc xây dựng, xoa dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng những gì Trung Quốc muốn ở Biển Đông vẫn là quá sức chịu đựng đối với cả thế giới và chắc chắn họ chưa có dấu hiệu dừng lại nếu cộng đồng quốc tế chưa buộc Bắc Kinh phải dừng lại.