Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngPhản bác quan điểm của học giả Trung Quốc về "đường chín...

Phản bác quan điểm của học giả Trung Quốc về “đường chín đoạn”

Mới đây, trên chuyên trang AMTI của CSIS, một học giả người Hoa tên là Zheng Zhihua, có viết một bài với nhan đề “Vì sao yêu sách biển của Trung Quốc vẫn duy trì những sự mơ hồ” để giải thích rằng “nhiều chỉ trích về yêu sách biển của Trung Quốc vẫn còn mơ hồ,… Trung Quốc vi phạm UNCLOS mặc dù Trung Quốc là một thành viên ký kết tuân thủ mọi quy định của UNCLOS. Trung Quốc chưa bao giờ định nghĩa rõ về ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm hay không bao gồm những gì”.

Trong bài viết này, tác giả đưa ra bốn luận điểm chính:

Thứ nhất, Trung Quốc có yêu sách rõ ràng và nhất quán đối với các đảo và các cấu trúc đất liền trên Biển Đông, thông qua các văn bản chính thức của nhà nước Trung Quốc, bao gồm: Bản đồ năm 1947 về vị trí của các đảo ở Biển Đông được phát hành bởi chính quyền Quốc dân Đảng, Tuyên bố năm 1958 của chính quyền Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về lãnh hải và Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Thứ hai, nhiều quốc gia cho rằng sự mập mờ trong yêu sách biển của Trung Quốc bởi vì các lý do lịch sử. Lý do thứ nhất là UNCLOS không quy định rõ ràng về “quyền lịch sử”. Lý do thứ hai là không có một cách hiểu thống nhất trong luật quốc tế về “quyền lịch sử”. Từ quan điểm của Trung Quốc – một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới, thì Biển Đông là một phần của trật tự Châu Á truyền thống, vì thế, không thể nhận thức thấu đáo được về “đường chín đoạn” nếu chỉ dựa vào hệ thống các quốc gia – dân tộc theo mô hình Westphalia của phương Tây.

Thứ ba, tác giả có dẫn lại quan điểm từ Zou Keyuan, Giáo sư luật quốc tế (người gốc Trung Quốc) của Trường Đại học Central rằng: “‘đường chín đoạn’ đã được xuất hiện trước khi UNCLOS ra đời nửa thế kỷ, và trước một thập niên khi 4 Công ước Geneva về biển được ra đời, vì thế, ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc tại vùng biển này không thể bị bỏ qua”. “Đường chín đoạn” được vẽ năm 1947 bởi chính quyền Trung Quốc, gần như là ở giữa các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông với các đá và đường bờ biển của các quốc gia láng giềng, phản ánh phạm vi yêu sách của Trung Quốc. Sự thống nhất trong các yêu sách của Trung Quốc đã được duy trì từ sau năm 1949, và các yêu sách này được thừa nhận chính thức hoặc mặc nhiên thừa nhận từ các quốc gia láng giềng trong suốt một thời gian dài. Vì thế, đường chín đoạn phải có hiệu lực và sức mạnh trong luật quốc tế.

Thứ tư, cái gọi là nhập nhằng, mơ hồ trong bản đồ “đường chín đoạn” và các yêu sách của nó đối với các vùng nước trong đường này bắt nguồn từ sự thiếu hoàn chỉnh của UNCLOS, bởi vì thiếu vắng tiêu chuẩn thống nhất về quyền lịch sử trong các lý thuyết cũng như trong các học thuyết của luật quốc tế.

Phản bác quan điểm của học giả Trung Quốc

Trong luận điểm thứ nhất, tác giả đã nêu ra có những nghi ngờ về sự mập mờ trong yêu sách biển của Trung Quốc. Còn nếu tác giả cho rằng Trung Quốc có yêu sách rõ ràng và nhất quán đối với các đảo và các cấu trúc đất liền trên Biển Đông, thông qua các văn bản chính thức của nhà nước Trung Quốc, bao gồm: Bản đồ năm 1947 về vị trí của các đảo ở Biển Đông được phát hành bởi chính quyền Quốc dân Đảng, Tuyên bố năm 1958 của chính quyền Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về lãnh hải và Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thì ta thấy như sau: Liệu với việc đưa ra một bản đồ mập mờ không rõ nguồn gốc và tính chất pháp lý liệu có được coi là một yêu sách về lãnh thổ theo luật quốc tế?

Trong vấn đề này, ta có thể tham khảo ý kiến của Thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/Sedudu: “…một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”. Hai học giả danh tiếng về luật quốc tế của Châu Âu là Erik Franckx & Marco Benatar trong một nghiên cứu của mình cho rằng “Trong trường hợp này, tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía chính phủ Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về “đường chữ U” do các học giả đưa ra cũng như công hàm mập mờ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này”.

Như vậy thì ngay cả việc gửi bản đồ có kèm theo “đường lưỡi bò” lên Liên hợp quốc ngày 7/5/2009 mà không có giải thích gì khác thì cũng chưa hình thành một yêu sách lãnh thổ, còn tới việc cho xuất bản bản đồ (khó kiểm chứng tính chính xác) của một cá nhân mà không công bố rõ ràng trước cộng đồng quốc tế thì không thể gọi là một yêu sách lãnh thổ của một quốc gia được.Nếu Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia khác phải công nhận những bản đồ, tài liệu do Trung Quốc đưa ra mà không công bố cho thế giới, thì Trung Quốc cũng phải công nhận các bản đồ, tài liệu của tất cả các nước, trong đó có các bản đồ cổ của Việt Nam và nhiều bản đồ phương Tây khác nêu rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Điều đặc biệt là trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả Chính phủ Cộng hòa Trung Hoa lẫn Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó cả.

Trong các tuyên bố và các văn bản luật quan trọng của chính quyền Trung Quốc bao gồm Tuyên bố về Lãnh hải tháng 8 năm 1958, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải năm 1996, Luật của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998 đều không thấy nhắc gì tới yêu sách “đường lưỡi bò” này cũng như không có bản đồ nào có hình “đường lưỡi bò” được đính kèm.

Chưa kể việc với bản đồ năm 1947 với tên của nó là Vị trí của các đảo ở Biển Đông, tức là không nhắc gì tới các vùng nước, nhưng đoạn sau tác giả lại nói là Trung Quốc đã yêu sách các đảo, đá và vùng nước trong “đường chín đoạn” này. Rồi Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng:

“Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”.

Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, tức là vùng biển tự do quốc tế, chứ đâu phải là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Cho nên cái gọi là Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách biển rõ ràng và thống nhất là chuyện nói lấy được, mà không hề có trên thực tế.

Về luận điểm thứ hai, liên quan đến “quyền lịch sử”. Trong UNCLOS, đã không trực tiếp nhắc tới “quyền lịch sử”. “Quyền lịch sử” được nhắc đến trong luật biển quốc tế chủ yếu là liên quan tới vụ tranh chấp thềm lục địa giữa Tunisia và Lybia được ICJ phán xử năm 1982. Theo nghiên cứu của nhiều học giả về “quyền lịch sử” thì “quyền lịch sử” thông thường được gắn với quyền đánh cá. “Quyền lịch sử” không phải là chủ quyền, thế nhưng cái mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông không chỉ là quyền đánh cá mà là chủ quyền của họ đối với vùng biển rộng nhất nhì thế giới này. Tuy là thành viên của UNCLOS từ 1996, nhưng Trung Quốc lại cố tình không tuân thủ UNCLOS, việc Trung Quốc từ chối không tham gia giải quyết tranh chấp với Philippines thông qua một Toà trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS là một ví dụ cụ thể, thế nhưng Zheng Zinghua còn ngụy biện là không thể hiểu “đường chín đoạn” theo cách của phương Tây. Vấn đề ở đây không phải hiểu theo cách của bên nào, mà là theo các quy định của luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, nhưng Trung Quốc đã cố tình phớt lờ nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS của mình.

Về luận điểm thứ ba, cũng tương tự luận điểm thứ hai. Đầu tiên, Trung Quốc đã là thành viên của UNCLOS thì phải tuân thủ các quy định trong UNCLOS, tiếp theo, không có cái được gọi là yêu sách “đường chín đoạn” như đã phân tích ở luận điểm thứ nhất, vì thế việc Trung Quốc cho rằng, cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn” đã được các quốc gia láng giềng thừa nhận trong một thời gian dài là vô lý.

Ngay tại hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là “đường lưỡi bò” được các quốc gia khác công nhận.

Sau khi Trung Quốc gửi hai Công hàm lên Liên hợp quốc ngày 7/5/2009 (tức là thời điểm “đường lưỡi bò” chính thức xuất hiện lần đầu tiên trước cộng đồng quốc tế), ngày 8/5/2009 Việt Nam đã gửi ngay Công hàm để phản đối:

“Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo này. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông như được minh hoạ trên bản đồ đính kèm với các Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế, do đó vô hiệu”.

Ngày 08/07/2010, Indonesia – một quốc gia lớn của ASEAN, không có những tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng đã gửi công hàm số 480/POL – 703/VII/10 lên Liên hợp quốc để phản đối các yêu sách trên vùng biển này của Trung Quốc. Công hàm của Indonesia có nêu rõ:

“…Do vậy, dựa vào những tuyên bố trên, cái gọi là ‘bản đồ đường đứt đoạn’ được kèm theo Công hàm số CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 nói trên rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại các quy định của của Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc”.

Trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng lên tiếng phản đối những yêu sách biển không tuân thủ Công ước Luật biển 1982, mà “đường lưỡi bò” chính là đối tượng được nhắc tới.

Ngày 5/4/2011, Philippines cũng gửi một Công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, công hàm này nêu rõ: “…yêu sách của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về “các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển” (được đính kèm với Công hàm số CML/17/2009 và Công hàm số CML/18/2009) đã được nói trên ở đây, bên ngoài các cấu trúc địa chất của KIG (tức Trường Sa – người viết chú thích), “các vùng nước liên quan” này không có cơ sở nào trong luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982”.

Ngày 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức công bố bản Limits in the sea số 143, trong đó đã phân tích chi tiết về những điểm bất hợp lý trong cái gọi là yêu sách này của Trung Quốc. Bản Limits in the sea này cũng là quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ bác bỏ “đường chín đoạn” vô lý này.

Trong rất nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông và liên quan đến Biển Đông, các học giả Trung Quốc luôn bối rối trước các chất vấn về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” từ các học giả quốc tế. Hầu hết các học giả quốc tế (trừ các học giả Trung Quốc) đều phản đối “đường lưỡi bò”.

Về luận điểm cuối cùng, Zheng Zhinghua đổ lỗi cho sự thiếu hoàn chỉnh của UNCLOS, đặc biệt là về “quyền lịch sử”, nhưng như đã phân tích, lập luận này mang nặng sự ngụy biện. Năm 2012, khi dự lễ kỷ niệm 30 năm ra đời của UNCLOS, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phát biểu: “các đại dương của thế giới đã trở thành nơi diễn ra các tranh chấp về những vấn đề như quyền đánh bắt cá và các tuyên bố khác nhau về quyền tài phán quốc gia, khai thác tài nguyên khoáng sản ở vùng biển sâu và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các vấn đề như vậy phát sinh không phải vì những thiếu sót trong Công ước này và cũng không phải vì các quốc gia thành viên áp dụng sai Công ước, mà do một số quốc gia đã bất chấp Công ước”.

Chính việc bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS mới là nguyên nhân dẫn đến gây căng thẳng ở Biển Đông, và do việc bất chấp luật pháp quốc tế như vậy, “đường chín đoạn” mới bị chỉ trích và phản đối rất nhiều trên thế giới, và vì không có cơ sở pháp lý nào cho nên nó mới được chính quyền Trung Quốc mập mờ mãi như vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới