Mỹ muốn ép Nga cùng sửa đổi “Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn” căn bản không phải là nhằm vào Nga, mà là triển khai tên lửa ở châu Á đối phó Trung Quốc.
Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc (Pháo binh 2) tiến hành huấn luyện có phòng hộ (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 11 tháng 7 dẫn mạng tin tức Sputnik Nga ngày 8 tháng 7 đưa tin, không lâu trước, cuộc phỏng vấn đối với ông Ulianov – Vụ trưởng Vụ các vấn đề an ninh và giải trừ quân bị của Bộ Ngoại giao Nga đã có chi tiết đáng ngạc nhiên về việc Mỹ chỉ trích Moscow vi phạm “Hiệp ước tên lửa tầm trung và ngắn”.
Theo bài báo, ban đầu, sự chỉ trích của Mỹ căn bản không phải liên quan đến vũ khí cụ thể, dễ được xác nhận nào của Nga. Trong ví dụ do người Mỹ đưa ra có vài loại vũ khí, bao gồm tên lửa hành trình R-500 của hệ thống vũ khí tên lửa Iskander và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nhẹ mới RSS-26 Rubezh.
Sau đó, người Mỹ không còn tiếp tục đề cập tới 2 loại tên lửa này, lại cho rằng sự chỉ trích của họ có liên quan đến một loại tên lửa hành trình tầm trung khác được thử nghiệm vài năm trước. Họ không nói ra tên lửa cụ thể, chỉ nói Nga cần chỉ rõ ra đó là loại tên lửa nào. Họ đồng thời yêu cầu cung cấp chứng cứ chưa vi phạm cho họ.
Người Mỹ không chỉ rõ tên lửa cụ thể, họ yêu cầu Nga cung cấp chứng cứ – yêu cầu này rõ ràng không thể đáp ứng, cho thấy mục đích thực sự của Mỹ rất có thể liên quan đến một số chương trình tên lửa nào đó của Nga. Trước hết, một mục đích rõ ràng của Mỹ chính là tiếp tục duy trì sức ép chính trị đối với Nga.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21 Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Mỹ quen dùng vấn đề chống phổ biến và kiểm soát quân bị để gây sức ép với nước khác. Trước đây, Trung Quốc đã từng đối mặt với sức ép như vậy, hiện nay Iran cũng đang gặp phải. Chính Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (do người Mỹ thêu dệt) đã trở thành cái cớ để Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003.
Tuy nhiên, gây áp lực với Nga rất có khả năng không phải là mục đích chủ yếu của họ, mà mục đích chính của Mỹ là có ý đồ tiến hành sửa đổi hiệp ước có lợi cho Mỹ. Về một số chi tiết làm thế nào để sửa đổi hiệp ước thì có thể tìm được trong rất nhiều bài viết của chuyên gia Mỹ.
Mỹ muốn sửa đổi hiệp ước căn bản không phải là nhằm vào Nga, mà là chĩa “mũi giáo” vào Trung Quốc.
Mỹ cảm thấy bất an sâu sắc đối với việc Trung Quốc tăng số lượng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có độ chính xác cao. Trên thực tế, số lượng của chúng đã nhiều đến nỗi không có bất cứ hệ thống phòng không hoặc phòng thủ tên lửa nào có cơ hội ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc đối với các cơ sở quân sự của Mỹ và đồng minh châu Á.
Pháo binh 2 tăng cường độ và độ khó huấn luyện trong đêm (theo tuyên truyền của mạng sina Trung Quốc) |
Chỉ dựa vào tên lửa hành trình phiên bản hải quân và không quân đã khó mà ứng phó với mối đe dọa này. Cho nên, rất nhiều chuyên gia Mỹ chủ trương triển khai tên lửa đất đối đất và Lục quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Quan điểm này đã có từ lâu.
“Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn” cản trở người Mỹ làm như vậy, bởi vì hiệp ước này căn bản không cho phép Mỹ sản xuất hoặc nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo có tầm bắn 500 – 5.500 km, cũng không cho phép người Mỹ triển khai những tên lửa hành trình này ở mặt đất.
Cho nên, rất nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, cần lợi dụng cái cớ Nga “vi phạm” hiệp ước để tiến hành sửa đổi nó, chẳng hạn, chỉ giới hạn tính hiệu quả của nó ở châu Âu.
Vì vậy có thể suy đoán, chỉ trích Nga vi phạm hiệp ước rất có khả năng là để ép buộc họ ngồi xuống đàm phán trong điều kiện có lợi cho Mỹ; cho rằng Nga do là bên vi phạm hiệp ước, Nga để cố gắng tránh bị trừng phạt mới, sẽ đồng ý với phương án sửa đổi của Mỹ.
Như vậy, Mỹ có thể xây dựng lực lượng tên lửa nhằm vào Trung Quốc ở châu Á, đồng thời lợi ích của họ ở châu Âu lại không bị thiệt hại. Vấn đề là, Nga không thích người khác dùng mối đe dọa để ép họ đơn phương tiến hành nhượng bộ, bởi vì hậu quả có thể ngoài ý muốn, sẽ không có lợi cho các bên.
Binh sĩ Pháo binh 2 tiến hành huấn luyện (nguồn mạng sina Trung Quốc) |