Với những yêu cầu đặt ra trong Tuyên bố khởi kiện khả năng PCA sẽ chấp nhận thẩm quyền giải quyết là rất cao.
LTS: Sau khi phiên tranh tụng đầu tiên của vụ Philippines kiện Trung Quốc kết thúc ngày 13/7, Tòa trọng tài thường trực (PCA) đề ra những thời hạn mới để các bên tiếp tục củng cố lập luận và chứng cứ, đồng thời tuyên bố sẽ cố gắng đưa ra quyết định về thẩm quyền xét xử “dự kiến trước cuối năm nay”.
Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS. Bành Quốc Tuấn, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh về vụ kiện cũng như một vài dự đoán ban đầu.
Ngày 22/01/2013, Philippines tuyên bố khởi kiện Trung Quốc trước Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), chính thức mở màn cho việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng con đường thông qua các cơ quan tài phán quốc tế.
Thông báo và tuyên bố khởi kiện của Philippines (Notification and Statement of Claim on West Philippine Sea[1]) tập trung vào hai vấn đề chính: Thứ nhất, Philippines cho rằng việc Trung Quốc tự vạch “đường chín đoạn” đồng thời thực thi các yêu sách về biển của Trung Quốc theo “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS và vô giá trị; Thứ hai, các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng chỉ đem lại cho Trung Quốc tối đa lãnh hải 12 hải lý, do những vị trí này chỉ có thể được coi là “đá” (không phải “đảo” để được hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa) theo quy định tại Điều 121 của UNCLOS[2].
Nguyên nhân dẫn đến vụ kiện bắt nguồn từ những căng thằng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ tháng 3/2012. Vụ việc này chưa giải quyết thì một vụ việc khác liên quan đến bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, một khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền) lại phát sinh. Ngày 8/4/2012, chiến hạm lớn nhất của Philippines là BRP Gregorio del Pilar phát hiện một nhóm 8 tàu đánh cá của Trung Quốc, mà theo lời của Bộ ngoại giao Philippines là “đánh bắt trái phép” tại khu vực bãi cạn Scarborough.
Đầu tháng 4/2012, Philippines tiếp tục phản đối Trung Quốc tại Liên hợp quốc liên quan đến bản đồ vẽ “đường chín đoạn” của Trung Quốc mà Philippines cho rằng thể hiện các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của quần đảo Trường Sa. Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Philippines khẳng định “đường chín đoạn” do Trung Quốc vẽ không có bất kỳ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Lựa chọn của Philippines
Hiện nay, Tòa trọng tài thường trực có trụ sở chính tại La Haye (gọi tắt là Tòa trọng tài thường trực La Haye – PCA) đang tổ chức phiên điều trần thứ hai để xem xét liệu PCA có thẩm quyền giải quyết các vấn đề khởi kiện của Philippines hay không. Theo quy trình tố tụng của PCA, chỉ khi nào xác định được thẩm quyền PCA mới có thể tiến hành giải quyết vụ việc và tuyên phán quyết liên quan đến vụ việc.
Cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên của UNCLOS, nghĩa là phải tuân thủ các quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, khi gia nhập UNCLOS, ngày 25/8/2006, Trung Quốc đã có báo cáo gửi Liên hiệp quốc đưa ra các tuyên bố bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS.
Theo các bảo lưu này Trung Quốc có quyền không chấp nhận bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại Điều 287, bao gồm 4 phương pháp: một là Tòa án công lý của Liên hiệp quốc (ICJ), hai là Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), ba là Tòa án trọng tài và bốn là Tòa án trọng tài đặc biệt (giải quyết các tranh chấp liên quan tới đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển hoặc nghiên cứu khoa học biển) đối với tất cả các loại tranh chấp được quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 298 UNCLOS. Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể từ chối thẩm quyền của Tòa án trọng tài và tòa án này không đủ thẩm quyền thụ lý đơn kiện vì Trung Quốc đã có văn bản bảo lưu này.
Từ những phân tích này cho thấy nếu Philippines kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines khi xâm nhập khu vực Bãi Cỏ Rong và bãi cạn Scarborough thì chắc chắn các cơ quan tài phán theo UNCLOS sẽ không có thẩm quyền giải quyết.
Rõ ràng khi quyết định chỉ yêu cầu Tòa trọng tài phán xét tính pháp lý của “đường chín đoạn” do Trung Quốc đơn phương tự vạch ra, cũng như yêu cầu giải thích Điều 121 của UNCLOS đối với các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng, Philippines đã lựa chọn một giải pháp rất khôn ngoan:
Thứ nhất, Philippines đã tạm gác qua một bên vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cũng như đối với những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Điều này đã giúp cho Philippines vô hiệu hóa việc bảo lưu Điều 287 UNCLOS của Trung Quốc đồng thời cũng tránh phản ứng bất lợi của các nước khác có liên quan. Nói cách khác, một mặt Philippines đã lách qua được khe cửa hẹp để đưa vụ việc ra cơ quan tài phán của UNCLOS đồng thời không làm phức tạp thêm tình hình.
Thứ hai, nếu phán quyết của Tòa trọng tài tuyên rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý (nhiều khả năng là như thế) điều này có nghĩa là Philippines không cần phải xác định chủ quyền của mình đối với những khu vực biển đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines vì chúng mặc nhiên thuộc lãnh thổ của Philippines. Nếu phán quyết của Tòa trọng tài tuyên các vị trí Trung Quốc đang chiếm đóng không phải là “đảo” theo Điều 121 UNCLOS thì kết quả cũng sẽ tương tự, vì tối đa vùng nước của đá chỉ là 12 hải lý tính từ bờ biển, không xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Thứ ba, kết quả của phán quyết sẽ loại bỏ Trung Quốc ra khỏi các tranh chấp biển đảo giữa Philippines với các nước xung quanh. Như vậy, Trung Quốc cũng không còn cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực biển mà Trung Quốc đang kiểm soát và đòi hỏi chủ quyền.
Chờ phản ứng của Trung Quốc
Như vậy, với những yêu cầu đặt ra trong Tuyên bố khởi kiện khả năng PCA sẽ chấp nhận thẩm quyền giải quyết là rất cao. Điều này thể hiện trên thực tế khi Philippines rất tin tưởng vào khả năng PCA sẽ chấp nhận giải quyết vụ kiện. Nhưng cần phải thấy rằng giữa việc chấp nhận thẩm quyền giải quyết và kết quả giải quyết là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Dù sao đi nữa, việc Philippines quyết định đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa trọng tài quốc tế là hành động phù hợp với quy định của luật quốc tế. Các quốc gia có nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp nhưng có quyền lựa chọn các biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp tài phán quốc tế. Sự lựa chọn của Philippines cũng không làm “phức tạp hóa” tình hình biển Đông. Ngược lại, còn thể hiện mong muốn tìm kiếm một giải pháp bền vững, không sử dụng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật quốc tế.
Ngoài ra, việc thông qua một cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết vụ việc này còn mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho Philippines. Cụ thể hơn, hành động của Philippines đã quốc tế hóa vấn đề Biển Đông vốn là điều Trung Quốc luôn tìm mọi cách né tránh và ngăn cản. Từ trước tới nay với lợi thế của mình, Trung Quốc luôn muốn dùng đàm phán song phương để “bẻ gãy từng chiếc đũa”.
Đương nhiên khi Philippines khởi kiện, dù chưa kết quả, thì cả thế giới sẽ quan tâm và đón chờ phản ứng của Trung Quốc. Trung Quốc, với tư cách là một Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, với sức mạnh của nền kinh tế thứ hai thế giới, sẽ hành động như thế nào cho tương xứng?
Và quan trọng hơn, Philippines sẽ đặt Trung Quốc vào địa vị ngang bằng và bình đẳng với Philippines, để buộc Trung Quốc phải đưa ra cơ sở pháp lý để chứng minh cho các yêu sách chủ quyền của mình, mà từ trước đến nay Trung Quốc luôn cố ý mập mờ để làm lạc hướng các nước, đặc biệt là đối với “đường chín đoạn”./.