Sau tiến trình đàm phán marathon kéo dài 20 tháng, thỏa thuận vấn đề hạt nhân Iran đã đạt được ngày 14-7-2015. Thỏa thuận này thật ra không chỉ nằm trong khuôn khổ vấn đề vũ khí hạt nhân Iran và ý nghĩa của sự kiện cũng không chỉ liên quan vấn đề an ninh Trung Đông. Ẩn sau nó là mục tiêu Trung Quốc.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama nói: “Hôm nay, sau 2 năm đàm phán, Mỹ cùng cộng đồng quốc tế đã đạt được điều mà hàng thập niên oán thù đã không thể giải quyết: một thỏa thuận lâu dài toàn diện với Iran nhằm ngăn chặn họ sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Tại sao là Trung Quốc?
Như Orde F. Kittrie viết trên Foreign Affairs (13-7-2015), thỏa thuận hạt nhân Iran còn nhắm vào việc kiểm soát nguồn cung cấp bất hợp pháp từ Trung Quốc. Trong nhiều năm, hai người Trung Quốc – Trịnh Ty Hải (Sihai Cheng) và Lý Phương Vỹ (Li Fangwei, còn được gọi là Karl Lee) – đã nằm trong danh sách theo dõi gắt gao của Mỹ với những thương vụ cung cấp thiết bị hạt nhân cho Iran.
Chỉ trong vài năm, Trịnh đã chuyển hơn 1.000 đầu dò áp suất từ Trung Quốc sang Iran sau khi lô hàng được sản xuất tại Mỹ bởi Công ty MKS nằm ở Massachusetts. Trong một số bức ảnh công khai, người ta thấy (nguyên) Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad có mặt tại Nhà máy Hạt nhân Natanz với đầu dò MKS.
Trịnh đã bị bắt và hiện giam tại Mỹ, không là người duy nhất. Karl Lee mới là nhân vật nguy hiểm.
Theo hồ sơ đệ trình từ Văn phòng luật Manhattan năm 2009 và hồ sơ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ năm 2014, Karl Lee, trong 10 năm qua, đã cung cấp cho Iran hàng chục ngàn kilô vật liệu đặc biệt dùng sản xuất các thiết bị ly tâm và tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Chưa có bằng chứng cho thấy Chính phủ Bắc Kinh đứng sau Karl Lee hoặc Trịnh Ty Hải nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ nhiệt tình trong việc truy lùng hai đối tượng này. Cần nhắc lại, Bắc Kinh từng cam kết với Tổng thống Bill Clinton năm 1997 về việc không xuất khẩu những mặt hàng liên quan công nghệ hạt nhân cho Iran; đổi lại, Mỹ đồng ý thực hiện thỏa thuận lần đầu tiên giữa hai nước về hợp tác hạt nhân dân sự. Cam kết này hết hạn vào cuối năm 2015.
Tại phiên điều trần Thượng viện ngày 12-5-2015, Thượng nghị sĩ Edward Markey đã nhắc lại Karl Lee và cho rằng: “Thật phi lý khi kết luận Chính phủ Trung Quốc không có khả năng phá vỡ đường dây bất hợp pháp cung cấp thiết bị công nghệ hạt nhân cho Iran… Có lẽ Trung Quốc đã cho doanh nghiệp tư nhân “thầu lại”…, để họ không có dấu tay…”.
Và do Bắc Kinh không “dính dấu tay” nên họ vẫn có thể nhập khẩu các sản phẩm liên quan công nghệ hạt nhân mà Mỹ và các nước đồng minh chỉ bán cho những nước tuân thủ qui định không phổ biến hạt nhân.
Cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tại Nhà máy Hạt nhân Natanz với đầu dò MKS |
Cùng lúc, Trung Quốc duy trì được quan hệ kinh tế tại thị trường một nước mà hầu hết quốc gia phương Tây không thể đụng vào. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào khu vực công nghiệp năng lượng Iran.
Trung Quốc cũng là khách hàng dầu hỏa lớn nhất của Iran. Năm 2007, một chi nhánh của Tập đoàn Norinco (nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng nhà nước Trung Quốc) đã ký một hợp đồng trị giá gần 590 triệu USD về dự án tàu điện ngầm cho hệ thống metro Teheran.
Chưa hết, Michael Singh, cựu Giám đốc cấp cao đặc trách Trung Đông của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng Iran như một đối trọng với Mỹ.
“Thay vì dùng ảnh hưởng của mình để kêu gọi Iran tuân thủ các quy định về phi vũ khí hạt nhân của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh có vẻ châm lửa cho thái độ khiêu khích nhất nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh, một thái độ có thể làm bất ổn Trung Đông” – Michael Singh nhận định.
Karl Lee là ai?
Viết trên Forbes (10-7-2015), nhà báo kỳ cựu Claudia Rosett đã cho thấy Karl Lee là ai. Trong hơn một thập niên, giới chức trách Mỹ đã cố phá đường dây buôn lậu thiết bị hạt nhân của Karl Lee, bắt đầu từ nhà máy sản xuất luyện kim LIMMT Economic and Trade Co của đương sự.
Từ tháng 4-2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã treo giá 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt được Karl Lee. Ảnh truy nã của FBI miêu tả Karl Lee có mái tóc đen, cao khoảng 1,7m, với một nốt ruồi ở môi trên. Đương sự là công dân Trung Quốc sử dụng thành thục Quan thoại lẫn tiếng Anh.
Hồ sơ tòa Mỹ cho biết, một địa chỉ của Công ty LIMMT nằm tại thành phố cảng Đại Liên. LIMMT đã nằm trong danh sách các công ty bị Bộ Ngoại giao Mỹ cấm vận vào năm 2004.