Một chuyên gia an ninh Mỹ đã kiến nghị lên Quốc hội nước này rằng, đã đến lúc Washington cần hậu thuẫn cho Philippines ở Biển Đông tương tự như những gì đã bảo đảm cho Nhật Bản ở biển Hoa Đông trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây, ông Walter Lohman – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản (cơ quan tư vấn chính sách có trụ sở ở Washington) cho rằng, quan điểm của Mỹ về việc áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines với các đảo, đá, bãi cạn… đang nằm dưới sự kiểm soát của Philippines ở Biển Đông đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Đây cũng là mấu chốt của sự khác biệt trong cách đối xử của Mỹ với Nhật Bản và Philippines – 2 nước đều là đồng minh thân cận của Mỹ và đều đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, một ở biển Hoa Đông, một ở Biển Đông.
Các quan chức cấp cao Mỹ, thậm chí cả Tổng thống Mỹ Barack Obama đều đã đưa ra những tuyên bố chắc như “đinh đóng cột” rằng: “Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh song phương Mỹ – Nhật, vì vậy, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp Trung Quốc có các cuộc tấn công vào quần đảo này”.
Trong khi đó, Washington chưa hề làm như vậy đối với những đảo, đá, bãi cạn… mà Philippines đang kiểm soát ở Biển Đông, mặc dù vẫn tích cực trợ giúp về tài chính và quân sự cho Manila trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương đã có.
Theo ông Lohman, đã đến lúcMỹ cần hậu thuẫn cho Philippines ở Biển Đông tương tự như những gì Washington đã bảo đảm cho Nhật Bản ở biển Hoa Đông trong các tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Washington cần tuyên bố an ninh của những đảo, đá, bãi cạn, thực thể… mà Manila đang kiểm soát ở những khu vực có tranh chấp trên Biển Đông là nằm trong phạm vi bảo trợ của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines.
Vị chuyên gia này cũng kêu gọi, trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ nên tăng cường viện trợ quân sự cho Manila.
“Tôi sẽ đề nghị Quốc hội tăng gấp đôi ngân sách FMF (ngân sách tài chính quân đội nước ngoài) cho Philippines”, ông Lohman nói.
Mỹ vẫn luôn tuyên bố họ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng khẳng định rằng cần phải duy trì, bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Washington cũng nhấn mạnh rằng, bất kỳ tranh chấp về chủ quyền nào trên các đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông cần phải được xử lý một cách hòa bình.
Liên quan đến vụ kiện Biển Đông mà Manila đang theo đuổi tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan), giới chức Mỹ cũng tỏ ra rất quan tâm và ủng hộ, thông qua các tuyên bố, mà gần đây nhất là bản tuyên bố ngày 17/7/2015 của 4 Thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain – Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ.
Trong khi đó, những hành vi hung hăng và thái độ quyết liệt, cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông được cho là một trong những động lực chính thúc đẩy Philippines tăng cường hơn nữa liên minh an ninh với Mỹ.
Năm ngoái, Philippines ký một hiệp định cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các cơ sở quân sự của nước này. Tháng 5 vừa qua, một máy bay Mỹ đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Clark ở Philippines để trinh sát những hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuần trước, Manila thông báo quyết định mở lại căn cứ hải quân ở vịnh Subic cho các hoạt động quân sự – động thái làm dấy lên đồn đoán quân đội Mỹ sẽ tái sử dụng căn cứ từng là cơ sở lớn nhất của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.