Thursday, November 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMở lại căn cứ Subic, Philippines quyết đấu Trung Quốc ở Biển...

Mở lại căn cứ Subic, Philippines quyết đấu Trung Quốc ở Biển Đông

Với tuyên bố mở lại căn cứ quân sự trên vịnh Subic giữa tuần qua, kèm khẳng định sẽ điều động tàu khu trục và chiến đấu cơ, Philippines đang có một bước đi quyết liệt nữa để đối phó Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

 

Hơn 20 năm kể từ khi những binh sĩ cuối cùng của hải quân Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân trên Vịnh Subic vào năm 1992, Philippines ngày 16/7 tuyên bố mở cửa trở lại căn cứ này.

Cùng với tuyên bố trên, người phát ngôn Bộ quốc phòng Philippines Peter Galvez khẳng định, quân đội nước này sẽ đưa các chiến đấu cơ và chiến hạm tới Vịnh Subic. “Vị trí của căn cứ mang tính chiến lược cao”, ông Galvez khẳng định khi nói đến vị trí hướng ra Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines, của căn cứ này.

“Nếu cần phải triển khai lực lượng tới Biển Tây Philippines, căn cứ (Subic) đã có sẵn ở đó. Chúng tôi không giấu giếm điều này. Ở đó còn có một cảng nước sâu có thể đón các tàu chiến mới”.

Quyết đối phó Trung Quốc

Nằm cách bãi cạn Scarborough chưa đầy 200 km về phía đông và cách thủ đô Manila chừng 2 giờ chạy xe về phía bắc, Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Theo tờ Wall Street Journal, hơn 4.000 binh sĩ Mỹ và gia đình họ từng sống tại đây, nơi từng là trạm bảo dưỡng tiền phương chính của Hạm đội 7.

Trong những năm cao điểm Mỹ tham chiến tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4 triệu lượt thủy thủ Mỹ được chuyển qua vịnh này. Kế bên, Trạm Cubi là nơi hàng trăm máy bay của hải quân Mỹ trong khu vực được bảo dưỡng.

Sau khi lấy lại căn cứ này từ hải quân Mỹ, Subic được chuyển đổi thành một khu thương mại và công nghiệp, với chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tới đây.

Việc mở cửa trở lại căn cứ ở Subic là kế hoạch đã được Philippines triển khai từ lâu. Năm 2013, Bộ trưởng quốc phòng Voltaire Gazmin đã tuyên bố Manila có kế hoạch lập các căn cứ hải quân và không quân tại đây, do vị trí gần với vùng biển đang có tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là bãi cạn Scarborough.

Sau một cuộc đối đầu kéo dài 3 tháng tại Scarborough giữa tàu hải quân Trung Quốc và Philippines năm 2012, cuối cùng Trung Quốc đã chiếm kiểm soát bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Giới chuyên gia cho rằng sử dụng vịnh Subic sẽ cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ, đi sát vào bờ biển của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines. 

Cảng nước sâu của Subic nằm ở phía tây của đảo chính Luzon của Philippines, đối diện Biển Đông. “Giá trị của Subic với tư cách là căn cứ quân sự đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc biết điều đó”, Rommel Banlaoi, chuyên gia an ninh của Philippines cho biết.

Vị trí Vịnh Subic của Philippines. Đồ họa: globalbalita

Vị trí Vịnh Subic của Philippines. Đồ họa: globalbalita

Cùng với tuyên bố mở lại căn cứ quân sự Subic, quân đội Philippines cũng khẳng định sẽ điều động hai tàu khu trục cùng các chiến đấu cơ mới đến căn cứ này.

Cụ thể, từ đầu năm 2016, hai chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50, nằm trong đơn đặt hàng 12 chiếc Manila ký hồi năm ngoái với Hàn Quốc, sẽ được điều về Trạm hải quân Cubi trong vịnh Subic, hai sĩ quan cấp tướng trong quân đội Philppines tiết lộ với Reuters.

Nguồn tin này còn cho biết, một phi đội FA-50 đầy đủ sẽ đóng quân tại Subic, cùng với Phi đội chiến đấu số 5, được điều về từ một căn cứ tại đảo Luzon. Trong khi đó hai tàu khu trục sẽ được điều về cảng Alava.

“Các chiến đấu cơ hạng nhẹ mới do Hàn Quốc sản xuất có thể tới bãi cạn Scarborough trong vài phút, còn các máy bay tuần tra biển hoặc máy bay không người lái có thể cập nhật thông tin thường xuyên về các động thái của Trung Quốc trong khu vực”, Patrick Cronin, một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á, đến từ Trung tâm an ninh Mỹ mới tại Washington nhận định.

“Việc trở lại vịnh Subic, lần này do không quân Philippines đi đầu, có vẻ là bước đi phòng thủ khôn ngoan”.

Mở đường cho quân đội Mỹ trở lại

subic-bay-Airport-9796-1437301666.jpg

Đường băng trong Vịnh Subic phù hợp cho nhiều loại máy bay. Ảnh: Philstar

Điều được giới quan sát chờ đợi và quan tâm nữa là sự trở lại của quân đội Mỹ tại căn cứ này. Kể từ năm 2000 đến nay, các tàu chiến Mỹ thường xuyên ghé thăm Subic, nhưng chỉ để neo đậu và tham gia các cuộc diễn tập với quân đội Philippines, hoặc sử dụng các dịch vụ thương mại, như sửa chữa và bổ sung quân nhu.

Theo Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng được ký với Mỹ năm 2014, có 8 địa điểm tại Philippines quân đội Mỹ có thể sử dụng, nhưng không có vịnh Subic, do vào thời điểm đó căn cứ này còn đóng cửa. Thỏa thuận này cho phép quân đội Mỹ triển khai tới các căn cứ tại Philippines lâu hơn và xây dựng các cơ sở đóng quân cùng hạ tầng phục vụ hậu cần.

Đến nay, thỏa thuận trên đang tạm thời bị “đóng băng”, sau khi một số chính trị gia cánh tả tại Philippines khiếu nại lên Tòa án tối cao. Dự kiến phán quyết sẽ được đưa ra trong những tháng tới.

“Subic có thể là một trong những địa điểm…trong Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng”, thứ trưởng quốc phòng Pio Lorenzo Batino tiết lộ.

Trong khi đó Lầu Năm Góc cho biết đã có những cuộc đàm phán không chính thức về vị trí các căn cứ tại Philippines, nhưng sẽ không có kế hoạch nào được triển khai cho tới sau phán quyết của Tòa án Tối cao Philippines.

Dù vậy, với những động thái và phát biểu gần đây của giới chức quân đội Mỹ, việc Lầu Năm Góc đưa quân trở lại Philippines có lẽ là điều có thể dự báo trước.

Phát biểu trước báo giới hôm 18/7, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định các lực lượng Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng phản ứng trước mọi diễn biến bất ngờ trên Biển Đông.

Đô đốc Scott Swift, người tiếp nhận ghế tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hồi tháng 5, cho biết, hải quân Mỹ có thể triển khai thêm 4 tàu chiến ven bờ như đã cam kết với khu vực. Ngoài ra ông Swift cũng tiết lộ “rất quan tâm” đến việc mở rộng các cuộc tập trận thường niên đa quốc gia của hải quân Mỹ với một số đồng minh trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới