Cho phép quân đội ra nước ngoài khiến Trung Quốc khiếp sợ, Nhật sẽ tham gia săn ngầm ở Biển Đông, tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam, dễ nổ ra chiến tranh
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc đưa tin, chiều ngày 17 tháng 7, tại Bắc Kinh, khi hội kiến với Cục trưởng Cục bảo đảm an ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Năm nay là tròn 70 năm chiến thắng chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và chiến thắng phát xít thế giới, thách thức và cơ hội của quan hệ Trung-Nhật đồng thời tồn tại”.
Ông Cường nói rằng, hy vọng Nhật Bản coi trọng đại cục, tuân thủ cam kết trong vấn đề lịch sử, nghiêm túc ứng xử với sự quan tâm của các nước “bị hại” châu Á, xử lý tốt vấn đề liên quan với thái độ có trách nhiệm.
Qua lời nói của ông Cường, ta thấy Trung Quốc đang đặt nặng “vấn đề lịch sử”, qua đây gây sức ép với Nhật Bản. Trung Quốc luôn có cách tiếp cận “cứng” với vấn đề này, thường xuyên tạo dựng dư luận ở trong nước tuyên truyền xấu về Nhật Bản – PV.
Cùng ngày, ông Thường Vạn Toàn – Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng đã nói với ông Shotaro Yachi rằng, Nhật Bản điều chỉnh lớn chính sách quân sự, an ninh, Hạ viện Nhật Bản còn xem xét thông qua dự luật bảo đảm an ninh mới, đây là điều chưa từng có sau Chiến tranh, sẽ “gây ảnh hưởng phức tạp” đến môi trường an ninh và sự ổn định chiến lược của khu vực.
Ngày 26 tháng 3 năm 2015, tàu chiến Quân đội Mỹ tiến hành tiếp tế trên biển |
Thường Vạn Toàn thúc giục Nhật Bản “thiết thực rút ra bài học lịch sử, thận trọng hành động trong lĩnh vực quân sự và an ninh, không làm những việc gây tổn hại đến lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.
Trước đó 1 ngày, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với ông Shotaro Yachi về dự luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản.
Không ít phương tiện truyền thông quốc tế đã chú ý tới một loạt tuyên bố của quan chức Trung Quốc đối với dự luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản, một số bài báo trực tiếp lấy “Trung Quốc đưa ra lời cảnh cáo đối với Nhật Bản”, “Trung Quốc đưa ra phản ứng mạnh mẽ” làm nội dung tiêu đề.
Tờ “Die Welt” Đức cho rằng, đối với các nước láng giềng của Nhật Bản, đây là “được đằng chân lân đằng đầu” sau khi Nhật Bản không “thức tỉnh lịch sử” sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ra nước ngoài khiến cho Trung Quốc khiếp sợ, hệ thống an ninh châu Á đang có sự thay đổi mạnh mẽ.
Ngày 26 tháng 3 năm 2015, tàu khu trục USS Lassen (DDG 82) Mỹ bắn tên lửa Tomahawk |
Tờ “Quan điểm” Nga cho rằng, hành động này của Nhật Bản gây ra sự lo ngại cho các nước khác ở châu Á từng bị Nhật Bản xâm lược, đặc biệt là Trung Quốc. Trước thềm tròn 70 năm chiến thắng, hành động này của Nhật Bản là “không thể chấp nhận” đối với Trung Quốc.
Tạp chí “Học giả ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc luôn có thái độ cảnh giác cao đối với bất cứ dấu hiệu tái quân sự hóa nào của Nhật Bản, truyền thông nhà nước cho rằng, dự luật bảo đảm an ninh mới là “kịch bản như ác mộng” và “vết nhơ của Nhật Bản”, giáng một đòn chí mạng đối với chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản.
Trung Quốc cho rằng Nhật Bản quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt, có nghĩa là lịch sử đen tối có thể tái diễn. Trong hôm nay khi mà vết thương lịch sử còn chưa lành, ký ức đau thương vẫn tồn tại, những nước trước đây từng bị Nhật Bản chà đạp tàn bạo sẽ tiếp tục nhìn thấy “chủ nghĩa quân phiệt” Nhật Bản “ngóc đầu dậy”.
Đây thực chất là loại tuyên truyền lố bịch, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Bởi vì, Trung Quốc mới chính là nước đang ra sức phát triển, chế tạo mọi loại vũ khí trang bị tiên tiến và đang rất hung hăng trên các vùng biển của khu vực, nhất là ở Biển Đông, chúng đang quân sự hóa ở đảo đá đã chiếm của Việt Nam… – PV.
Ngày 26 tháng 3 năm 2015, tàu khu trục Atago DDG177 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tiến hành tiếp tế trên biển (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Theo bài báo, chính quyền Shinzo Abe không đồng ý với quan điểm “chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản ngóc đầu dậy” (theo tuyên truyền có chủ ý của Trung Quốc).
Hãng tin Reuters Anh cho rằng, sau khi dự luật bảo đảm an ninh mới được thông qua ở Hạ viện, ông Shinzo Abe trả lời phỏng vấn cho biết, tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng, một lập trường bảo đảm an ninh dũng cảm hơn được Mỹ hoan nghênh, là then chốt để ứng phó với các thách thức như sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, ngày 16 tháng 7, khi đang tham gia “Đối thoại chiến lược Nhật-Mỹ” tại Mỹ, Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Kawano Katsutoshi cho biết, Nhật Bản thông qua dự luật bảo đảm an ninh “hoàn toàn không phải là muốn giải phóng Nhật Bản về quân sự, mà là để tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ”.
Ông cho hay, không đồng ý với quan điểm của Trung Quốc cho rằng, đây là Nhật Bản mở rộng phạm vi hoạt động quân sự. Ông Kawano Katsutoshi còn cho biết, Nhật Bản sẽ cân nhắc tham gia tuần tra và trinh sát định kỳ ở Biển Đông với Quân đội Mỹ, cũng có khả năng đóng góp năng lực săn ngầm của Nhật Bản.
Cụm tàu chiến Nhật-Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ở Guam, tập kết liên tiếp bắn tên lửa răn đe Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Đài truyền hình Canada ngày 17 tháng 7 phân tích cho rằng, dự luật bảo đảm an ninh mới giúp cho Lực lượng Phòng vệ có thể cử máy bay trinh sát tuần tra Biển Đông để giám sát hoạt động của Trung Quốc.
Tờ “Nhật báo Phố Wall” cho rằng, căn cứ vào dự luật bảo đảm an ninh mới, một khi Trung-Mỹ nổ ra xung đột ở châu Á, Nhật Bản càng có tính chính đáng để cung cấp viện trợ, trong khi đó, nếu Nhật Bản nhận định lãnh thổ của họ bị đe dọa, có thể trực tiếp tham chiến.
Trang mạng Infoseek Nhật Bản cho rằng, Lực lượng Phòng vệ tương lai có thể thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông, dự luật bảo đảm an ninh mới sẽ làm cho “chiến tranh trên Biển Đông giữa Nhật-Trung rất dễ bùng nổ”.
Bài viết cảnh báo, một khi xảy ra tình trạng bất trắc, đối tượng hy sinh chính là binh sĩ Lực lượng Phòng vệ.
Ngày 24 tháng 3 năm 2015, tàu khu trục Atago DDG177 Nhật Bản liên tiếp bắn tên lửa phòng không (nguồn mang sina Trung Quốc) |
Ông Shinzo Abe gia tăng thúc đẩy sửa đổi chính sách phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đúng vào thời điểm quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng vì vấn đề đảo Senkaku.
Yellen – chuyên gia sử học Nhật Bản, Đại học Harvard nói với báo Đức rằng, sự lo ngại của chính quyền Shinzo Abe là, Washington có lẽ sẽ từ bỏ cam kết hỗ trợ phòng thủ đảo Senkaku, làm cho Nhật Bản bị Trung Quốc khống chế.
Tiếp theo, lý do muốn dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể của ông Shinzo Abe là sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là trong tranh chấp Biển Đông với Việt Nam và Philippines (thực ra là Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược, rồi nhảy vào tranh chấp – PV).
Yellen cho rằng, ông Shinzo Abe muốn mở rộng phạm vi hành động của quyền tự vệ tập thể, tăng cường hợp tác an ninh với các nước như Hàn Quốc, Australia, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ.
Hạm đội Mỹ-Nhật phô diễn vũ lực ở Guam răn đe Trung Quốc (nguồn mạng sina) |
Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng: “Lý do và tiêu chuẩn can thiệp xung đột quân sự” do Nhật Bản tự quyết định, đây là điều rất nguy hiểm”.
Lấy tranh chấp đảo Senkaku làm ví dụ, Trương Quân Xã cho rằng, dựa theo logic của chính quyền Shinzo Abe, trong thời gian Trung Quốc tiến hành “tuần tra và thực thi pháp luật bình thường” ở vùng biển đảo Senkaku, trong tình huống nhất định, Nhật Bản không loại trừ lấy “bị đe dọa” làm lý do để sử dụng vũ lực.