Monday, January 6, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNga xoay trục năng lượng song toàn

Nga xoay trục năng lượng song toàn

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, kéo phương Tây và Nga về 2 phía đối địch, truyền thông Moskva đã thường xuyên nhắc đến một thuật ngữ mới là “trục năng lượng”. Theo đó, Nga sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang phía Đông, với đích đến là những nền kinh tế châu Á, đặc biệt là một đất nước mà suốt một thời gian dài điện Kremlin luôn e dè: Trung Quốc.

Câu chuyện này đương nhiên là sẽ phải xảy ra trong bối cảnh chính sách ngoại giao, chính trị, quân sự của Nga đang hướng dần về phía Đông, thay vì mải “ngoảnh” về một phương Tây luôn chờ dịp “giăng lưới”. Năng lượng – “con át chủ bài” của Moskva trong cuộc đối đầu với phương Tây nhiều năm qua dường như càng ngày càng ít phát huy tác dụng. Liên minh châu Âu (EU) – sau nhiều “ấm ức”, đã quyết tâm đa dạng hóa nguồn cung và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga bằng cách đầu tư vào các điểm kết nối khí đốt mới, xây dựng những kho ngầm chứa khí đốt tốt hơn, xây dựng những trạm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới… Đồng thời, EU còn khởi kiện chống độc quyền đối với “gã khổng lồ” khí đốt Gazprom, làm khó để dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) của Nga phải bỏ dở giữa chừng, hỗ trợ Ukraina thông qua các “dòng chảy ngược” khí đốt và áp đặt lệnh trừng phạt hà khắc với Moskva.

Bị châu Âu – khách hàng lớn và truyền thống “tung” nhiều cú đòn đau như vậy, nên việc nước Nga buộc phải tìm kiếm khách hàng ở các nơi khác là chuyện không đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, một số dự án năng lượng lớn hiện đang được thảo luận giữa Nga và Trung Quốc vẫn không đủ lớn để có thể thay thế cho thị trường năng lượng châu Âu của Nga. Vì một số lý do, châu Âu vẫn là đích xuất khẩu năng lượng lớn nhất của Nga, đặc biệt là xuất khẩu khí đốt, còn thị trường Trung Quốc là sự bổ sung tốt nhất.

Hiện dự án lớn nhất của chuỗi hợp tác năng lượng giữa Nga và Trung Quốc là Dự án đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” (Power of Siberia), dự kiến cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ m3 khí đốt của Nga mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả khi công suất của đường ống này được nâng lên 61 tỉ m3/năm thì vẫn chẳng “thấm” vào đâu so với 146 tỉ m3 khí đốt mà Gazprom đã xuất khẩu sang châu Âu năm 2014. Hơn nữa, các mỏ khí được quy hoạch để “nuôi” đường ống “Sức mạnh Siberia” lại không nằm ở phía tây mà nằm ở phía đông Siberia, cách các mỏ được quy hoạch để “nuôi” đường ống dẫn khí sang châu Âu tới hàng ngàn cây số. Nói cách khác, khả năng thương mại hóa cho xuất khẩu vào thị trường châu Âu của mỏ khí phía đông là rất thấp, bởi khoảng cách địa lý quá xa. Mặt khác, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng mua khí đốt với giá như một số quốc gia châu Âu đang trả cho Gazprom.

Ngược lại với “Sức mạnh Siberia”, đường ống Altai cũng được quy hoạch để dẫn khí sang Trung Quốc lại được “nuôi” bằng các mỏ khí ở Tây Siberia – vốn đang làm nhiệm vụ cung cấp khí đốt cho châu Âu. Dự án này được lên kế hoạch từ một thập niên trước nhưng vẫn bị “treo” cho đến khi được hồi sinh ngạc nhiên vào năm ngoái.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cả Nga và Trung Quốc đều có vẻ muốn thực sự bắt đầu thực hiện dự án.

Trước hết, đường ống Altai sẽ dẫn khí từ Nga đến phía tây bắc Trung Quốc – vốn phần lớn là đất hoang mạc, trong khi phía đông nam Trung Quốc với công nghiệp phát triển mới là nơi thực sự cần khí đốt. Do đó, Trung Quốc buộc phải xây dựng thêm các đường ống dẫn khí từ tây sang đông.

Thứ hai, khí đốt của Nga ở miền Đông Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với nguồn cung cấp từ Turkmenistan. Khi đó, Bắc Kinh “không dại gì” mà không dùng “lựa chọn Turkmenistan” để “ép” Moskva phải bán khí đốt cho mình thấp hơn giá bán cho châu Âu.

Tất nhiên, không thể không nói đến hợp tác Nga – Trung trong lĩnh vực dầu mỏ. Truyền thông Nga gần đây cho biết, Nga đã “chiếm chỗ” Arập Xêút trở thành nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi mà dầu mỏ là một hàng hóa được giao dịch toàn cầu thì vấn đề này cũng không hẳn là một điều gì đó có thể tạo ra một sự đột biến.

Một yếu tố khác của mối quan hệ năng lượng Nga – Trung là hợp tác trong lĩnh vực LNG và thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng ở Bắc Cực. Nhưng trước khi Trung Quốc có thể là người thụ hưởng LNG xuất khẩu của Nga, cũng như tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Cực, thì Nga vẫn cần công nghệ và đầu tư của phương Tây, cho dù các đối tác như Shell, ExxonMobil…  của họ vẫn đang bị lệnh cấm vận của Mỹ và EU làm khó .

Và ngay cả khi Nga có đủ tài chính và các công nghệ cần thiết để khai thác năng lượng ở Bắc Cực thì các sản phẩm dầu mỏ và LNG sản xuất từ Bắc Cực cũng không thể củng cố mối quan hệ năng lượng Nga – Trung. Bởi lẽ, cả hai hàng hóa này đều có thể được giao dịch trên thị trường toàn cầu và Trung Quốc hoàn toàn có thể chọn lựa các nguồn cung cấp thay thế khác rẻ hơn, dù là “chút đỉnh”  so với năng lượng khá đắt tiền chiết xuất ở Bắc Cực.

Tóm lại, việc Nga “xoay trục năng lượng” sang Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc có thể thay thế được thị trường châu Âu, bởi giữa thực tế và kỳ vọng vẫn là một khoảng cách. Nguồn thu ổn định từ việc bán năng lượng cho châu Âu vẫn là một phần quan trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước của Nga, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu xuống thấp như hiện nay. Nga sẽ vẫn tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng và lấy lại vị trí thống trị trên thị trường năng lượng ở châu Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới