Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển nóngCampuchia tham vọng điều gì ở Biển Đông?

Campuchia tham vọng điều gì ở Biển Đông?

Những điều này càng gợi thêm nghi ngờ về sự thông đồng giữa Campuchia và Trung Quốc bất kể mức độ điều này đúng đến đâu, The Diplomat lưu ý.

Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong.

The Diplomat ngày 28/7 bình luận, tuần trước Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong tuyên bố rằng, nước này sẽ nỗ lực trở thành một trung gian hòa giải Biển Đông mà Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp với một số nước láng giềng thành viên ASEAN.

“Campuchia muốn giúp xoa dịu bầu không khí giữa ASEAN và Trung Quốc bởi vì chúng tôi tin rằng sự hiểu biết lẫn nhau sẽ không thể có được nếu thiếu đối thoại”, đài VOA Hoa Kỳ dẫn lời ông Hor Namhong cho biết. Với những ai thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến trên Biển Đông, phát biểu của Ngoại trưởng Campuchia không có gì hơn một động thái gây tò mò.

Phnom Penh không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông, trong khi trung gian hòa giải đòi hỏi đối tượng phải là những nước có khả năng, tiếng nói chí ít là như Indonesia, cách đặt vấn đề của Campuchia khiến người ta hoài nghi. Campuchia không có lợi thế nào để có thể so sánh khi đề xuất ý tưởng làm trung gian hòa giải ở Biển Đông.

Hơn nữa sự thất bại trong các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy COC không phải là vì hai bên “thiếu đối thoại” như ông Hor Namhong nói. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ Trung Quốc luôn tìm mọi cách trì hoãn, né tránh COC trong khi lại tìm mọi thủ đoạn để phá rối, chia rẽ sự đoàn kết nội bộ ASEAN mà những người theo dõi vấn đề Biển Đông hầu như đều có thể nhận ra.

The Diplomat nhấn mạnh, ông Hor Namhong nên biết điều này thì sẽ tốt hơn. Chính ông khi chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 đã từng gạt nội dung khủng hoảng Scarborough và căng thẳng Biển Đông khỏi nội dung nghị sự dẫn đến không thể ra một tuyên bố chung của ASEAN.

Những người có mặt đã lên án Phnom Penh đồng lõa với Bắc Kinh khi Campuchia đưa ra bản dự thảo tuyên bố chung tránh không động gì đến Trung Quốc. Thậm chí có quan điểm cho rằng đó là một “thảm họa ngoại giao”.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong.

Hun Sen đã đưa ra những phát biểu mà The Diplomat xem là “lừa dối” trong vấn đề Biển Đông khi nói rằng, nó chỉ là câu chuyện giữa một số nước ASEAN có yêu sách với Trung Quốc, không phải vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ ASEAN. Ý kiến này của Hun Sen khá hữu ích đối với âm mưu, thủ đoạn chia rẽ mà Trung Quốc nhằm vào ASEAN.

Những điều này càng gợi thêm nghi ngờ về sự thông đồng giữa Campuchia và Trung Quốc bất kể mức độ điều này đúng đến đâu, The Diplomat lưu ý. Với tất cả điều này, khó có thể tưởng tượng Campuchia có thể đóng vai trò “trung gian hòa giải” ở Biển Đông.

Tuy nhiên nếu nước này thực sự muốn chứng minh rằng họ hữu ích, Campuchia có thể bắt đầu với một vài bước khiêm tốn. Theo The Diplomat, đầu tiên Campuchia có thể công khai thừa nhận thực tế rằng Biển Đông ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Đông Nam Á như một tập thể và do đó, nó đòi hỏi một phản ứng đồng thuận trong khu vực ở mức độ nhất định.

Thứ hai, Campuchia có thể hành động theo cách nào đó để chứng minh với các thành viên khác của ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung rằng, quan hệ Campuchia –  Trung Quốc không đi ngược lại với sự đoàn kết trong ASEAN. Ví dụ các quan chức Campuchia nên công khai kêu gọi kết thúc đàm phán COC và sử dụng các cuộc họp cấp cao với Trung Quốc để hối thúc Bắc Kinh làm điều này.

Sự gián đoạn đối với hòa bình khu vực và nguy cơ bất ổn sẽ ngăn chặn tất cả các nước Đông Nam Á bao gồm Campuchia tiến tới cùng chia sẻ sự thịnh vượng kinh tế do hoạt động hợp tác với các quốc gia khác nhau mang lại, bao gồm cả Trung Quốc.

Những bước đơn giản này mới là cái Campuchia nên làm chứ không phải ý tưởng quá tham vọng trở thành trung gian hòa giải ở Biển Đông. Chỉ có điều đó mới có thể đẩy nhanh việc khôi phục uy tín của Phnom Penh và thể hiện cam kết tiến bộ của Campuchia về vấn đề Biển Đông chứ không phải là cản trở tiến trình đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới