Friday, January 17, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ quyết xoay trục mạnh hơn

Mỹ quyết xoay trục mạnh hơn

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sắp có chuyến công du quan trọng tới 3 quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh cường quốc hàng đầu thế giới này đang đẩy nhanh hơn chính sách xoay trục hướng về châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến công du quan trọng tới 3 nước Đông Nam Á là Singapore – Malaysia và Việt Nam

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry sẽ có chuyến công du kéo dài một tuần đến 5 nước ở Trung Đông và Đông Nam Á. Sau 3 ngày thăm Ai Cập và Qatar, Ngoại trưởng Kerry sẽ thăm Singapore, Malaysia và Việt Nam từ 4 đến 8-8 tới. Bên cạnh các cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp các quốc gia tới thăm, ông Kerry cũng tham dự nhiều gặp gỡ đa phương trong chuyến thăm.

Thông tin về chương trình nghị sự chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Kerry, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngoài các chuyến thăm song phương, ông Kerry sẽ tham dự các hội nghị thường niên của ASEAN bàn về các vấn đề hợp tác kinh tế-xã hội cũng như hòa bình và an ninh khu vực. Đó là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) cùng các cuộc gặp đa phương khác như các hội nghị cấp bộ trưởng Sáng kiến Hạ Mekong, Mỹ-ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á.

Chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Kerry diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang đẩy nhanh chính sách xoay trục hướng về châu Á, theo đó đặt châu Á – Thái Bình Dương vào vị trí trọng tâm trong chính sách đối ngoại, ưu tiên tăng cường hợp tác nhiều mặt với các quốc gia khu vực. Khi ông Kerry đặt chân tới Đông Nam Á trong tuần tới, Mỹ đang có những bước đi quyết định trong việc thắt chặt hợp tác với các nước trong khu vực.

Một trong số đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền Tổng thống Barack Obama hy vọng sẽ hoàn tất việc ký kết với 11 quốc gia trước cuối năm 2015 này. Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005, đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 

Hiện vướng mắc lớn nhất trên con đường đàm phán TPP là bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản về tiếp cận thị trường nông sản và ô tô của nhau. Vướng mắc này đang có hy vọng được giải quyết tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii, Mỹ. Theo ước tính, khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Bình luận về TPP không có sự tham gia của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nhấn mạnh đây là một phần quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á.

Bên cạnh TPP, hòa bình và an ninh khu vực, đặc biệt là căng thẳng thời gian qua trên Biển Đông do Trung Quốc ráo riết cải tạo, xây dựng các bãi ngầm, đảo đá thành đảo nổi nhằm thay đổi hiện trạng, cũng là một chủ để nổi bật trong các cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Kerry tại Đông Nam Á tuần tới. Mỹ không chỉ khẳng định có lợi ích đối với hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, mà còn cử tàu chiến và máy bay do thám tiến hành các hoạt động tuần tra tại vùng biển chiến lược này.

RELATED ARTICLES

Tin mới