Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc đối mặt với sức ép tại Hội nghị Ngoại trưởng...

Trung Quốc đối mặt với sức ép tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

Trung Quốc sẽ đối diện với sức ép từ các quốc gia trong khu vực khi đại diện của nước này tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia trong tuần này.

Thời gian qua, hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc tại Biển Đông cùng với quá trình quân sự họa những khu vực này đã làm nhiều nước quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh và nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang và xung đột.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vấn đề về hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc sẽ là “trọng tâm” thảo luận trong 3 ngày diễn ra hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 48 tại Malaysia từ thứ Ba này.

“ASEAN, cũng giống như chúng tôi, cảm thấy quan ngại về quy mô, tốc độ và quá trình tiến hành các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc”, quan chức nêu trên của Mỹ cho biết.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Mỹ John Kerry sẽ tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cùng với ngoại trưởng các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.

Hiện các quốc gia thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo quan chức ngoại giao Mỹ, hội nghị lần tới là cơ hội đối thoại giữa ASEAN và các bên để “bày tỏ quan ngại trực tiếp” tới Trung Quốc. Ông cho rằng ASEAN đang mất dần kiên nhẫn, còn Bắc Kinh luôn tìm cách chối bỏ những trách nhiệm và bao biện rằng các hoạt động cải tạo đảo được tiến hành ở khu vực mà nước này có chủ quyền.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết đã có những “tiến bộ quan trọng” trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về “Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC).

Tuy nhiên, thông tin được Ngoại trưởng Aman đưa ra lại trái ngược với phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario về việc Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản quá trình đàm phán COC. Phát biểu trước một tòa án ở La Hague hồi tháng trước, ông khẳng định: “Những trở ngại mà phía Trung Quốc tạo ra trong suốt 13 năm qua đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử này”.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng trì hoãn quá trình đàm phán cho tới khi nào nước này hoàn tất quá trình cảo tạo đảo tại Biển Đông. Ông Donald Emmerson, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Stanford, cho rằng: “Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không ký vào thỏa thuận đó hoặc nếu ký, họ sẽ không thực hiện đầy đủ những quy định được nêu trong quy tắc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới