Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến thuật "Lấy thịt đè người trên biển" của Trung Quốc

Chiến thuật “Lấy thịt đè người trên biển” của Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đã tính toán họ hiện diện ở đâu thì tuyên bố chủ quyền phi pháp ở đó, chưa kể những lợi ích về kinh tế.

Ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ mối lo ngại với Đất Việt trước thông tin Bắc Kinh đang đóng một đội tàu riêng cho lực lượng “dân quân biển” ở Biển Đông.

Một vấn đề đáng lưu tâm

Theo ông Trường, từ trước đó các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập thông tin này. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông qua một chính sách yêu cầu các xưởng đóng tàu phải đảm bảo rằng tàu cá dân dụng sau khi hạ thủy vẫn có khả năng được trưng dụng làm tàu chiến trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

“Họ thực sự muốn làm lớn vấn đề trên biển. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm”, ông Trường nói.

Theo vị Phó chủ nhiệm UBQP an ninh của Quốc hội thì cứ cho rằng Trung Quốc chỉ thuần túy đưa lượng lớn tàu đánh cá (khoảng 9.000 tàu) ra các khu vực ở Biển Đông, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác có tính chất tận diệt, khai thác quá mức thì các nước cũng đã phải lên án.

Trước hết về mặt bảo vệ nguồn thủy hải sản bền vững không chỉ là cho các nước trong khu vực mà cả đại dương nói chung. Đây là tài sản chung của nhân loại nên cần phải lên tiếng để ngăn chặn hành động của Trung Quốc.

“Chính quyền nước này cũng tính toán họ hiện diện ở đâu thì tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ ở đó và cũng thể hiện lợi ích về kinh tế. Bây giờ thêm lực lượng tàu dân quân biển nữa thì thực sự đáng lo ngại”, ông Trường phân tích.

Theo ông Trường, ở góc độ an toàn an ninh hàng hải – hoạt động tự phải tuân theo pháp luật của quốc tế nhưng cũng có nguy cơ bị đe dọa.

“Họ dự định đưa ra tới 9.000 tàu như các phương tiện thông tin đại chúng đã thông báo thì quả thực đáng lo ngại. Bởi vì với các tàu họ giăng lưới lại có yêu cầu các tàu thuyền vận tải của nước ngoài đi vào đó phải tránh thì rõ ràng là ảnh hưởng.

Đó là còn chưa kể đến những hành động đe dọa về mặt quân sự khác đối với tàu thuyền các nước. Chính vì vậy có thể thấy đây là một nguy cơ trực tiếp đối với vấn đề an ninh hàng hải”, ông Lê Việt Trường lo ngại.

Việt Nam cần lên tiếng

Ông Trường phân tích thêm, trên thực tế thời gian qua Trung Quốc đã thể hiện nhiều động thái trên biển khiến dư luận quốc tế và trong nước hết sức bất bình.

Từ việc đặt hạ giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tới cải tạo đảo nhân tạo trái phép và ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông… đã thể hiện âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

“Trung Quốc là một trong những quốc gia trong cộng đồng quốc tế nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho hoạt động hàng hải diễn ra bình thường”, ông Trường lên tiếng.

Ngoài ra ông cũng cho rằng các nước và Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ.

“Biển là tài sản chung, các nguồn thủy hải sản cũng là tài sản chung nên việc khai thác và đánh bắt phải tuân theo quy định chứ không phải mình có năng lực lớn thì muốn khai thác đến đâu thì làm theo ý mình và lấn lướt các nước khác là không được”, ông Trường nói.

Về phía Việt Nam, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, chúng ta phải thực hiện quan điểm nhất quán từ trước đến nay là tuân thủ các cam kết, luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi yêu cầu các nước có liên quan cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển 1982 và “Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông” (DOC).

“Bên cạnh tăng cường đấu tranh ngoại giao, Việt Nam cần phải đấu tranh bằng con đường pháp lý. Tức là phải có các bước chuẩn bị về mặt hồ sơ pháp lý nếu thấy sự vi phạm đụng chạm pháp luật đụng tới chủ quyền, quyền chủ quyền thì phải lên tiếng.

Bài học từ Philippines cũng nên tham khảo. Ngoài ra phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để làm rõ bản chất của Trung Quốc bởi thực tế có nhiều nước chưa nhìn ra vấn đề này”, ông Trường nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới