Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ với ASEAN, TQ và bài học “Không nên đặt trứng...

Quan hệ với ASEAN, TQ và bài học “Không nên đặt trứng vào một rổ”

Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Trong đối ngoại, cần phải tích cực mở rộng tất cả các mối quan hệ với các nước khác trong và ngoài khu vực chứ không nên ‘đặt trứng vào một rổ’”.

 

Hình ảnh 10 vị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại một diễn đàn khu vực (nguồn: IT).

Sáng 4/8, lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM) lần thứ 48 đã được diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia với sự tham gia của ngoại trưởng 10 nước trong khu vực đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi nó diễn ra trong bối cảnh khu vực tình hình an ninh khu vực đang chịu tác động rất lớn từ những bước đi leo thang của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, kèm theo những động thái hết sức hung hăng nhằm thỏa mãn yêu sách chủ quyền phi lý của họ.

Liệu rằng, những vấn đề này có được các vị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa lên bàn nghị sự trong hội nghị lần này hay không? Sự có mặt của cả phái đoàn Mỹ và Trung Quốc với tư cách khách mời có tạo nên một “cục diện” khả quan hơn trong việc đàm luận về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông? Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an đã có một số phân tích, nhận định về s kiện này.

   Quan hệ với ASEAN, TQ và bài học “Không nên đặt trứng vào một rổ” - Ảnh 1

Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an (Ảnh: Đình Tuệ).

Nếu không đoàn kết thực chất thì không có cộng đồng ASEAN thực chất!

Đúng như dự đoán, ngay trước thềm khai mạc Hội nghị lần này, đại diện đoàn Trung Quốc – thứ trưởng ngoại giao Lưu Chấn Dân đã “rào trước” rằng không nên đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông lên bàn nghị sự của AMM 48. Trong khi đó, Mỹ một mực muốn đưa vấn đề này ra bàn thảo công khai để các nước có cùng tuyên bố chủ quyền được lên tiếng và phản đối những bước đi căng thẳng của Trung Quốc tại vùng biển này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, đây không phải là điều quá bất ngờ. Bởi tại các hội nghị thường niên trước đó, Trung Quốc bao giờ cũng nói như vậy. Họ đã sai khi vi phạm luật pháp quốc tế thì đương nhiên, không bao giờ lại muốn nước khác đưa ra phản ứng chống đối Trung Quốc một cách công khai tại một hội nghị với sự có mặt của nhiều quốc gia như vậy.

Theo tướng Cương, vấn đề Biển Đông và việc Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp chắc chắn sẽ được nhắc tới trong thời gian diễn ra AMM 48 nhưng chỉ ở mức độ không quá gay gắt. Có chăng chỉ là một dạng tuyên bố của ban thư ký mà thôi, chứ không có trong bản Tuyên bố chung của hội nghị.

Có một điều ai cũng nhận thấy, mức độ nghiêm trọng và ngang ngược của Trung Quốc trong việc mở rộng, cải tạo phi pháp các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo là quá rõ ràng, nhưng để đấu tranh lên án những hành vi đó thông qua cơ chế của hội nghị ASEAN lần này không phải đơn giản.

Trong khu vực, ngoài Việt Nam có cùng tuyên bố chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc thì còn có Đài Loan, Phillipines, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, ta cũng cần phải phân tích tình hình trên nhiều góc cạnh khác nhau. Đặc biệt, là mối quan hệ ràng buộc về mặt kinh tế với Trung Quốc.

Tướng Lê Văn Cương phân tích, chỉ trong hơn 10 năm qua, gần 60% các ngành kinh tế huyết mạch của Malaysia là do Trung Quốc chi phối hoặc có ảnh hưởng. Năm 2015 này, Malaysia lại là nước giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN, việc ra hẳn một tuyên bố chung phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông tại hội nghị này khó có thể thành hiện thực.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng không thể không dựa vào Mỹ cả về mặt chính trị, kinh tế thương mại được.

“Vậy vấn đề nằm ở chính các nước ASEAN với nhau thôi. Nếu cả hiệp hội quyết gạt đi những lợi ích của riêng mình vì lợi ích chung của cả khu vực thì đương nhiên, tiến trình để thành lập Cộng đồng ASEAN thực chất vào cuối năm nay sẽ đi về đích đúng hẹn. Còn không, đó sẽ chỉ là cải vỏ ngoài nếu các quốc gia Đông Nam Á tự đánh mất lòng tin và sự đoàn kết. Điều này sẽ là rất nguy hiểm”, tướng Cương nhận định.

Theo ông Lê Văn Cương, Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột chính gồm: Kinh tế; Chính trị – An ninh; Văn hóa – Xã hội. Trong đó, trụ cột kinh tế là cốt yếu. Nó sẽ đem lại những lợi ích to lớn như dỡ bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước trong khu vực, tự do giao thương và tăng cường hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại nội khối. Theo như dự đoán của một nhà lãnh đạo Malaysia, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050.

Thực tế cho thấy, để đạt được những bước đi tiếp theo quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy trụ cột về Chính trị – An ninh và Văn hóa – Xã hội sẽ còn nhiều vấn đề đáng bàn.

“Dường như khu vực đang thiếu đi một trung tâm đầu tàu, bao quanh là các nước xung quanh có cùng lợi ích theo kiểu của Liên minh Châu Âu (EU). Văn hóa và Xã hội thì mỗi nước lại có những bản sắc riêng nên việc hòa nhập cũng gặp không ít thách thức cần phải bàn thêm”, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược bộ Công an cho biết.

“Không nên đặt trứng vào 1 rổ”

Trước câu hỏi, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay thì Việt Nam nên chọn cho mình cách tiếp cận và hướng đi như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu quan điểm: “Chúng ta nên nhớ bài học về không nên chỉ để trứng vào một rổ. Ý là, bên cạnh ASEAN thì Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới để tăng cường tiềm lực quốc gia nhằm đối phó với những thách thức tiềm tàng. Bảo vệ lợi ích quốc gia chính đáng”.

Vừa qua, một số quan chức quân đội Mỹ, trong đó có Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hary Haris đã tuyên bố cho rằng, Mỹ có quyền và sẽ quyết tâm thực hiện việc đưa tàu chiến, máy bay do thám tới khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Tuy nhiên, ý kiến này dường như đã có phần “lệch pha” so với chính sách của một số quan chức Nhà Trắng, khi họ cho rằng không nên có cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì “đang trong giai đoạn nhạy cảm”. Đó là trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Mỹ vào tháng 9 tới đây.

Tướng Cương nhận định: “Chừng nào chính quyền Nhà Trắng vẫn còn theo tư tưởng của Henry Kissinger thì lúc đó, Trung Quốc sẽ vẫn còn có cớ để tự tung tự tác được trên Biển Đông”.

“Những động thái như điều máy bay, tàu chiến tới khu vực đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông đang gây chú ý của dư luận quốc tế. Trong khi mới đây, cuối tháng 7 Trung Quốc đã tiếp tục leo thang căng thẳng khi rầm rộ tổ chức cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật quy mô lớn với hàng trăm tàu chiến, hàng chục máy bay quân sự nhằm “diễu võ dương oai” với các nước trong khu vực” – tướng Lê Văn Cương khẳng định.

Gần đây nhất, truyền thông Trung Quốc hôm 2/8 đưa tin thông báo rằng sẽ điều tới 15.000 tàu cá ra Biển Đông sau khi hết cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên để bảo vệ môi trường vì đang là mùa cá sinh sản” đã hết hiệu lực từ ngày 1/8. Mới nghe có vẻ rất hợp lý, xuôi tai nhưng thực chất, Trung Quốc đã tự giẫm lên luật pháp quốc tế. Họ làm gì có quyền tự áp đặt quy định của nước mình bắt ngư dân các nước khác (trong đó có Việt Nam) phải chấp hành lệnh cấm phi lý này.

Thậm chí, có nguồn tin cho hay họ còn trang bị cho các tàu cá vỏ sắt có vũ trang để thành lập những “biệt đội dân quân biển” trên Biển Đông.

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động trái với luật pháp quốc tế trong tham vọng “nuốt trọn Biển Đông” của mình.

“Chắc chắn, ngoài ASEAN thì Mỹ và Nhật Bản sẽ là hai quốc gia mà Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh công tác đối ngoại nhằm tăng cường tiềm lực quốc gia cho mình trước tình hình mới”, tướng Cương nhấn mạnh.

Về diễn biến và kết quả của hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM 48) và tiếp sau là Diễn đàn An ninh (ARF) giữa ngoại trưởng 10 nước ASEAN với người đồng cấp các nước đối tác gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), tướng Cương cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ được bàn thảo và làm nóng bàn nghị sự.

“Tôi cũng hy vọng, với sự đóng góp tích cực của các thành viên tham dự Hội nghị và Diễn đàn lần này, tiến trình về việc thỏa thuận về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sẽ sớm được định hình sau nhiều năm bị trì trệ do phía Trung Quốc đơn phương gây căng thẳng”, thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới