Nguy cơ giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng trong một vài tháng tới đã được một số chuyên gia phân tích đặt ra.
Kinh tế Nga đối mặt với nhiều rủi ro khi giá dầu tiếp tục giảm mạnh
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC và được VnEconomy dẫn lại, ông Edward Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu của ngân hàng Citigroup cho rằng: “Chẳng có lý do gì để giá dầu không giảm về 30 USD/thùng. Đó sẽ là mức giá khiến sản lượng giảm và tác động mạnh đến tình trạng dư thừa nguồn cung” và “Tôi không cho là giá dầu sẽ giữ lâu ở mức 30 USD/thùng, nhưng giá sẽ ở khoảng này trong quý 1 năm nay hoặc quý 1 năm tới”.
Trong khi đó, ông John Kilduff thuộc quỹ Again Capital cũng dự báo giá dầu sẽ xuống mức 30 USD/thùng vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay khi nhu cầu của các nhà máy lọc dầu của Mỹ xuống thấp.
Cũng với cái nhìn bi quan về triển vọng giá dầu, ông Peter Amandio thuộc công ty Chicago Energies nhận định, một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, thì đó cũng sẽ là một cú sốc đối với giá dầu bởi khi đó đồng USD sẽ tăng giá mạnh.
“Mức 40 USD/thùng là một ngưỡng rất quan trọng, và nếu giá dầu giảm dưới mức này, giá sẽ tiếp tục rớt về 30 USD/thùng”, ông Amandio nói.
Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến giá của nhiều hàng hóa cơ bản, trong đó có dầu thô, trượt giảm mạnh thời gian gần đây. Ngoài ra, tình trạng dư thừa nguồn cung và các nước sản xuất dầu lớn tiếp tục duy trì sản lượng ở ngưỡng kỷ lục cũng khiến sức ép giảm đối với giá dầu càng thêm lớn.
Khả năng Iran tăng sản lượng dầu sau khi được nới lệnh trừng phạt và việc Iraq và Saudi Arabia có thể nâng mức sản lượng khai thác “vàng đen” trong thời gian tới làm giới đầu tư bi quan hơn. Chưa kể, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không hề phát tín hiệu nào cho thấy sẽ sớm thay đổi chính sách về hạn ngạch.
Nếu kịch bản giá dầu rơi xuống mức 30 USD/thùng, đây sẽ là thảm hoạ đối với nền kinh tế Nga, đất nước có khoảng 50% nguồn thu ngân sách đến từ việc xuất khẩu dầu thô và khí đốt.
Trước đó, khi nguy cơ giá dầu rớt xuống 40 USD/thùng được đặt ra, các nhà phân tích đã cảnh báo nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đồng Rúp giảm mạnh theo giá dầu thô.
Theo tính toán, với mức sụt giảm trên, nguồn vốn của nước Nga bị thâm hụt gần 600 tỷ rúp và tỷ lệ nợ xấu tăng gấp 2 lần.
Tác động của giá dầu xuống 40 USD/thùng sẽ đặc biệt nghiêm trọng, làm suy yếu đồng rúp xuống còn 65 đồng đổi một USD vào cuối năm 2015, khiến kinh tế Nga bị suy giảm tới 5% trong năm nay và 1% vào năm 2016.
Ngay cả giá dầu giao dịch ở mức 50 USD/thùng, các nhà kinh tế cũng nhận định rằng, nền kinh tế Nga sẽ có xác suất tới 85% bị suy thoái trong 12 tháng tiếp theo.
Trao đổi với Đất Việt về kịch bản đối với kinh tế Nga khi giá dầu rơi xuống 40 USD/thùng, TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thuỵ Điển nhận định, Nga sẽ bị đẩy vào chân tường, thậm chí không loại trừ kịch bản nền kinh tế Nga có nguy cơ sụp đổ và chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin có thể bị đe doạ.
Theo ông Trường, Nga đã nhiều lần tuyên bố, giá dầu giảm và đòn trừng phạt của phương Tây là cơ hội để thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ nói riêng và tài nguyên nói chung, thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và tinh chế, dựa trên nền tảng là hoạt động khoa học, kỹ thuật và những phát minh thiết kế-chế tạo của nước nhà.
Thế nhưng, trên thực tế, theo TS Nguyễn Ngọc Trường, Nga muốn thoát phụ thuộc cũng không dễ.
“Cho đến nay, những chuyển đổi về kinh tế của Nga không đáng kể, Nga mới chỉ tự túc được thực phẩm. Dân số Nga lại đang suy giảm nghiêm trọng, với chính sách nhập cư thắt chặt hơn có tới 1/3 lao động người Trung Á tại Nga có thể phải trở về nước.
Giá dầu giảm cùng với các biện pháp trừng phạt khiến Nga chỉ còn trông chờ vào xuất khẩu vũ khí, nhà máy điện hạt nhân. Nga xoay trục sang phía Đông nhưng thực chất là xoay sang Trung Quốc và tình thế hiện nay sẽ đẩy Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Moscow lại đang phải cáng đáng cho cuộc xung đột cho miền Đông Ukraine, nuôi Crimea…, có thể nói tứ bề khó khăn bủa vây Nga. Chưa kể, tình trạng tham quyền cố vị khiến nước Nga không có cách tiếp cận mới.
Trong trường hợp lãnh đạo Nga đưa ra được cách tiếp cận mới thì tầng lớp đặc quyền đặc lợi cũng khó đồng ý vì đụng chạm đến lợi ích của họ”, ông chỉ rõ.