Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về ngừng xây đảo ở Biển Đông được đón nhận với nhiều hoài nghi.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và hàng loạt các hội nghị liên quan diễn ra tuần qua tại Kuala Lumpur, Malaysia, đã ghi nhận nhiều ý kiến quan ngại về nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh khu vực xuất phát từ các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế
Theo Reuters, trong một tuyên bố được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước tới nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cáo buộc Trung Quốcđang hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 5 tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 6/8 – nơi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tham dự – Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng các hoạt động xây dựng các cơ sở dùng vào “mục đích quân sự” mà Trung Quốc đang tiến hành trên các hòn đảo được nước này cải tạo đã làm tình hình thêm căng thẳng và kéo theo nguy cơ “quân sự hóa” khu vực.
“Tự do hàng hải và hàng không là một trong những trụ cột quan trọng của luật biển quốc tế… Mặc dù đã có sự đảm bảo rằng, những quyền tự do đó sẽ được tôn trọng, nhưng trong những tháng gần đây chúng ta liên tục chứng kiến các hoạt động cảnh báo, cản trở lưu thông và cả mưu toan hạn chế tự do”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu.
“Tôi muốn nói rõ rằng, Mỹ sẽ không chấp nhận các biện pháp hạn chế tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng bất hợp pháp vùng biển này.”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Cũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 5, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ V.K.Singh đã cảnh báo rằng “trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hóa, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các thông lệ và luật pháp quốc tế”.
“Ấn Độ ủng hộ quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông, quyền tự do hàng không, giao thương không bị cản trở và tiếp cận các nguồn tài nguyên, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”, trang Livemint dẫn lời ông Singh cho biết.
Về phần mình, trong Thông cáo chung kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 48 (AMM 48), các Bộ trưởng đã tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông.
Thông cáo chung nêu rõ: “Chúng tôi ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số Bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các bên trong việc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ các điều khoản của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC): xây dựng, duy trì và tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau; thực hiện kiềm chế đối với các hành động làm phức tạp và gia tăng các tranh chấp; không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực; các bên liên quan giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tuyên bố ngừng cải tạo đảo của Ngoại trưởng Trung Quốc được đón nhận với nhiều nghi ngờ. (Ảnh: AP)
Trung Quốc có thật sự ngừng các hoạt động cải tạo đảo ở Biển Đông?
Trong một cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng, Trung Quốc đã ngừng việc cải tạo đảo ở Biển Đông.
Theo Reuters, khi bị một phóng viên truy vấn rằng, liệu Trung Quốc đã dừng việc cải tạo đảo ở Biển Đông thực sự hay chưa? Ông Vương Nghị khẳng định “Trung Quốc đã dừng lại. Nếu không tin có thể điều máy bay tới kiểm tra”.
Tuy nhiên, tuyên bố trên của Ngoại trưởng Trung Quốc được đánh giá là nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông – nơi có tuyến hàng hải quan trọng của thế giới với khoảng 5.000 tỷ USD giá trị hàng hóa qua lại hàng năm.
Nhiều nước cũng bày tỏ nghi ngờ tuyên bố này của ông Vương Nghị. Người phát ngôn Bộ Ngoai giao Philippines, Charles Jose cho rằng, Trung Quốc tuyên bố ngừng cải tạo chỉ bởi nước này đã hoàn thành việc hình thành các đảo nhân tạo.
“Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn 2 là xây dựng cơ sở vật chất trên các đảo đã cải tạo. Philippines xem những hoạt động này là nhân tố gây bất ổn”, Reuters dẫn lời ông Charles Jose cho biết.
Trong khi đó, hãng tin IANS của Ấn Độ dẫn lời thẩm phán Antonio T. Carpio của Tòa án tối cao của Philippines cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố dừng cải tạo đảo đơn thuần chỉ là dừng lại công việc cải tạo, mở rộng các đảo, đá, bãi cạn mà nước này chiếm đóng trái phép. Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trên các đảo này, bao gồm việc xây đường băng dải hạ cánh, các bong ke và những tòa nhà bê tông cao 3-4 tầng.
Tờ Wall Street Journal cho biết, tuyên bố của ông Vương Nghị cũng được đón nhận với một thái độ hoài nghi của các quan chức Mỹ. Theo báo này, Washington tỏ ý nghi ngờ rằng việc cải tạo đảo đã dừng lại. Các quan chức Mỹ cho biết, ngay cả khi trên thực tế việc xây dựng ngừng lại cũng rất khó để xác định đây là ngừng vĩnh viễn hay tạm thời.
Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, Tiến sĩ Mira Rapp cho rằng, từ nay đến thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Mỹ vào tháng 9 tới, khả năng Trung Quốc sẽ không tiến hành các hoạt động xây cất khẩn trương.
Cũng theo bà Mira Rapp, Trung Quốc có thể sẽ tạm ngưng bất kỳ dự án xây mới nào gây tranh cãi cho tới khi một số cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng ở khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc cuối năm nay. Tuy nhiên, bà dự đoán những tháng tiếp sau đó Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng và các hoạt động bán quân sự hóa các đảo đó.
Theo Reuters, những chỉ trích thẳng thừng của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua đối với hành động cải tạo đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc làm thời gian qua là dấu hiệu cho thấy “hồ sơ Biển Đông” sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự Mỹ – Trung nhân chuyến công du Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia nhận định rằng, Mỹ đã cứng rắn hơn khi nói về vấn đề Trung Quốc. Theo ông Thayer, lời nói của ông Kerry cần phải được tiếp nối bằng những hành động cụ thể./.