Theo phân tích của tướng Lê Văn Cương, nhiều khả năng chiếc ghế tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ là của một đại diện đến từ Đảng Cộng Hòa, cụ thể sẽ là ông Jeb Bush – con/em trai hai vị cựu Tổng thống…
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an. (Ảnh: Đình Tuệ)
Dòng họ nhà Bush sẽ lại thắng?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên viện trưởng Nghiên cứu chiến lược bộ Công an cho rằng, thời điểm này để dự đoán kết quả bầu cử ở Mỹ có thể quá sớm.
Tuy nhiên, xét trên góc độ thực tế tại chính trường Mỹ thời điểm hiện nay và ít nhất là nửa đầu năm sau, một lợi thế lớn về cục diện tranh cử tổng thống sẽ có phần nghiêng về phe Cộng Hòa.
“Xét về yếu tố truyền thống gia đình, dòng họ nhà Bush đang nắm ưu thế hơn đối thủ chính đến từ phe Dân Chủ – ứng viên Hillary Clinton khi cả cha và anh trai của ứng viên Jeb Bush của Đảng Cộng Hòa đều đã từng nắm giữ chức vụ quyền lực nhất nước Mỹ. Nếu ông Jeb thắng cử thì sẽ tạo nên bộ ba thế hệ của nhà Bush thay nhau giữ chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng”, tướng Cương nói.
Cũng theo vị cựu tướng Công an, gần như đại diện của phe Cộng Hòa tại Mỹ có đường lối kinh tế cũng như đối ngoại cứng rắn và mạnh mẽ hơn so với phe Dân Chủ.
Người dân Mỹ rất thực tế, phần lớn chỉ tập trung vào các lợi ích về kinh tế, thương mại và đời sống dân sinh của mình.
Còn về chính sách đối ngoại, thời gian qua đã có không ít chỉ trích của nhiều đại diện Đảng Cộng Hòa tại cả lưỡng viện của Quốc hội Mỹ chỉ trích những bước đi có phần “mềm yếu, không cứng rắn” của chính quyền Tổng thống B.Obama, nhất là đối với vấn đề Trung Quốc ngang ngược trên Biển Đông.
Thậm chí, có những ý kiến của nhiều quan chức quân đội cho rằng cần phải “mạnh tay” hơn với Trung Quốc nhằm áp chế được tham vọng bá quyền của nước này tại khu vực Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ.
Không chỉ có vấn đề Biển Đông, nhiều thách thức về an ninh mạng, khủng bố của các nhóm Hồi giáo ở Trung Đông cũng đã đặt Tổng thống Obama vào nhiều phen “cân não”.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận và cần phải chú ý tới sức mạnh cũng như uy tín của ứng viên hàng đầu của Đảng Dân Chủ – bà Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.
Cả ông Jeb và bà Hillary đều có điểm tương đồng về truyền thống gia đình – có người thân từng làm Tổng thống. Nếu bà Hillary thắng cử thì lần đầu tiên, lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ xuất hiện một “cặp vợ chồng Tổng thống” đầy quyền lực.
Hình ảnh đại diện hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đến từ hai Đảng: Bà Hillary Clinton của Đảng Dân Chủ và ông Jeb Bush đến từ Đảng Cộng Hòa. (Ảnh: IT)
Tướng Cương phân tích: “Tuy rằng ông Jeb luôn tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của gia đình, nhất là của người anh trai – cựu Tổng thống George W. Bush vì có quá nhiều bê bối liên quan tới 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và Afganistan nhưng, ông Jeb vẫn giữ cho mình một phong cách và cam kết riêng đầy mạnh mẽ nhằm tạo nên thương hiệu riêng cho mình”.
“Chắc chắn, những diễn biến tiếp theo sẽ còn vô cùng gay go và hấp dẫn. Nhất là lại có sự hiện diện của ứng viên “lắm tiền nhiều của” như tỷ phú Donal Trump – một người không tiếc tiền chi cho chiến dịch vận động tranh cử của mình”, tướng Lê Văn Cương nhận định.
Bên cạnh đó, tướng Cương đánh giá: “Cho dù chiến thắng có nghiêng về bên nào thì chính sách của Mỹ đối với khu vực Biển Đông hay với Việt Nam thì đều không có nhiều thay đổi.
Thậm chí còn mạnh mẽ và quyết đoán hơn ở Châu Á – Thái Bình Dương nếu như phe Cộng Hòa thắng thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng”.
“Đàm phán TPP – bữa tiệc ngon nhưng các đại biểu đã ra về”
Khi thời điểm tranh cử Tổng thống đang dần tới gần thì một diễn biến khác cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Cụ thể đó là tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 nước đối tác.
Hôm 30/7 tại Hawai – Mỹ, vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định quan trọng này đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của hiệp định này.
Một khi đàm phán TPP kết thúc tốt đẹp với sự đồng thuận của cả 12 quốc gia thành viên, thì Mỹ cũng sẽ là một bên hưởng lợi nhiều nhất. Hiệp định TPP luôn là một miếng mồi ngon cho Mỹ bởi nó sẽ tạo ra thuận lợi lớn cho kinh tế Mỹ. Từ đó, hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ.
“Tuy nhiên tiếc rằng, vòng đàm phán cuối hôm 30/7 vừa qua đã không đi đến thỏa thuận cuối cùng mà còn phải chờ ít nhất nửa đầu năm 2016 mới có thể đàm phán kết thúc thắng lợi được”, vị Thiếu tướng nhận định.
“Nói một cách hình ảnh rằng, nếu TPP là một bữa tiệc ngon thì hôm 30/7 rồi, “tất cả các đại biểu đã đứng dậy ra về nhưng trong lòng thì đều muốn ăn tiếp”.
Đối với Việt Nam cũng tương tự, nếu tham gia đàm phán thành công, mặc dù cũng sẽ phải chịu sức cạnh tranh khốc liệt nhưng nước ta cũng sẽ được hưởng những cơ hội và ưu đãi về mặt thuế quan, xuất khẩu khổng lồ với 11 đối tác còn lại trong khối, đặc biệt là Mỹ.
Vì vậy, tôi tin tưởng rằng bản thân Tổng thống Barack Obama cũng rất quan tâm và mong muốn sớm đạt được thỏa thuận để mau chóng ký kết Hiệp định TPP, ít nhất là trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm sau”, tướng Cương nhận định.