Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiSố phận những ngân hàng ra đời thời sốt nóng

Số phận những ngân hàng ra đời thời sốt nóng

Quy chế thành lập ngân hàng được ban hành tháng 6/2007, khi đã có hàng chục hồ sơ chờ xét duyệt, và giờ đây số còn hoạt động khỏe mạnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trào lưu thành lập ngân hàng manh nha từ năm 2005 và ngày càng sôi sục theo những thông tin hoan hỉ về tiến trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngày 7/6/2007, quy chế thành lập ngân hàng cổ phần được ban hành, mở đường cho việc ra đời ngân hàng mới sau một thập kỷ ngừng cấp phép.

Danh sách ngân hàng được chấp thuận về nguyên tắc nhưng không được cấp phép
1 Văn Phong
2 Năng lượng
3 Việt Tín
4 Kinh Bắc
5 Đông dương Thương tín
6 Việt Nam
7 Phát triển đô thị Việt Nam
8 Dầu khí
9 Ngoại thương châu Á
10 Hồng Việt
11 Đông Dương

Ngay thời điểm đó, đã có trên dưới 25 hồ sơ gửi tới Ngân hàng Nhà nước, với quy mô vốn điều lệ 1.000 đến hơn 3.000 tỷ đồng. Đứng tên trên hồ sơ có không ít tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Một số bộ không liên quan tới kinh tế, cũng quyết xin cho được một ngân hàng của riêng ngành mình. Thậm chí có tỉnh cũng muốn xin phép. 

Cùng với sự thăng hoa trên thị trường chứng khoán thời đầu gia nhập WTO, cổ phiếu ngân hàng luôn được xem là hàng nóng. Hồ sơ chưa đến lượt xem xét, trên thị trường đã có cổ phiếu rao bán cao hơn nhiều mệnh giá. Người làm ngân hàng thời đó nói vui, chỉ cần xin được giấy phép thành lập thì ngay hôm sau đã có lãi năm, bảy lần.

* Ma lực kinh doanh ngân hàng

8/8/2008, Chính phủ yêu cầu tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành tiêu chí xét duyệt chặt chẽ hơn. Nếu tính cả yếu tố nước ngoài, số hồ sơ xin phép hoạt động ngân hàng lên đến trên 50, trong đó 15 đã được chấp thuận về nguyên tắc.

Nhưng 11 trường hợp đã chết từ trong trứng nước, trong đó Ngân hàng Hồng Việt lỡ dở kế hoạch thành lập do cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí phải rút vốn đầu tư theo yêu cầu của Chính phủ.

4 trường hợp còn lại đã được cấp phép và duy trì hoạt động cho đến nay gồm VietBank (2007), Bảo Việt (2008), Liên Việt (2008) và Tiên Phong (2008).

STT Tên ngân hàng Năm cấp phép Vốn ban đầu Vốn hiện nay Tình trạng Lợi nhuận 2014
1 VietBank 2007 500 3.000 Tự tái cấu trúc và đang hoạt động ổn định Không công bố
2 Tiên Phong 2008 1.000 5.550 Tự tái cấu trúc với sự tham gia của cổ đông mới, đổi tên thành TPBank và đang hoạt động ổn định 536
3 Liên Việt 2008 3.300 6.460 Nhận sáp nhập Tiết kiệm bưu điện thành LienvietPostbank 535
4 BaoVietBank 2008 1.000 3.000 (5.200) Tự tái cấu trúc và đang hoạt động ổn định Không công bố

2006-2008 cũng là giai đoạn tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nông thôn, họ được chọn một trong hai hướng, tăng vốn điều lệ để chuyển đổi thành ngân hàng đô thị hoặc phải sáp nhập, phá sản. Chủ trương này vô hình chung lại là cơ hội vàng cho những nhà đầu tư ngân hàng, khi cửa xin cấp phép thành lập mới gần như đã đóng chặt.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi ồ ạt ngân hàng nông thôn lên đô thị cùng với trào lưu đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng đã để lại hậu quả nặng nề tới tận ngày nay. Làn sóng phát triển đó đã cuốn vào hệ thống những nguồn vốn lớn và nóng, cả yếu tố ảo từ vay mượn. Các quan hệ sở hữu chéo cũng bắt đầu đan xen từ đây. Song song đó là yêu cầu và áp lực nâng cao vốn pháp định.

11 ngân hàng nông thôn được hóa kiếp thành đô thị thời đó gồm An Bình, Mê Kông, Phương Tây, Đại Dương, Sài Gòn – Hà Nội, Nam Việt, Dầu khí Toàn cầu, Kiên Long, Đại Tín, Đại Á, và Xăng dầu Petrolimex. Từ quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng, các ngân hàng đã được mặc áo mới và chuyển đổi lên thành thị với số vốn khoảng 500 tỷ đến vài nghìn tỷ đồng, phạm vi hoạt động rộng hơn.

Sau gần một thập kỷ, trong số này chỉ còn 3 ngân hàng An Bình (ABBank), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Kiên Long (KienlongBank) vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu.

STT Tên ngân hàng Năm chuyển đổi Hình thức Vốn trước khi chuyển Vốn sau khi chuyển đổi Vốn hiện nay Lợi nhuận 2014
1 Sài Gòn – Hà Nội 2006 Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái 301 500 8.866 1.000
2 An Bình 2005 Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn An Bình 165 1.300 4.798 151
3 Kiên Long 2006 Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Kiên Long 100 580 3.000 234

Còn lại, 3 ngân hàng rơi vào kiểm soát đặc biệt khi âm vốn nặng và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Đại Tín (TrustBank, nay đổi tên là Ngân hàng Xây dựng VNCB) từng là 3 ngân hàng cổ phần nông thôn, vốn điều lệ vỏn vẹn vài tỷ đồng. Nhờ sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) mà Ngân hàng nông thôn Hải Hưng và Nông thôn Ninh Bình nhanh chóng tăng vốn và lần lượt chuyển đổi thành OceanBank, GPBank như hiện nay. Tương tự, TrustBank cũng nhanh chóng tăng vốn từ 200 tỷ lên hơn 500 tỷ khi chuyển đổi mô hình hoạt động. 

Việc rơi vào thế “chín ép”, vươn mình thành Thánh Gióng để đạt yêu cầu vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng, rồi 1.000 và sau này là 3.000 tỷ đồng, cùng với áp lực tăng trưởng tín dụng nóng… được xem là một trong những nguyên nhân khiến các nhà băng này hụt hơi và rơi vào cảnh khốn khó gần đây.

OceanBank, GPBank, VNCB là 3 trường hợp ngân hàng đầu tiên không thể tự cứu mình khi để âm vốn hàng nghìn tỷ đồng, khiến Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại với giá 0 đồng. Nếu như GPBank, VNCB được xác định là ngân hàng yếu kém ngay trong đợt đầu tiên thì OceanBank chỉ bắt đầu lộ diện những góc khuất sau khi nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt. Đến nay, sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại, tình hình sức khỏe của 3 nhà băng này vẫn chưa được nhà điều hành công bố, cập nhật.

STT Tên ngân hàng Năm chuyển đổi Hình thức ra đời Vốn sau khi chuyển đổi Vốn hiện nay Tình trạng
1 OceanBank 2006 Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Hải Hưng 2.000 4.000 Bị âm vốn, NHNN mua lại với giá 0 đồng
2 GPBank 2006 Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Ninh Bình 1.000 3.018 Bị âm vốn, NHNN mua lại với giá 0 đồng
3 Trust Bank (VNCB) 2006 Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến 530 3.000 Bị âm vốn, NHNN mua lại với giá 0 đồng

Các nhà băng khác trong nhóm này gồm: Mê Kông (MDB), Phương Tây (WesternBank), Nam Việt (NaviBank) nay là Ngân hàng Quốc Dân – NCB, Đại Á (DaiA Bank) và Xăng dầu Petrolimex (PGBank) phải vật lộn tự tái cơ cấu hoặc sáp nhập vào nhà băng lớn hơn.

Với PGBank, từ chỗ vốn điều lệ 5 tỷ đồng lúc thành lập, ngân hàng đã vụt lớn lên vào cuối năm 2005 với vốn 135 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng vào 2007, 2.000 tỷ năm 2009 và năm 2010 tăng lên 3.000 tỷ đồng.

Một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này chia sẻ, trong định hướng ban đầu, từ năm 2006, PGBank được xây dựng rất bài bản, thuê chuyên gia nước ngoài vạch lộ trình trong 5 – 10 năm. Trong đó, ngân hàng chủ yếu tập trung vào lợi thế về mạng lưới và quy mô hoạt động của Petrolimex để tổ chức một ngân hàng bán lẻ thuần túy, dịch vụ tài chính chú trọng ở những kỹ năng cao: kinh doanh ngoại hối, phái sinh, thẻ, sử dụng mạng lưới để quản lý dòng tiền và luân chuyển, cho vay nhỏ lẻ phục vụ cho hệ thống khách hàng của Petrolimex.

STT Tên ngân hàng Hình thức ra đời Vốn khi chuyển đổi Vốn hiện nay Tình trạng
1 MDB Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Mỹ Xuyên 500 3.750 Sáp nhập vào Maritime Bank
2 WesternBank Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Cờ Đỏ 320 3.000 (năm 2012) Hợp nhất với Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) thành PvComBank
3 DaiA Bank Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Đại Á 500 3.000 Sáp nhập vào HDBank
4 PG Bank Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Đồng Tháp 1.000 3.000 Sáp nhập vào Vietinbank
5 Navibank Chuyển đổi từ Ngân hàng nông thôn Sông Kiên 500 3.010 Tự tái cấu trúc đổi tên thành NCB

Với định hướng này, từ năm 2006 – 2012, nhu cầu vốn của PGBank là 1.200 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010, do bị ép tăng vốn gấp lên 3.000 tỷ, đã tạo áp lực lên Hội đồng quản trị là phải tăng trưởng tín dụng nóng và hậu quả là ngân hàng này hiện nay rơi vào khó khăn không thể tự xử lý được.

Tương tự, Mê Kông, khi chuyển mình thành ngân hàng thành thị, vốn điều lệ tăng chóng mặt, từ mức 24,7 tỷ đồng vào năm 2005 lên 3.750 tỷ đồng hiện nay, tức là tăng đến 151 lần sau 10 năm. Cũng vì lớn quá nhanh nên ngân hàng này gặp khó và hiện đã sáp nhập vào Maritime Bank, nghĩa là các ngân hàng lại bước vào một giai đoạn thanh lọc dữ dội buộc phải sáp nhập hoặc “chết”.

Cử tri Long An mới đây đã kiến nghị rà soát lại việc cấp phép hàng loạt ngân hàng. Theo cử tri, chính việc dễ dàng để cho nhiều nhà băng ra đời trong bối cảnh năng lực quản trị còn yếu kém đã dẫn đến những hệ lụy, một trong số đó là nợ xấu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như hiện nay.

Bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận việc ồ ạt mở ngân hàng giai đoạn trước là một nguyên nhân khiến nợ xấu nặng nề như hiện nay. Đó là giai đoạn 2005-2008, Việt Nam đã chứng kiến một cơn sốt trong ngành ngân hàng với hàng loạt đơn xin thành lập mới. Có lúc trên 23 bộ hồ sơ gửi tới Ngân hàng Nhà nước dù quy chế quy định về việc thành lập ngân hàng thương mại cổ phần chưa ban hành. Tất cả hồ sơ đều có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng, cá biệt có trường hợp vượt 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay, mua bán, sáp nhập ngân hàng là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giúp ngân hàng sau sáp nhập tăng trưởng vượt bậc về quy mô, cộng hưởng thế mạnh của cả hai, gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường, đồng thời giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được nhiều chuyên gia quan tâm là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau sáp nhập.

RELATED ARTICLES

Tin mới