Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc vi phạm các điều luật nào ở Biển Đông

Trung Quốc vi phạm các điều luật nào ở Biển Đông

Cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại này đã tìm mọi cách biện bạch cho hành vi leo thang, gây hấn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế...

Trong bài báo “Đa Chiều: Trung Quốc có phải “lưu manh” ở Biển Đông hay không?”, tờ báo tự nhận là cái loa của chính phủ Trung Quốc ở hải ngoại này đã tìm mọi cách biện bạch cho hành vi leo thang, gây hấn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông mà Bắc Kinh đã gây ra và cho rằng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông không lưu manh.

Trong bài bình luận này, Đa Chiều lập luận rằng không một bên yêu sách nào ở Biển Đông chỉ ra được Trung Quốc vi phạm các điều khoản cụ thể nào của luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin và phân tích của các chuyên gia, học giả pháp lý về vấn đề Đa Chiều đã đặt ra.

Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc ở Biển Đông

Bằng các hành động dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1956 và 1974 cùng 6 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã vi phạm Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 thuộc Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, cụ thể:

Khoản 2: Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có;

Khoản 3: Tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý;

Khoản 4: Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc được thể hiện trong Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/10/1970, trong đó quy định rõ:

“Lãnh thổ quốc gia không thể bị chiếm đóng quân sự do việc sử dụng vũ lực trái với những điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ quốc gia không thể bị một quốc gia khác chiếm đoạt là kết quả của việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực. Không một sự chiếm đóng lãnh thổ do việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nào được công nhận là hợp pháp.”

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế Đại học Luật Hà Nội trong tham luận gửi Hội thảo Quốc tế: “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại của khu vực” do Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hôm 25/7 cho biết, một trong những trở ngại và thách thức lớn đối với Việt Nam và các nước ASEAN là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam – PV). Trường Sa hiện là điểm tranh chấp gay gắt nhất, tập trung nhiều sự chú ý nhất và đan xen lợi ích phức tạp nhất của các nước lớn trên Biển Đông.

Đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS.

Trong khi đó UNCLOS không quy định các nguyên tắc về xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ. Vì vậy việc giải quyết tranh chấp về xác lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa phải dựa trên các quy định tập quán quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ của các cơ quan tài phán quốc tế. Bên cạnh đó, các quốc gia yêu sách cũng đồng thời tuyên bố thiết lập các vùng biển bao quanh các thực thể địa lý thuộc quẩn đảo Trường Sa (theo cách hiểu của mỗi nước về quy định của UNCLOS).

Trong bối cảnh tranh chấp nhạy cảm như vậy, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, bất chấp sự phản đối từ các bên liên quan trên một số cấu trúc, thực thể ở Trường Sa gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa và Vành Khăn.

Hành động này của Trung Quốc trước hết đã vi phạm nghiêm trọng Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều khoản này quy đinh: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”.

Công pháp quốc tế quy định rõ, giải quyết tranh chấp quốc tế một cách hòa bình là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi quốc gia, kiềm chế mọi hành động căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Trung Quốc vi phạm các điều khoản nào của UNCLOS?

Đối với các tranh chấp biển, UNCLOS thường được viện dẫn với tính chất điều ước quốc tế đa phương, đồng thời chứa đựng các quy phạm tập quán quốc tế, điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý liên quan đến việc hoạch định, sử dụng và khai thác các vùng biển.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhìn theo Công pháp quốc tế thì trên Biển Đông đang tồn tại 3 loại tranh chấp: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ (Trung Quốc và Đài Loan nhảy vào tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – PV), tranh chấp các vùng biển chồng lấn tạo ra theo quy định của UNCLOS và tranh chấp về việc giải thích, áp dụng UNCLOS ở Biển Đông.

Bản chất vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng là loại tranh chấp thứ 3, Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS gây phương hại đến quyền lợi của các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm Philippines. Bắc Kinh đã tìm mọi cách né tránh bằng cách lấp liếm, ngụy biện, đánh đồng bản chất vụ kiện này với “tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”.

Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh Bộ tư lệnh Miền Đông của hải quân Ấn Độ cũng khẳng định trong hội thảo ngày 25/7 rằng, theo các tiêu chí của UNCLOS thì yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là hết sức mơ hồ, khó hiểu và không thể biện hộ được.

Phó Đô đốc Anup Singh. Ảnh: The Hindu.

Việc Trung Quốc cản trở các hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi đá nửa nổi nửa chìm hoặc chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển khi thủy triều lên mà họ bồi lấp thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa đang vi phạm các quy chế dành cho các thực thể, cấu tạo trên biển theo Phần III của UNCLOS bởi các cấu trúc này không được hưởng bất cứ quy chế nào về các vùng biển.

Theo tham luận của Thạc sĩ Trần Thị Trúc Minh gửi Hội thảo ngày 25/7, Trung Quốc đã vi phạm các Khoản 3, Khoản 5, Khoản 7, Khoản 8 thuộc Điều 60 của UNCLOS quy định đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong việc tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các công trình trên biển.

Thứ hai, Trung Quốc đã phớt lờ Điều 123 UNCLOS về trách nhiệm của các quốc gia ven biển hợp tác với nhau trong việc sử dụng các quyền và thực hiện nghĩa vụ của họ. Ba là, Trung Quốc vi phạm Điều 129, Điều 193, Điều 196 UNCLOS về nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Trung Quốc còn vi phạm Điều 208 UNCLOS về ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển.

Như vậy có thể thấy yêu sách, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam theo UNCLOS, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Tất cả đều bắt nguồn từ tham vọng bành trướng lãnh thổ cụ thể hóa bằng đường lưỡi bò mà Trung Quốc không có cách nào giải thích, nhưng lại đang tìm mọi cách để hiện thực hóa nó – PV.

RELATED ARTICLES

Tin mới