Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Trục Mỹ-Việt-Trung, Tam Quốc diễn nghĩa thời hiện đại"

“Trục Mỹ-Việt-Trung, Tam Quốc diễn nghĩa thời hiện đại”

Có những cái là bất biến, không thể nhân nhượng trong bất cứ hoàn cảnh nào: Độc lập tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia…

Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: USA Today.

Tờ China Times Đài Loan ngày 7/8 đăng bài bình luận của Tiến sĩ Tạ Bích Liên, Trợ lý giáo sư Sở Nghiên cứu chiến lược kinh tế toàn cầu EMBA, đại học Sư phạm Đài loan cho rằng, trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung hiện nay giống như “Tam Quốc diễn nghĩa” thời hiện đại. Tác phẩm văn học kinh điển Trung Hoa của La Quán Trung viết về thế chân vạc chia ba thiên hạ Ngụy – Thục – Ngô cuối đời Đông Hán, còn gọi là thời Tam Quốc thường được dùng để lột tả sự cạnh tranh giữa các thế lực chính trị. Bà Liên bình luận:

“Trong quan hệ quốc tế hiện nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tìm cách tranh giành ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Việt Nam. Trung Quốc và Hoa Kỳ đều coi nhau là kẻ thù giả tưởng, sớm muộn hai nước cũng sẽ phải quyết chiến ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam trở thành tâm điểm 2 bên muốn lôi kéo, vì vậy có học giả hình dung trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung là thế chân vạc, nói cách khác trục quan hệ này là một bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” thời hiện đại.

Việc Tổng thống Obama mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ và tiếp ông tại Nhà Trắng trong dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đủ thấy tính quan trọng trong địa vị quốc tế của Việt nam như thế nào. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Cuối năm nay, Tổng thống Obama cũng có thể sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trên góc độ chính sách, một mặt Hoa Kỳ thúc đẩy đàm phán hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP mà gạt Trung Quốc ra ngoài, mặt khác nhân vấn đề Biển Đông căng thẳng, thông qua quan hệ với Việt Nam để đẩy mạnh triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương, người Mỹ hy vọng họ sẽ đóng vai trò là lực lượng đảm bảo hòa bình ổn định trong khu vực để chống lại sự bành trướng của thế lực Trung Quốc.

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng Tư và thăm chính thức Hoa Kỳ trong tháng 7 cho thấy Việt Nam muốn cân bằng trong quan hệ với các cường quốc. (Nói cách khác, Việt Nam không theo nước này chống nước kia, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới – PV).

Sau căng thẳng năm 2014 (vì Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam), quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ càng phát triển hơn trước. Theo phát biểu của chuyên gia kinh tế Việt Nam Bùi Kiến Thành, sau vụ việc này, người Việt Nam ngày càng cảnh giác, đề phòng (âm mưu bành trướng của) Trung Quốc. Tâm lý người Việt giống như “sống cạnh hổ dữ, như đi trên mặt hồ băng”.

Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại với Trung Quốc. Năm 2014 tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Trung đạt khoảng 60 tỉ USD, trong khi kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ là 36 tỉ USD. Tuy nhiên hiện nay Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Để phân tán sự phụ thuộc vào hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại với Trung Quốc, sớm muộn Việt Nam cũng sẽ có những nhượng bộ thỏa đáng để gia nhập thị trường TPP do Mỹ chủ đạo.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc tháng 4/2015. Ảnh: Beijing Review.

Bà Liên đã có những nhận thức lệch lạc hoặc cố tình phát biểu xuyên tạc về lịch sử Chiến tranh Biên giới Tây Nam và Chiến tranh Biên giới phía Bắc khi viết:

“Mâu thuẫn Trung – Việt ngoài vấn đề Biển Đông ra thì sau khi thống nhất đất nước, năm 1978 Việt Nam phát động chiến tranh xâm lược Campuchia, năm 1979 Trung Quốc vì thế phát động tấn công Việt Nam, mãi đến năm 1989 Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, quan hệ Trung – Việt mới bắt đầu có chuyển biến tốt”.

Lực lượng Khmer Đỏ dưới sự dung túng, chi viện và giật dây của Bắc Kinh không chỉ kích động bất ổn ở biên giới Tây Nam Việt Nam, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, tàn sát người Việt ở biên giới mà còn gây ra đại họa diệt chủng kinh hoàng cho dân tộc Campuchia. Chính điều này buộc Việt Nam phải cất quân dẹp loạn diệt chủng Pol Pot. Đã có biết bao xương máu của người Việt phải đổ xuống cho đất nước chùa tháp hồi sinh. Lịch sử đó, xương máu đó quyết không thể để bất cứ thế lực nào, cá nhân nào bôi đen, xuyên tạc. 

Và để cứu vãn đàn em Khmre Đỏ, Đặng Tiểu Bình đã xua đại quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, tàn sát dã man người dân Việt Nam. Mặc dù đạo quân xâm lược đã bị đánh bật trở lại biên giới sau đó, nhưng suốt thập niên 1980, biên giới phía Bắc vẫn ùng oàng tiếng súng vì mộng bành trướng bá quyền đại Hán vẫn chưa nguôi trong một số cái đầu nóng ở Bắc Kinh.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, người Việt ai cũng hiểu cái giá của chiến tranh. Cuộc chiến ở biên giới Tây Nam hay biên giới phía Bắc là vạn bất đắc dĩ, chống diệt chủng và chống xâm lược, quyết không thể đánh đồng với các hành động xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc thời điểm đó và tay sai Pol Pot – PV.

Tiến sĩ Liên cho rằng: “Ngày 8/7 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm Hoa Kỳ thì Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn theo 23 tướng lĩnh hàng đầu sang Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Phnom Penh đang muốn cầu viện Bắc Kinh để “đối phó với Việt Nam”, trong khi Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để ra uy với người Việt vì chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ.

Trên phương diện kinh tế Việt Nam thừa hiểu nếu chỉ dừng lại việc dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, các doanh nghiệp nước ngoài rồi sẽ dịch chuyển sang Campuchia đầu tư, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia xấu đi trong khi quan hệ Bắc Kinh với Phnom Penh ngày càng hữu hảo, mâu thuẫn giữa 3 nước sẽ trở nên “chuyện thường ngày”.

Ông Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc và ông Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia.

Khi địa kinh tế đã thay thế địa chính trị và làm chủ các quan hệ quốc tế hiện nay, trục quan hệ “Tam Quốc diễn nghĩa thời hiện đại” sẽ không nằm ngoài lợi ích, chơi với nhau vì lợi ích, chia tay nhau cũng vì lợi ích. Bởi vậy chính phủ Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm địa vị chiến lược có lợi nhất trong cục diện đương thời.” Bà Liên kết luận.

Cục diện thế giới và khu vực ngày nay rõ ràng bị chi phối bởi các quan hệ lợi ích, vừa hợp tác vừa đấu tranh đan xen nhau hết sức phức tạp nên khó có thể đánh đồng một vấn đề cụ thể trong quan hệ giữa hai quốc gia với tổng thể mối quan hệ giữa hai quốc gia ấy.

Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông trong lúc Trung Quốc ngày càng leo thang nguy hiểm nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò, đồng thời lại phải giữ sao cho được hòa bình ổn định, độc lập tự cường để phát triển đất nước.

Bởi vậy, bất cứ quốc gia nào giúp được Việt Nam vừa bảo vệ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa phát triển kinh tế kiến thiết nước nhà, đương nhiên Việt Nam hết sức hoan nghênh.

Người Việt thừa hiểu, lợi ích chi phối quan hệ quốc tế đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, Việt Nam chỉ có cách thích nghi và tối đa hóa những quan hệ mang lại lợi ích thiết thực cho mình và đối tác. Trong hợp tác với ai cũng phải có đi, có lại. Có những điều hai bên phải nhượng bộ nhau hợp tác mới lâu dài.

Nhưng có những cái là bất biến, không thể nhân nhượng trong bất cứ hoàn cảnh nào: Độc lập tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, không gian phát triển của quốc gia dân tộc. Đã quá đau thương vì chiến tranh, hơn ai hết người Việt hiểu cái giá của hòa bình, trân quý hòa bình, nỗ lực hết sức cùng khu vực và cộng đồng quốc tế bảo vệ hòa bình, nhưng không lơ là mất cảnh giác trước mọi âm mưu, dã tâm bành trướng xâm lược hay lèo lái, kiềm tỏa từ bất kỳ thế lực nào – PV.

RELATED ARTICLES

Tin mới