“Với việc Trung Quốc đã hoàn thành xong việc xây đảo nhân tạo, tiếp đó là đưa cả pháo hạm, vũ khí rồi cân nhắc đưa tên lửa phòng không ra các đảo đó thì việc Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhận định.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu – nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 48 diễn ra tại Malaysia hồi tuần trước đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế. Nội dung quan trọng nhất vẫn là vấn đề Biển Đông, những hành động xây cất đảo nhân tạo trái phép của phía Trung Quốc trong hơn 1 năm qua đã được các đại biểu đem ra bàn bạc, phân tích rất thẳng thắn.
Đặc biệt, điều khiến dư luận tỏ ra khá bất ngờ là tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: “Trung Quốc đã ngừng xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông”.
Lập tức, nó đã khiến cho các đại biểu tham dự cũng như nhiều nhà quan sát tỏ ý hồ nghi về “độ chân thực” của tuyên bố này do ông Vương Nghị phát ra.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia quân sự, cựu tướng lĩnh qua các thời kỳ, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu – nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân đã dành cho Báo Năng lượng Mới – PetroTimes một cuộc trao đổi thẳng thắn để cung cấp đến bạn đọc thông tin đa chiều xoay quanh nội dung trên.
Mở đầu cuộc trò chuyện, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhấn mạnh: “Việc một lần nữa Trung Quốc lại đưa ra một lời hứa hẹn rằng đã ngừng xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông là hành động chỉ mang tính hình thức thôi. Bản thân họ thừa hiểu bản chất của sự việc đang đi tới đâu rồi”.
Dù vậy, vị cựu tướng lĩnh phòng không cho rằng, trong vòng 3 năm qua, đây là hội nghị có thể nói là thành công nhất của khối ASEAN.
“Còn nhớ hồi năm 2012, Hội nghị AMM lần thứ 45 tại Campuchia đã không thể ra tuyên bố chung vì nhiều bất đồng sâu sắc về vấn đề Biển Đông. Tại AMM – 48 năm nay, vẫn là vấn đề Biển Đông nhưng khối ASEAN đã cho thấy được sự đoàn kết, đồng lòng để nêu bật được quan ngại chung của khu vực về những hành vi cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên biển trong thời gian qua”, Trung tướng Mậu cho hay.
Qua những diễn biến liên quan mà các cơ quan thông tấn cung cấp, tướng Nguyễn Xuân Mậu đặc biệt lưu ý: “Tình hình khu vực đang có những diễn tiến phức tạp. Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Song hành với đó là thái độ vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của Mỹ, Nhật và một số cường quốc khác. Chúng ta cần có cái nhìn tổng quan thật đầy đủ để sớm nhận ra âm mưu, dự đoán hành động tiếp theo của Trung Quốc trên bàn cờ thế giữa Trung Quốc – ASEAN – Mỹ”.
Nhấn mạnh tới yếu tố đoàn kết nội khối, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân cho rằng, tại Hội nghị Ngoại trưởng vừa qua, các nước ASEAN về cơ bản đã đoàn kết nói lên những quan ngại chung. Nhưng đằng sau thì vẫn còn yếu tố lợi ích quốc gia riêng của từng nước trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông.
“Chỉ có Việt Nam, Philippines và Malaysia là 3 nước có lợi ích thiết thân, rõ ràng trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc nên ngôn từ diễn đạt tại hội nghị cũng như trong tuyên bố chung là khá mạnh mẽ, nhất quán. Trung Quốc tưởng chừng có thể chi phối được cả khối nhưng họ đã nhầm”, vị cựu tướng nhận định.
Theo một số thông tin được trích dẫn từ CSIS (Mỹ), hiện nay Trung Quốc đã hoàn thành đường băng dài khoảng 3.000m trên bãi đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tướng Mậu dự đoán, trong tương lai, rất có thể Trung Quốc sẽ không chỉ muốn sở hữu một đường băng. Họ sẽ còn xây thêm đường băng nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, nhằm dễ bề khống chế khu vực này từ phía biển.
Vị tướng đã ngoài 90 tuổi thẳng thắn cho rằng: “Với dã tâm bành trướng lãnh thổ lãnh hải của mình, Trung Quốc luôn là một “ẩn số khó đoán định” đối với cộng đồng khu vực và quốc tế”.
Về nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sớm muộn sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói: “Khả năng này theo tôi thấy là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi, họ đã hoàn thành xong việc xây đảo nhân tạo. Tiếp đó, họ đã đưa cả pháo hạm, vũ khí rồi cân nhắc đưa tên lửa phòng không ra các đảo đó. Đấy là chưa kể đường băng dài hàng ngàn mét ở Đảo Chữ Thập có khả năng đáp ứng cho hàng chục máy bay quân sự ra đó”.
Tuy nhiên, ông cho rằng, Mỹ đang là một yếu tố đặc biệt mà Trung Quốc phải dè chừng.
Trước đó, Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc thành lậpADIZ trên biển Hoa Đông. Bởi việc đơn phương thành lập ADIZ trên vùng biển sẽ ảnh hưởng lớn đến tự do đi lại.
“Mọi động thái khiêu khích, tập trận hải quân của Trung Quốc trong thời gian qua đều chỉ là nhằm đối phó với những động thái cứng rắn của Mỹ. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các bên có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Khi một trong các bên đi ngược lại điều này thì đương nhiên, Mỹ cũng như Nhật Bản, Úc cũng sẽ phải vào cuộc cùng những hành động cụ thể”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu đánh giá.
Vị tướng này nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tiếp tục chính sách đối ngoại đúng đắn, khôn khéo của mình nhằm phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.