Sunday, January 5, 2025
Trang chủĐiểm tinVì sao Trung Quốc không thể yêu cầu Mỹ giao nộp Lệnh...

Vì sao Trung Quốc không thể yêu cầu Mỹ giao nộp Lệnh Hoàn Thành?

Trung Quốc đã chọn sai thời điểm để yêu cầu Mỹ cho dẫn độ ông Lệnh Hoàn Thành – em trai của Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc; ngoài ra việc dẫn độ khó thành vì những rào cản pháp lý, tạp chí Fortune (Mỹ) nhận định. 

Ông Lệnh Hoàn Thành, em trai của Lệnh Kế Hoạch, cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – Ảnh Want China Times

Trong bài viết đăng tải hồi giữa tuần, Fortune cho biết mặc dù hiện chưa rõ Lệnh Hoàn Thành đã phạm phải tội gì, nhưng chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ cho dẫn độ ông này về nước. Yêu cầu này không được công khai, mà được gửi thông qua kênh liên lạc cấp quan chức chính phủ, theo Fortune.

Tạp chí Mỹ bình luận Bắc Kinh đã chọn thời điểm không thích hợp để đưa ra yêu cầu dẫn độ. Quan hệ ngoại giao giữa 2 nước trong vài tháng gần đây rất căng thẳng, xuất phát từ cáo buộc của phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã tấn công mạng và ăn cắp dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM), bất đồng giữa 2 bên về hoạt động xây dựng đảo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông, cũng như từ những tố cáo của Mỹ về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.

Fortune nhận định, do Lệnh Hoàn Thành nắm giữ những bí mật mà cơ quan tình báo Mỹ rất thèm muốn, nên Washington sẽ không chịu “buông” ông này.

“Điều quan trọng hơn nữa là về mặt pháp lý và thủ tục, việc trao trả Lệnh Hoàn Thành cho Trung Quốc rắc rối hơn Bắc Kinh tưởng”, tạp chí Mỹ cho hay.

“Do Lệnh Hoàn Thành đang ở trên đất Mỹ, nên ông này được bảo vệ bởi những quyền dành cho người nước ngoài tạm trú ở Mỹ. Với tài sản hiện có, Lệnh Hoàn Thành được cho có đủ khả năng thuê những luật sư giỏi nhất để xin cho ông này tị nạn chính trị, dựa trên lập luận rằng cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc đối với ông có động cơ chính trị”, theo Fortune.

Tạp chí Mỹ còn cho rằng vụ việc nói trên có thể cản trở chuyến thăm Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.

“Do ông Tập coi chuyện dẫn độ người tị nạn ở nước ngoài về nước là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch trừ tham nhũng của mình, nên việc Lệnh Hoàn Thành có mặt tại Mỹ sẽ không chỉ khiến chủ tịch Trung Quốc hổ thẹn trước giới hạn về mặt quyền lực, mà còn tước đi lợi thế cần có trong việc đưa Lệnh Kế Hoạch ra xét xử”, tạp chí Fortune phân tích.

Vì sao Trung Quốc không thể yêu cầu Mỹ giao nộp Lệnh Hoàn Thành? - ảnh 2
Ông Lệnh Kế Hoạch, anh trai ông Lệnh Hoàn Thành, đang bị giam giữ để điều tra cáo buộc tham nhũng tại Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Fortune cũng bình luận thêm rằng khi yêu cầu dẫn độ người tị nạn về nước, nhà chức trách Trung Quốc thường tỏ ra miễn cưỡng khi được yêu cầu cung cấp bằng chứng về tội mà đối tượng phạm phải.

Tờ The New York Times (Mỹ) hồi đầu tháng 8 đưa tin Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ cho dẫn độ Lệnh Hoàn Thành về nước, nhưng Washington khước từ, lấy lý do là cần Bắc Kinh đưa ra bằng chứng về những tội ông này phạm phải.

Ông Lệnh Kế Hoạch, người từng được biết đến như “cánh tay mặt” của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, bị điều tra với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng” hồi cuối năm 2014. Đến tháng 7.2015, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hồ sơ của ông Lệnh đã được chuyển qua cơ quan tư pháp và ông Lệnh đã bị bắt.

Vì sao Trung Quốc không thể yêu cầu Mỹ giao nộp Lệnh Hoàn Thành? - ảnh 3Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: Reuters

Báo chí Trung Quốc cho biết người thân gia đình rất giàu có nhờ ảnh hưởng từ ông Lệnh. Công ty quảng cáo do em vợ và cháu ông lập ra đã giành được hợp đồng tổ chức sự kiện Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và Triển lãm World Expo Thượng Hải 2010, một trong những sự kiện lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Người em trai Lệnh Hoàn Thành điều hành một quỹ đầu tư tư nhân chuyên bỏ tiền vào mảng truyền thông và công ty internet, với mức lãi ròng lên đến hơn 200 triệu USD, theo Fortune. Ông này được cho là sở hữu một căn nhà trị giá đến 2,5 triệu USD ở California và có lẽ sẽ xin tị nạn ở Mỹ, theo nguồn tin khuyết danh của The New York Times.

RELATED ARTICLES

Tin mới