Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - Trung: Đồng sàng dị mộng

Mỹ – Trung: Đồng sàng dị mộng

Ngày 7/8, trang web của Trung tâm Vì an ninh hàng hải quốc tế (Mỹ) đăng bài “Tái cân bằng ở Thái Bình Dương với các đặc điểm Trung Quốc” của tác giả Justin Chock, thực tập sinh tại Trung tâm Đông Tây ở Washington, lý giải nguyên nhân vì sao Trung Quốc chuyển chiến lược từ biển Hoa Đông sang Biển Đông – để phục vụ cho “con đường tơ lụa trên biển”.

Đồng thời nhấn mạnh, muốn biết các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã đưa ra quyết định như thế nào, chỉ cần so sánh “Sách trắng Quốc phòng” của Trung Quốc năm 2013 và 2015 là rõ. Và nếu muốn đối phó với Trung Quốc, Mỹ chỉ cần bố trí lại quân lực trong khu vực, đồng thời bắt tay với các đồng minh ở Đông Nam Á và dọc theo “con đường tơ lụa trên biển”.

Nhưng cựu Đại sứ Philippines tại Hungary Alejandro del Rosario cảnh báo, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM-48) một lần nữa chứng minh, ASEAN vẫn có chia rẽ trong vấn đề Biển Đông – các ngoại trưởng phải chật vật mới đạt được sự đồng thuận trong đoạn viết về tranh chấp Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales nhận định, Campuchia muốn nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc và về nội bộ, Phnom Penh chẳng mất gì khi đứng về Bắc Kinh.

Giới phân tích cũng cho rằng, có những nhân tố có thể chi phối vấn đề Biển Đông trong ASEAN, nhất là khi Trung Quốc tỏ ra thân thiết với một số thành viên. Một số nước ASEAN tuy lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, nhưng vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc và Trung Nam Hải rất biết cách điều phối vấn đề này.

Ngày 7/8, tờ South China Morning Post cũng nhận định, các quốc gia Đông Nam Á một lần nữa lại bất hòa trong việc lên án những nỗ lực leo thang bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó (6/8), tờ The Interpreter bình luận, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để chia rẽ triệt để ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí trong cuộc chiến tranh về ngôn từ, Bắc Kinh đã chiếm thế thượng phong khi hầu hết truyền thông và lãnh đạo nước ngoài vẫn sử dụng thuật ngữ “cải tạo”, “khai hoang” hơn là “bồi lấp”, “xây dựng” để chỉ những gì Trung Quốc đã và đang làm với đảo nhân tạo. Có người khuyến cáo, nếu ASEAN có thể tìm được sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông, sẽ có tiếng nói mạnh mẽ tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tháng 11 tới.

Theo Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM-48), các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến ở Biển Đông và đây là lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá được nêu trong Thông cáo chung của một Hội nghị AMM. Và chưa bao giờ Trung Quốc bị chỉ trích nhiều như lần này. Giới phân tích cho rằng, mặc dù bị muối mặt tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Malaysia – bị hầu hết các nước chỉ trích về hành động và chính sách của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn ra sức biện giải cho vấn đề này.

Theo đó, tình hình chung ở Biển Đông là ổn định, khả năng xảy ra xung đột lớn không có, đã đạt được một số thành tựu trong tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)… Ngoại trưởng Trung Quốc thậm chí còn tuyên bố, Bắc Kinh mới là nạn nhân thực sự ở Biển Đông!? Ngày 6/8, ông Vương Nghị còn đưa ra 10 đề xuất mới nhằm tăng cường hợp tác sâu rộng với ASEAN.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm mục đích quân sự. Được biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Ngoại trưởng 10 nước ASEAN ở Kuala Lumpur và tranh chấp chủ quyền là “trung tâm của các cuộc đối thoại” này. Từ tháng 4/2015, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung, nêu rõ mối quan ngại trước việc Trung Quốc cải tạo đất tại vùng biển tranh chấp, đồng thời cảnh báo vấn đề này có thể làm giảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Ông John Kerry đã bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh cải tạo đất, xây dựng trái phép và “quân sự hóa” trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông khi có cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị tại Malaysia hôm 5/8. Ông John Kerry nhấn mạnh, mặc dù Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Mỹ muốn các vấn đề này được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh sẽ theo đuổi “các cuộc thảo luận hòa bình” để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Cũng trong ngày 5/8, khi trả lời trên kênh Chanel News Asia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington quân sự hóa châu Á. Đồng thời kiên quyết phản đối bất cứ vấn đề tranh chấp chủ quyền nào ở Biển Đông hay biển Hoa Đông mà không dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Ngoài ra, ông Sergei Lavrov cũng phản bác về nhận định của một số chuyên gia cho rằng, việc hải quân Nga tập trận chung với hải quân Trung Quốc là một động thái hỗ trợ yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 6/8, tờ The Diplomat bình luận về việc Trung Quốc đang tìm cách tận dụng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga trong khu vực để thúc đẩy các lợi ích an ninh-quốc phòng của mình ở Thái Bình Dương. Đối với Bắc Kinh, cách tiếp cận tích cực của Moskva tại Châu Á – Thái Bình Dương sẽ giúp Trung Quốc có thêm một đối trọng hữu ích đối với chiến lược “xoay trục” của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới