Tuesday, January 7, 2025
Trang chủBiển nóngBáo Nga bình luận khả năng Việt Nam mua Mistral

Báo Nga bình luận khả năng Việt Nam mua Mistral

Báo RBTH (Nga) vừa chủ động liên lạc với Ấn Độ và Việt Nam về những đồn đoán mua tàu Mistral, tuy nhiên báo Nga đã không nhận được phản hồi.

Thông tin này được RBTH ngày 10/8 cho hay, theo đó ông Ruslan Pukhov, người đứng đầu Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST, Nga) phát biểu với hãng thông tấn TASS rằng trong số những nước đủ tiềm năng mua lại cặp tàu Mistral Pháp đóng cho Nga gồm Ấn Độ, Việt Nam, Brazil.

Sau khi thông tin này được công khai, Bộ Quốc phòng Ấn Độ từ chối nêu ý kiến về bài báo của TASS. Trong khi đó, báo RBTH cho biết còn quá sớm để Ấn Độ xem xét mua tàu Mistral của Pháp khi hai nước còn đang đàm phán thương vụ mua chiến đấu cơ Rafale.

“Cả hai nước đang tiếp tục cuộc đàm phán, và một thỏa hiệp đã đạt gần đây… Hai nước vẫn đang đàm phán về việc sản xuất nhượng quyền và chuyển giao công nghệ (chiến đấu cơ”, một quan chức nói với tờ RBTH

Ngoài Ấn Độ, quốc gia thứ hai có thể quan tâm đến tàu đổ bộ chở trực thăng là Việt Nam, theo ông Pukhov. Tuy nhiên, nguồn tin dẫn lời ông Nguyễn Phú Loan, một nhà phân tích quốc phòng tại Hà Nội nói với RBTH rằng Việt Nam sẽ không theo đuổi thỏa thuận mua tàu Mistral mà không tham vấn với Nga.

Ông Loan nói: “Chúng ta phải hiểu rằng việc mua bán tàu này là không nên gây khó cho Nga, vì Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam”, ông này cho biết thêm rằng Trung Quốc cũng có thể quan tâm đến việc mua tàu Mistral.

“Việc mua tàu Mistral có thể sẽ được nêu trong các cuộc tham vấn giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Pháp tại Paris trong năm 2015”, ông Loan nói thêm. Trong khi đó, báo RBTH cho biết Bộ Quốc phòng việt Nam đã không trả lời bình luận của báo này.

Tuy nhiên, việc quốc gia nào cần và có đủ khả năng mua tàu Mistral đã được tờ tờ Liberation (Pháp) phân tích khá kỹ, bởi theo tờ báo này, “thị trường tiêu thụ Mistral cũng không lớn”.

Theo phân tích của Liberation, để sở hữu những con tàu này cần có 1 quốc gia có chiến lược hải quân mang tính can dự toàn cầu và ngân sách quốc phòng vài chục tỷ USD/năm mới kham nổi. Bởi chỉ tính riêng số tiền mua lại 2 con tàu cũng đã tới khoảng 2 tỷ USD.

Ngoài ra, chi phí cải tạo lại 2 tàu được chế tạo cho hoạt động tác chiến ở các khu vực băng giá phủ hợp với nhu cầu sử dụng của người mua. Việc mua sắm vài chục chiếc trực thăng tấn công, vận tải, cảnh báo sớm, săn ngầm… trang bị cho chúng cũng phải tốn thêm hàng tỷ USD nữa.

Đặc biệt, nước sở hữu Mistral còn phải huy động thêm một biên đội tàu khu trục phòng không, tàu hộ vệ săn ngầm, tàu vận tải tổng hợp để hình thành một cụm tàu đổ bộ tấn công tầm xa.

Điều này sẽ làm chi phí phát sinh khi mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral lên tới ít nhất là 4 tỷ USD.

Từ những phân tích của tờ Liberation cho thấy, khả năng Hải quân Việt Nam mua cặp tàu Mistral của Pháp là không nhiều. Trong khi đó, theo phân tích của Tạp chí National Interest (Mỹ), Pháp nên nhắm mục tiêu vào Brazil bởi lúc này, đó là khách hàng thực sự tiềm năng nhất của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới