Friday, November 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTrung Quốc đột ngột tăng giá NDT

Trung Quốc đột ngột tăng giá NDT

Sáng 14/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lần đầu tiên điều chỉnh tăng tỷ giá tham chiếu cặp tiền NDT/USD tăng 0,05% sau khi giảm tổng cộng 4,6% trong 3 ngày liên tiếp trước đó.

Tỷ giá NDT giao dịch tự do ở ngoài nước tăng 0,4% sau khi mất 3,6%. Tỷ giá giao ngay trong nước ít thay đổi, và tính tới 9h35 phút ở mức 6,3970 NDT đổi 1 USD.

Trong ngày đầu tiên, NDT đã giảm 1,9%, tiếp sau đó giảm 1,6% và 1,1% trong ngày 13/8, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua và thay đổi gần như hoàn toàn chính sách tỷ giá của nước này.

Ngày hôm qua, PBOC đã phát đi tín hiệu cho biết, không có cơ sở để đồng NDT giảm giá liên tục và cơ quan này sẽ can thiệp nếu như tỷ giá có biến động mạnh.

“Các biện pháp của PBOC bao gồm can thiệp vào thị trường tỷ giá giao ngay và tổ chức họp báo một cách công khai đã góp phần khoanh vùng biến động đối với đồng NDT”, Tommy Xie, một chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Oversea-Chinese Banking Corp. ở Singapore nhận định trênBloomberg.

Tommy Xie cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ sẽ được chấm dứt nếu giá tỷ giá giao ngay ổn định trong vài ngày tới.

Trong quyết định phá giá gây sốc bắt đầu từ hôm 11/8 vừa qua, PBOC đã đưa ra một cơ chế tỷ giá mới, theo định hướng thị trường hơn. Theo đó, tỷ giá tham khảo giữa NDT và USD sẽ được xác định hàng ngày theo giá đóng cửa phiên liền trước, dựa trên giao dịch của các nhà tạo lập thị trường (thường là các NH đại lý của PBOC). Bên cạnh đó, PBOC sẽ tham khảo nhu cầu và nguồn cung ngoại hối trên thị trường và biến động của các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực phá giá đồng NDT nhằm vực dậy xuất khẩu và kéo chậm đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế đang từ hai con số xuống còn 7% trong 6 tháng đầu năm.

Tác động quá lớn của quyết định gây sốc của PBOC tới thị trường tài chính thế giới đã khiến Trung Quốc phải tìm cách trần an, tìm kiếm một sự cân bằng giữa ổn định tài chính và tham vọng đẩy mạnh xuất khẩu cũng như duy trì được trạng thái dự trữ ngoại hối lớn cũng như vị thế một đồng tiền lớn trước ngưỡng cửa được IMF chọn là đồng tiền trong rổ dự trữ của tổ chức này.

Phản ứng bình tĩnh hơn

Ngày 11/8/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (NHNDTQ) áp dụng cơ chế xác định tỷ giá tham chiếu mới: công bố tỷ giá hằng ngày trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng dựa trên tỷ giá đóng cửa bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước. Các ngân hàng được phép giao dịch trong biên độ ±2% xung quanh tỷ giá tham chiếu.

Tỷ giá CNY/USD tiếp tục được NHNDTQ công bố tăng 1,6% trong ngày 12/8 và 1,1% trong ngày 13/8 theo diễn biến của thị trường. Đây là diễn biến bình thường vì thị trường cần có thời gian điều chỉnh để đạt điểm cân bằng nên trong ngắn hạn tỷ giá CNY/USD có thể biến động nhất định.

Bản thân NHNDTQ cũng đã có động thái để ổn định CNY: can thiệp bán ngoại tệ, chỉ đạo các NHTM Nhà nước bán USD để hạn chế mức tăng của tỷ giá CNY/USD.

Thông cáo trên website của cơ quan này khẳng định CNY sẽ không giảm giá thêm do kinh tế Trung Quốc đang phát triển tốt, cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, xu hướng quốc tế hóa CNY và mở cửa thị trường tài chính và dự trữ ngoại hối rất lớn là nền tảng hỗ trợ rất tốt cho đồng CNY.

Tại buổi họp báo ngày 13/8, trợ lý Thống đốc Nhân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo việc thị trường điều chỉnh những ngày qua đã thu hẹp chênh lệch 3% giữa tỷ giá tham chiếu với kỳ vọng tỷ giá của thị trường; giá trị CNY đang dần phục hồi sau 3 ngày giảm và sẽ giữ ở mức cao, không có cơ sở để tiếp tục giảm mạnh.

NHNDTQ tuyên bố sẽ không để thị trường ngoại tệ biến động quá mức và khẳng định mức tỷ giá hiện nay của CNY là phù hợp với các yếu tố kinh tế vĩ mô (theo Bloomberg).

Kết quả là từ ngày 11/8 đến sáng 13/8, tỷ giá CNY/USD tăng nhưng mức tăng chậm dần và đến chiều ngày 13/8, CNY phục hồi nhẹ: tỷ giá CNY/USD giao dịch đóng cửa giảm khoảng 0,03% so với mức công bố đầu ngày.

Trên thị trường tài chính quốc tế, động thái của NHNDTQ tác động nhất định do Trung Quốc là nền kinh tế có lớn thứ hai thế giới và là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của nhiều nước.

Sau động thái của NHNDTQ ngày 11/8, các đồng tiền Châu Á đồng loạt giảm giá khoảng 0,5-2% so với USD nhưng từ ngày 12/8, mức độ giảm giá chậm lại, đến chiều ngày 13/8/2015, hầu hết đã tăng giá trở lại so với đồng USD: Hong Kong (+0,04%), Đài Loan (+0,4%); Hàn Quốc (+1,41%); Philippines (+0,12%), Ấn độ (+0,24%), Malaysia (+0,42%), Thái Lan (+0,25%) so với đồng USD trong ngày 13/8 cho thấy thị trường quốc tế đang đi vào ổn định, quen dần biến động thường xuyên của CNY.

Thị trường chứng khoán các nước cũng diễn biến tích cực, sau hai ngày giảm thì đến ngày 13/8, cả chứng khoán Châu Âu và Châu Á đều tăng điểm trở lại: Nhật Bản tăng 0,99%, Mỹ tăng 0,15%, Hồng Kong tăng 0,43%, Singapore tăng 1,03%, Indonesia tăng 2,5%, Hàn Quốc tăng 0,4%, đặc biệt Trung Quốc tăng 1,76%.

Ngày 13/8, Thống đốc NHTW Malaysia (BNM) Aziz tuyên bố không cần phản ứng thái quá (overreaction) đối với việc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ vì động thái của này là phù hợp và có lợi trong điều kiện của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới