Các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1 của Việt Nam không phải để bắn mọi mục tiêu mà dành cho những mục tiêu chiến lược trị giá hàng trăm, thậm chí đến hàng tỷ USD.
Tên lửa S-300 tham gia huấn luyện bắt mục tiêu. Ảnh: QĐND
Từ bài học đảm bảo đạn đánh B-52…
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Tên lửa phòng không đã tham gia chiến đấu 3.452 trận, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay các loại của địch, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Lúc bấy giờ, bên cạnh không quân tiêm kích và các loại vũ khí như pháo cao xạ, súng máy phòng không và hỏa lực bắn máy bay tầm thấp của súng bộ binh, Bộ đội Phòng không Việt Nam được trang bị hoàn toàn bằng các tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2.
Bình thường, tên lửa SAM-2 được dùng để bắn mọi loại mục tiêu bay từ máy bay không người lái, máy bay chiến thuật, máy bay chiến lược,… miễn là đủ điều kiện xạ kích và góc bắn cho phép.
Trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, Quân chủng PK-KQ chủ trương dành tên lửa đánh mục tiêu chiến lược B-52, nhằm đánh dập đầu lực lượng tiến công nguy hiểm nhất, buộc kẻ địch phải trả giá đắt để rồi xuống thang, chấm dứt chiến tranh.
Khi đó, mặc dù đã dự đoán được Không quân Mỹ sẽ đánh Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận nên Quân chủng PK-KQ đã có sự chuẩn bị chu đáo, đảm bảo lượng dự trữ tên lửa SAM-2 tương đối dồi dào, nhưng có những lúc “cơn sốt đạn tên lửa” đã lên đến đỉnh điểm.
Nguyên nhân không hẳn do hết đạn dự trữ mà là do các đơn vị sản xuất đạn lắp ráp không kịp nên trong Chiến dịch đã xảy ra tình trạng khan hiếm đạn cục bộ ở một số đơn vị, đặc biệt là trong những ngày đầu.
Trung tướng Lương Hữu Sắt nguyên Cục trưởng Cục Vũ khí đạn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật chia sẻ trên Báo QĐND:”Tình trạng khan hiếm đạn tên lửa để đánh máy bay B-52 trong một vài ngày đầu chiến dịch là có thật”.
Cảnh chạy đạn cho các bệ phóng như cảnh nhà nghèo chạy ăn từng bữa. Bãi lắp ráp làm được quả đạn nào, xe TZK trực sẵn lập tức đưa đi và được đưa lên bệ phóng ngay.
Như vậy, không phải chúng ta đã hoàn toàn bị bó tay, mà trên thực tế, đạn cho đánh B-52 vẫn được bảo đảm một phần là sau những trận đầu bị thiệt hại nặng nề, địch lảng tránh khỏi “Tọa độ lửa – Hà Nội” để đánh phá các vùng ít bị đe dọa bởi SAM-2 hơn.
Mặt khác, cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất nên khi B-52 đánh Hà Nội trở lại, “cơn sốt đạn” đã bị đẩy lùi. Bộ đội tên lửa không còn phải lo thiếu đạn, chủ động tự tin chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh quyết định đêm 26-12-1972.
Rõ ràng, bên cạnh nghệ thuật tác chiến, trình độ của các kíp trắc thủ đóng vai trò quyết định thì việc bảo đảm đạn cũng góp phần quan trọng cho bộ đội đánh thắng. “Trắng bệ” là tình huống tối kỵ với Bộ đội tên lửa, bởi hết đạn coi như mất sức chiến đấu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm và kiểm tra Trung đoàn tên lửa phòng không 64. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
…đến những mục tiêu tỷ đô
Thượng tướng Phương Minh Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ khẳng định: Quân chủng PK-KQ nhất định vượt qua mọi thách thức, xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Như đã biết, Quân chủng PK-KQ mới tổ chức lại các đoàn tên lửa S thành các trung đoàn tên lửa phòng không 64 và 93, ngoài các tiểu đoàn pháo phòng không tự hành và tên lửa tầm thấp, mỗi đơn vị được trang bị một tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1.
Đây là một trong những tổ hợp tên lửa phòng không thuộc loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay. So với các tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ, S-300PMU1 có nhiều tính năng vượt trội hơn. Cụ thể:
Thời gian triển khai chiến đấu ngắn hơn, chỉ bằng 1/3 so với Patriot; Phương thức phóng thẳng đứng dễ dàng bao quát 360 độ so với phóng nghiêng; Điều khiển được cùng lúc 2 tên lửa diệt một mục tiêu trong khi Patriot chỉ điều khiển được 1 tên lửa.
Ước tính của các chuyên gia quốc tế, mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1 có giá khoảng từ 125-150 triệu USD và mỗi quả đạn tên lửa 48N6E hay 48N6E2 đi kèm (tầm bắn 150-195km) có đơn giá khoảng trên 1 triệu USD.
Theo báo Thanh Niên, đoàn học viên Học viện Lục quân Đà Lạt đến thăm Đoàn tên lửa 93 đúng dịp đơn vị đang thực hành huấn luyện chiến đấu trên tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1.
Tình huống chiến đấu đưa ra là: cùng lúc có 5 tốp mục tiêu địch (có máy bay tiêm kích đa năng, máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo) bay ở các giải độ cao từ 10-21.000 m, có sử dụng nhiễu tiêu cực và tích cực, tên lửa chống ra đa.
Mục tiêu được phát hiện từ xa, trước khi chúng xâm phạm vùng trời phía nam Tổ quốc, chỉ trong vòng 4 phút với 6 đạn tên lửa, kíp trắc đã nhanh chóng xử lý nhiễu, tiêu diệt mục tiêu, vô hiệu hóa tên lửa chống ra đa, bảo vệ an toàn khí tài, trang bị của đoàn.
Radar cảnh giới nhìn vòng mọi độ cao 96L6E (gần) và radar chiếu bắn 30N6E của tổ hợp S-300PMU1 sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: QĐND
Tác chiến trong tương lai, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống lực lượng phòng không phải đương đầu với hàng trăm, hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm, nếu S-300 cũng đánh các mục tiêu này chắc chắn không xuể. Bởi lẽ:
Thứ nhất, lưới lửa phòng không của Việt Nam đang ngày càng được củng cố với nhiều loại tên lửa phòng không tầm trung, tầm ngắn hiện đại thế hệ mới hoặc các tổ hợp tên lửa nâng cấp, cùng với các loại hỏa lực cao xạ sẽ đảm đương gánh nặng đánh các mục tiêu chiến thuật.
Thứ hai, tên lửa S-300 được thiết kế để đánh mọi loại mục tiêu bay, khắc tinh của các loại máy bay chiến lược, tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, với Việt Nam, đạn của S-300 rất đắt và số lượng có hạn nên không phải để đánh mục tiêu chiến thuật.
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 cho thấy, chỉ có tiêu diệt số lượng lớn các mục tiêu bay chiến lược như B-52 mới đánh bại ý chí xâm lược của đối phương, buộc kẻ địch phải xuống thang và chấm dứt chiến tranh.
Các tổ hợp tên lửa S-300 ngày nay cũng vậy, cần để dành cho các mục tiêu chiến lược là máy bay tàng hình, máy bay trinh sát gây nhiễu điện tử, máy bay cảnh báo sớm, tiếp dầu trên không của đối phương. Chỉ có diệt các mục tiêu này mới làm kẻ địch chùn bước.
Tất nhiên, trong những trường hợp nhất định, ví dụ như máy bay chiến thuật của địch trực tiếp đe dọa hay tiến công trận địa S-300 thì để tự bảo vệ mình, các đơn vị vẫn phải phóng đạn tiêu diệt chúng.
Do vậy, để bảo toàn lực lượng, phòng tránh đánh trả có hiệu quả, cần phải có lực lượng “hộ vệ” mạnh, sẵn sàng đánh địch, bảo vệ các tổ hợp tên lửa S-300 nhằm tiết kiệm đạn cho những mục tiêu chiến lược trị giá hàng trặm triệu, thậm chí hàng tỷ USD.