Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngTham vọng “cường quốc biển” của TQ (Kỳ 4)

Tham vọng “cường quốc biển” của TQ (Kỳ 4)

Trung Quốc đang từng bước thúc đẩy hiện thực hóa tham vọng“cường quốc biển” bằng những kế hoạch, hành động cụ thể, như để khắc phục sự muộn mằn của lịch sử.

Lần đầu tiên, Trung Quốc chính thức tuyên bố mục tiêu xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hải dương. Tại Báo cáo chính trị trình bày trước Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc, ngày 8-11-2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu rõ: “Nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển quốc gia, xây dựng cường quốc biển”.

Cụ thể hóa nội hàm xây dựng “cường quốc biển”, cuối tháng 12-2012, Lưu Tứ Quý, Cục trưởng Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, viết trên báo Hải dương Trung Quốc khẳng định xây dựng cường quốc biển là “mục tiêu vĩ đại”, là quyết sách lớn và chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gắn liền với giai đoạn phát triển mới “xây dựng xã hội khá giả toàn diện ở Trung Quốc, là con đường làm giàu đất nước, dựa vào biển làm cho đất nước mạnh lên”. Nội hàm của cường quốc biển đặc sắc Trung Quốc bao gồm 5 phương diện là nhận thức về biển, sử dụng biển, sinh thái biển, quản lý biển và biển hài hòa.

Về nhận thức, theo Lưu Tứ Quý, cần tăng cường nghiên cứu khoa học biển, đào tạo nhân tài chuyên môn về biển, tăng cường ý thức biển trong toàn dân tộc. Về quản lý biển, yêu cầu kiểm soát biển một cách tổng hợp như đảm bảo quan trọng để xây dựng cường quốc biển. Trong công tác chấp pháp, tăng cường tuần tra định kỳ ở các khu vực biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc, hoàn thiện cơ chế chấp pháp phối hợp trên biển theo cơ cấu tam vị nhất thể giữa các lực lượng hải giám, quân đội và ngoại giao. Thúc đẩy một cách vững chắc công tác xây dựng ở các bãi, đảo trọng điểm thuộc Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa).

Điểm đặc biệt, theo người đứng đầu ngành hải dương quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tích cực tham gia hoạch định các quy tắc biển quốc tế và thảo luận côngviệc biển quốc tế, nắm bắt chính xác những thay đổi diễn ra trong trật tự biển quốc tế. Tham gia sâu hơn nữa công tác hoạch định và chỉnh lý các công ước, hiệp ước, quy tắc quốc tế trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, khai thác tài nguyên đáy biển, quản lý tài nguyên nghề cá, nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong các hoạt động biển quốc tế.

Điều mà người đứng đầu ngành hải dương – một thể chế dân sự của Trung Quốc không đề cập, nhưng lại đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nội hàm “cường quốc biển”, đó là xây dựng hải quân Trung Quốc hiện đại hóa.

Phạm vi hoạt động của Trung Quốc với tư cách cường quốc biển sẽ bao gồm các biển, đại dương thế giới, do đó cần có năng lực triển khai hải quân toàn cầu và quyết đoán để bảo vệ “lợi ích quốc gia cốt lõi” của Trung Quốc. Theo Trương Văn Mộc (Zhang Wenmu), Giáo sư, Phó Khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, “Nơi nào có mặt lợi ích của Trung Quốc, nơi đó Trung Quốc cần có năng lực bảo vệ các lợi ích đó”.

Hải quân Trung Quốc phải xây dựng thành lực lượng hải dương qua hai giai đoạn: Lực lượng biển gần và lực lượng biển xanh. Hiện tại đang là giai đoạn xây dựng lực lượng biển gần. Năm 2010, hải quân Trung Quốc có 225.000 cán binh, 58 tàu ngầm, trong đó có 6 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, hơn 50 khinh hạm và 27 tàu khu trục. Hải quân Trung Quốc hiện nay được coi là hạm đội hàng đầu châu Á, không kể hạm đội của Mỹ. Trung Quốc đang tích cực thực hiện chương trình xây dựng đội tàu sân bay đầu tiên của họ.

Giai đoạn tiếp theo sẽ đi liền với việc xây dựng các đội tàu sân bay làm lực lượng nòng cốt của hải quân viễn dương hiện đại hóa. Việc đóng mới hai tàu sân bay đang được triển khai từ năm 2013 và 2015, với thời hạn bàn giao dự kiến là các năm 2020 và 2022. Tàu sân bay Liêu Ninh đang đóng vai trò đào tạo cán binh và tích lũy kinh nghiệm hoạt động cho các đội tàu sân bay “sản xuất tại Trung Quốc”.

Nỗ lực của Trung Quốc trở thành cường quốc biển thách thức trật tự thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai vốn dựa trên hai yếu tố: Thư snhaats, quyền lực biển không bị thách thức của Mỹ; thứ hai, sự cân bằng quyền lực ổn định giữa các quốc gia hải dương châu Á. Việc Bắc Kinh cho Hải Nam đưa ra chủ trường từ ngày 1-1-2013 “chặn tàu, khám tàu, trục xuất tàu” trên Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy họ muốn thiết lập “trật tự Biển Đông” của Trung Quốc.

Thế hệ thứ năm lên cầm quyền ở Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước trong chủ trương tích cực tranh chấp, tích cực khai thác các biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc kinh ngày càng tỏ rõ hơn xu hướng dùng xung đột biển đảo từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á làm phương tiện chủ yếu để hướng tình hình căng thẳng xã hội trong nước ra bên ngoài.

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã hai lần “hạ du Nam Hải”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Biển Đông. Lần thứ nhất vào tháng 12-2012, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện chuyến thăm địa phương đầu tiên từ khi nhậm chức tới Thâm Quyến, Hải Nam và Hạm đội Nam Hải. Lần thứ hai vào tháng 4-2013, khi tới Hải Nam dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao, đã thị sát căn cứ hải quân Tam Á và thăm một “đại đội dân binh” Biển Đông, khuyến khích dân binh tăng cường hoạt động “bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Kery Brown, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sidney, Australia, “điều có ý nghĩa là thế giới sẽ thích nghi như thế nào với một Trung Quốc đang phấn đấu trở thành cường quốc biển, tìm cách triển khai quyền lực và ảnh hưởng của họ vượt ra ngoài biên giới theo những cách thức chưa từng có trong lịch sử gần đây”.

Mỹ đã sớm nhận được những tín hiệu cho thấy ý đồ chiến lược hải quân lâu dài của Bắc Kinh khi đầu năm 2008, một đô đốc hải quân Trung Quốc nêu vấn đề cùng Mỹ “chia đôi Thái Bình Dương”. Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã nói về ý tưởng mà đô đốc Trung Quốc nêu ra trong cuộc họp báo của Timothy Keating ngày 18-12-2008, như sau: “Khi chúng tôi (Trung Quốc) xây dựng tàu sân bay, liệu chúng ta có thể đưa ra một thỏa thuận: Hoa Kỳ sẽ ở phía đông của Hawaii, chúng tôi sẽ ở lại phía tây của Hawaii và chúng tôi có thể giúp Mỹ tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc di chuyển tới tất cả các đường ở phía tây Thái Bình Dương. Các bạn sẽ cho chúng tôi biết điều gì đang diễn ra và các bạn đang ở đâu, và chúng tôi sẽ thông tin về những gì đang xảy ra và vị trí của chúng tôi. Tất cả mọi thứ sẽ thật tuyệt”.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới