Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐòi hỏi “vô tiền, khoáng hậu” của Trung Quốc ở Biển Đông...

Đòi hỏi “vô tiền, khoáng hậu” của Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 5)

Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện mục tiêu có hơn 3 triệu km2 biển, bằng cách áp đặt những đòi hỏi phi lý đến ngớ ngẩn và trên Biển Đông.

Xét theo tiêu chuẩn quốc tế không thành văn, diện tích biển dưới 3 triệu km2 thì không thể được coi là nước lớn về biển. Mỹ và Nga đều có ngôi vị siêu cường về biển trên thế giới, cả hai đều ra sức đảm bảo cho mình có được trên 5 triệu km2 lãnh thổ biển khơi. Các nước lớn về biển mang tính khu vực như Nhật Bản, Australia, Anh đều có được trên 4 triệu km2 lãnh thổ biển khơi, trong đó Nhật Bản theo đuổi mục tiêu mở rộng lãnh thổ ngoài khơi lên đến 5 triệu km2 , tranh đấu vào hàng ngũ siêu cường về biển như Mỹ và Nga. Australia cũng đang lặng lẽ mở rộng khu vực kiểm soát của mình trên biển. Từ năm ngoái khi được Ủy ban thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc đồng ý, diện tích mặt biển của nước này đã tăng một lần thêm 2,5 triệu km2 , đã cạnh tranh được tư cách nước lớn về biển với Nhật Bản.

Về phía Trung Quốc, theo số liệu của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đăng tải trên Nhân dân nhật báo, ngày 13-4-2012, Trung Quốc có diện tích vùng biển hơn 3 triệu km2 mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, có khoảng trên 6.900 hòn đảo có diện tích trên 500m2 , tổng diện tích các đảo không có cư dân lên tới hơn 400km2.

Nhưng trên thực tế, với cả bốn biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Biển Đông, Trung Quốc có diện tích hải dương rộng bao nhiêu? Trừ Bột Hải, các vùng biển khác đều chia sẻ với các nước láng giềng.

Diện tích Bột Hải ước tính 78.000-82.000km2, độ sâu tối đa đạt 70 mét. Hoàng Hải có diện tích khoảng 380.000km2, là một biển nhỏ thuộc Thái Bình Dương, nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, ở phía bắc của Đông Hải.

Biển Đông Hải (Hoa Đông) là một phần của Thái Bình Dương, có diện tích 1.249.000km2. Ở Hàn Quốc, vùng biển này đôi khi được gọi là Nam Hải nhưng từ này chỉ dùng để chỉ vùng biển gần bờ ở phía nam Hàn Quốc.

Biển Hoa Đông được bao bọc bởi đảo Kyushu và quần đảo Nansei, phía nam giáp Đài Loan, phía tây là Trung Quốc đại lục. Nó thông với Biển Đông ở phía nam qua eo biển Đài Loan và với biển Nhật Bản qua eo biển Triều Tiên, mở rộng lên phía bắc là biển Hoàng Hải. Biển Hoa Đông vây quanh bởi bốn nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, rộng không quá 400 hải lý. Tại các biển Hoàng Hải và Đông Hải, Trung Quốc cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa DCND Triều Tiên đều có chủ quyền lãnh thổ biển đảo căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và đều có tranh chấp chủ quyền.

Biển Hoa Đông là một trong những khu vực tàng trữ tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới, có thể đảm bảo nhu cầu năng lượng cho các quốc gia ven biển hàng trăm năm. Được biết, các kim loại quý hiếm cần thiết cho việc chế tạo các linh kiện chính xác sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ như côban, mănggan, niken… vẫn còn nằm nguyên vẹn dưới thềm lục địa lớn này. Trong phần diện tích lãnh thổ biển khơi do Nhật Bản quản lý, trữ lượng côban có thể cung cấp đủ để Nhật Bản sử dụng trong 1.300 năm, trữ lượng mănggan có thể sử dụng trong 320 năm, trữ lượng niken có thể sử dụng trong vòng 100 năm. Ở đó còn ẩn giấu một khối lượng lớn khí thiên nhiên, “băng cháy” (hợp chất khí thiên nhiên và nước, có chứa mêtan có thể thay thế dầu mỏ) với khối lượng lớn và tài nguyên hải sản đủ để cho Nhật Bản trong 100 năm. Cùng với Biển Đông, biển Hoa Đông thuộc trọng điểm giành giật của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Diện tích Biển Đông lớn gần bằng 3 lần tổng diện tích của Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải cộng lại.

Diễn đàn An ninh toàn cầu năm 2012 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Mỹ, tổ chức ngày 11-4-2012, đã nêu ra các mối đe dọa đối với an ninh thế giới. Tự do hàng hải trên Biển Đông là một trong các vấn đề được nêu ra và thảo luận tại diễn đàn. Chủ trì phần thảo luận về Biển Đông, ông Earnest Bower, Giám đốc phụ trách Chương trình Đông Nam Á của CSIS, cho rằng vùng Biển Đông là vùng “chiến lược nhất” trong các khu vực biển Đông Á, bao gồm cả vấn đề hàng hải và lãnh thổ. Hiện tại, mặc dù chỉ kiểm soát 13% Biển Đông nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình đối với khoảng 80% diện tích vùng biển này.

Trung Quốc dựa vào đâu để đưa ra một đòi hỏi phi lý như vậy? Đòi hỏi của họ về “đường 9 đoạn” đã hầu như bị các chuyên gia luật quốc tế bác bỏ. Brice M.Claget, luật sư thuộc Văn phòng luật sư Covington & Burling Washington D.C, viết: “Trong luật quốc tế hiện đại, không có một trường hợp nào có một quốc gia đưa ra yêu sách – lại càng không có một quốc gia nào có yêu sách tương tự, mà lại được các quốc gia khác hay cộng đồng quốc tế cho phép hay thừa nhận – để mở rộng vùng biển (và/hoặc đáy biển của họ) trên cơ sở cái được cho là danh nghĩa “lịch sử”.

Thực tế, bất kỳ một yêu sách nào của Trung Quốc về danh nghĩa “lịch sử” đối với Biển Đông sẽ là một sai lầm lịch sử: một sự kéo lùi trở lại nhiều thế kỷ đã qua khi một số cường quốc biển, và nước Anh nói riêng, đã yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ các biển”.

(còn tiếp)

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: Yêu sách chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông và phi pháp và vô giá trị

RELATED ARTICLES

Tin mới