Trung Quốc nhắm vào các nước đang gặp khó khăn và bị phương Tây từ chối để lao vào giúp đỡ.
Trung Quốc đang thể hiện mình là “cứu tinh” của không ít quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế. Điển hình là trường hợp của Venezuela, Argentina và Nga.
Kể từ năm 2007 đến nay, các ngân hàng Trung Quốc đã cho Venuezuela vay tới 50 tỷ USD dù khả năng trả được nợ của quốc gia Nam Mỹ này đang bị hoài nghi.
Argentina là quốc gia nhận các khoản cho vay của Trung Quốc nhiều thứ hai Nam Mỹ. Argentian cũng đang trải qua khó khăn do giá cả hàng hóa giảm xuống và muốn nhờ tới tín dụng của Trung Quốc để ngăn dự trữ tiền tệ của mình không “co lại” thêm nữa.
Tiếp theo trong danh sách phải kể tới Nga khi các ngân hàng Trung Quốc đã cho các công ty dầu mỏ của Nga vay hơn 30 tỷ USD.
Tiền mặt từ Trung Quốc được coi là liều thuốc hỗ trợ quan trọng cho một nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn.
Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận trao đổi tiền tệ có trị giá khoảng 500 tỷ USD với gần 30 quốc gia từ Canada tới Pakistan.
Trung Quốc cũng đang thiết lập các ngân hàng phát triển nhằm mục đích thách thức sự thống trị của WB và IMF.
Các hành động của Trung Quốc một phần bắt nguồn từ sự thất vọng về việc nước này và các quốc gia đang phát triển khác vẫn có rất ít tiếng nói trong hoạt động của các định chế tài chính toàn cầu vốn do Mỹ chi phối.
Một thỏa thuận đạt được vào năm 2010 nhằm tăng cường quyền bỏ phiếu của các thị trường mới nổi vẫn sẽ giữ cho Mỹ quyền bỏ phiếu phủ quyết đối với các quyết định lớn, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn không phê chuẩn thỏa thuận này.
Với một gã nhà giàu mới nổi như Trung Quốc, đây là điều khó có thể chấp nhận.
Trung Quốc thể hiện sự giàu có của mình bằng cách sáng lập ra AIIB |
Để giải tỏa sự phiền muộn của mình, tháng 7/2014, Trung Quốc đã hợp tác với Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi để thành lập Ngân hàng Phát triển mới, một phiên bản của Ngân hàng Thế giới với số vốn là 50 tỷ USD.
Nhóm 5 nước này còn lên kế hoạch đóng góp 100 tỷ USD trong quỹ dự phòng để bất cứ nước nào trong nhóm có thể sử dụng trong trường hợp khủng hoảng.
Vào tháng 10/2014, Trung Quốc dẫn dắt việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản chi phối.
Tới tháng 11/2014, Trung Quốc tuyên bố thành lập Quỹ Con đường tơ lụa có trị giá 40 tỷ USD, do một ngân hàng phát triển khác được Trung Quốc hỗ trợ điều hành.
Các khoản cho vay hàng chục tỷ USD cùng các quỹ và các ngân hàng đầy hứa hẹn do Trung Quốc khởi xướng bị giới phân tích phương Tây gọi là “các cọng rơm hơn là phao cứu sinh” cho các quốc gia đang khao khát khả năng thanh khoản.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng chỉ là kẻ đến sau cùng mang tính vụ lợi bởi họ cũng muốn kiếm lợi từ các khoản đầu tư của mình ở Venezuela, Argentina hay Nga.
Ngoài ra, sự hào phóng của Trung Quốc còn năm trong kế hoạch quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Việc cung cấp các khoản cho vay trong thời kỳ khó khăn là cách tốt để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giành được ảnh hưởng toàn cầu.
Ví dụ điển hình là vai trò của Ngân hàng Anh như là bên cho vay cuối cùng trong tình thế hoảng loạn khi ngân hàng Overend Gurney phá sản năm 1866 đã giúp thiết lập đồng bảng Anh trở thành đồng tiền quốc tế.
Tương tự, các trao đổi của Fed với các ngân hàng nước ngoài sau cuộc khủng hoảng tài chính đã củng cố đồng USD của Mỹ.
Công nhân người Trung Quốc ở châu Phi |
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong cách cho vay của Trung Quốc khi họ chỉ nhắm tới các quốc gia bị các bên cho vay của phương Tây phớt lờ, cho dù là vì lý do chính trị (Nga) hay kinh tế (Argentina).
Các khoản cho vay của Trung Quốc tuy không kèm các kiểu điều kiện như IMF áp đặt về tài khóa, nhưng lại yêu cầu bên đi vay trao hợp đồng cho các công ty xây dựng của mình.
Trước các rủi ro mất vốn, Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn khi cho vay. Một số liệu đáng chú ý là tăng trưởng cho vay nước ngoài của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đã chậm lại từ mức gần 50%/năm (2009-2011) xuống còn hơn 10% năm 2013.
Ngân hàng này thận trọng hơn đối với Venezuela, ràng buộc việc cấp vốn với các dự án nhất định (điển hình là việc lấy dầu trừ nợ).
Cách hành xử của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này thực sự không thiếu tiền mặt. Họ sẵn sàng lao vào đầu tư để kiếm lợi (cả về kinh tế lẫn chính trị) trên những “con bệnh” được họ gọi là “anh em”. Nhưng khi nhận thấy rủi ro quá lớn, họ sẽ buộc chặt túi tiền và ra giá “cắt cổ” hơn.