Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngTQ: Trên bảo dưới không nghe

TQ: Trên bảo dưới không nghe

Tạp chí The Diplomat dẫn lại một bài phân tích của học giả Dương Hằng Quân, trong đó liệt kê 3 chỉ thị do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra nhưng nay vẫn chưa được thực thi.

Theo học giả Dương Hằng Quân, kể từ khi lên nhậm chức, rất nhiều đường lối do ông Tập đặt ra đã được các bộ ngành Trung Quốc áp dụng và gặt hái được những thành quả nhất định.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số những chính sách mới chỉ xuất hiện trên giấy tờ mà chưa được áp dụng một cách triệt để, hay nói đúng hơn là chưa được đưa vào thực tế đúng với những gì Chủ tịch Trung Quốc mong muốn.

Trong số đó, có 3 chỉ thị mà học giả Dương đặc biệt quan tâm, và ông đã giành 6 tháng vừa qua để nghiên cứu phân tích.

1. Cải cách nhân sự

Theo ông Dương, cải cách nhân sự là vấn đề quan trọng cũng như khó giải quyết nhất. Thống kê cho thấy, đã có hơn 100.000 quan chức không trong sạch bị bắt, trong đó nổi bật là những con “hổ lớn” bị tóm gọn kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức.

Mỗi con “hổ lớn” sa lưới lại kéo theo một hệ thống các quan chức liên quan khác vào vòng lao lý, khiến số lượng quan tham phải rời ghế liên tục gia tăng theo cấp số nhân.

Hệ quả là sau 2 năm kể từ khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” được phát động, rất nhiều vị trí trong chính phủ Trung Quốc đã bị bỏ trống. Ngoài ra, nỗi lo bị “sờ gáy” khiến không ít quan chức ở mọi cấp độ lo sợ và muốn từ chức để tránh hậu họa.

Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, 2 trong số những con hổ lớn đã sa lưới.
Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, 2 trong số những con “hổ lớn” đã sa lưới.

Trước tình cảnh này, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của việc thay máu nhân sự. Ông Tập đã nhấn mạnh việc cần bổ nhiệm những cá nhân có thực tài vào các vị trí phù hợp bằng việc áp dụng một cách đa dạng các biện pháp đánh giá năng lực.

Tuy nhiên, đường lối này của Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa thể được áp dụng triệt để, vì giới cầm quyền nước này nhìn chung vẫn bổ nhiệm cất nhắc nhân sự khá cứng nhắc, theo từng cấp bậc, do đó cần rất nhiều thời gian để một cá nhân có tài có thể “nhảy cóc” lên các vị trí cấp cao.

Đó là chưa kể nạn mua quan bán chức vẫn còn hiện hữu. Tiền và các mối quan hệ xã hội vẫn có sức nặng tương đương, và trong không ít các trường hợp, còn hơn cả trình độ nhân sự.

Tóm lại, theo học giả Dương, dù đã có những cá nhân nhất định vượt qua được rào cản để đến được với các vị trí cấp cao bằng thực lực của mình, nhìn chung hệ thống nhân sự Trung Quốc vẫn phải trải qua một cuộc cải cách rộng khắp để đạt được như tầm nhìn ông Tập đã đề ra.

2. Viện nghiên cứu chiến lược

Đường lối thứ hai mà Tập Cận Bình chú trọng có liên quan tới phương thức hoạt động của các viện nghiên cứu chiến lược Trung Quốc.

Theo cảm nhận cá nhân của học giả Dương, trên tư cách một chuyên gia đã có nhiều năm làm việc tại các viện nghiên cứu, những viện này chỉ hoạt động trên danh nghĩa và không có giá trị thực tiễn.

Do đó, sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã đề xuất thiết lập một hệ thống “viện nghiên cứu kiểu mới” – những cơ quan nắm trọng trách cố vấn, đề xuất, và có quyền “nói thẳng nói thật” với tầng lớp lãnh đạo, tất cả vì sự phát triển của Trung Quốc.

Ông Dương đánh giá, cách làm này khác hoàn toàn so với những viện nghiên cứu kiểu cũ, những cơ quan chỉ biết xu nịnh giới cầm quyền và đưa ra những cách thức làm yên lòng dân, thay vì cố vấn và đề xuất những bước đi thực tiễn.

Sau khi ông Tập đặt vấn đề về những viện nghiên cứu kiểu mới, các bộ ngành Trung Quốc ở mọi cấp độ đã rất hứng thú với đề xuất này và nhanh chóng “tuân lệnh”.

Nhưng bất cập ở chỗ, rất nhiều các viện nghiên cứu kiểu cũ chỉ đổ thêm tiền nhằm phục vụ “xây dựng viện nghiên cứu kiểu mới”, nhưng lại tiếp tục sử dụng những gương mặt cũ, với những lối suy nghĩ cũ. Do đó về mặt bản chất, không hề có sự thay đổi nào.

Giới cầm quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục trọng dụng những viện nghiên cứu này, và đương nhiên, không có đổi mới gì về đường lối chính sách. Và hệ thống viện nghiên cứu kiểu mới mà ông Tập muốn thiết lập vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

3. Hợp tác với các tiếng nói trên mạng

Một đường lối cũng không kém phần quan trọng khác mà Tập Cận Bình đề cao có liên quan đến các tiếng nói trên mạng xã hội Trung Quốc, những cá nhân và tổ chức tuy không có chức quyền nhưng có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong suy nghĩ của người dân.

Thay vì thái độ thù địch, ông Tập khuyên chính quyền địa phương nên tìm cách hợp tác với các nhân vật này. Nói cách khác, “chính quyền địa phương không nên để người dân bị kích động làm liên lụy tới chính phủ trung ương chỉ vì số phận của một ngôi nhà“.

Mạng xã hội Weibo - nơi tập trung tiếng nói của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Mạng xã hội Weibo – nơi tập trung tiếng nói của cộng đồng mạng Trung Quốc.

Hiện nay, theo ông Dương, nhiều bộ ngành Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh việc hợp tác với các cá nhân và tổ chức này để chia sẻ quan điểm và tránh kích động.

Tuy nhiên, thay vì tập hợp những gương mặt chưa cùng chung tiếng nói với chính phủ để đối thoại nhằm tháo gỡ khác biệt, họ lại đi mời những cá nhân tổ chức một mực “vâng lệnh” Bắc Kinh.

Học giả Dương chia sẻ ông thậm chí đã “suýt ngất” khi nhìn thấy danh sách những tiếng nói trên mạng mà chính phủ Bắc Kinh dự định sẽ mời về hợp tác.

Những người này suy nghĩ giống chính phủ còn hơn cả … chính phủ! Đâu cần phải tập hợp họ lại làm gì…” – ông Dương cảm thán.

Điều này khiến đường lối của Tập Cận Bình phản tác dụng, vì mục tiêu của ông là tìm kiếm những tiếng nói khác biệt có thể đem lại cho chính phủ những nhận xét thẳng thắn và khách quan, thay vì chỉ “nói những gì cấp trên muốn nghe”.

Nói tóm lại, theo học giả Dương, mạnh dạn cho người tài vượt cấp, trông cậy vào các viện nghiên cứu kiểu mới, và hội tụ tất cả các tiếng nói của đất nước về một mối sẽ là 3 đường lối tối quan trọng trong tiến trình cải cách theo tầm nhìn của Tập Cận Bình.

Nhưng hiện nay ở Trung Quốc, vì nhiều lý do, cấp dưới vẫn chưa “theo” được lãnh đạo của mình trong 3 đường lối này.

RELATED ARTICLES

Tin mới