Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngChiến thuật “biển người” không bao giờ làm nên chủ quyền ở...

Chiến thuật “biển người” không bao giờ làm nên chủ quyền ở Biển Đông

Trên trang mạng của Cục Hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 31/7 đăng tải thông báo số 0168 – năm 2015 với nội dung: Kể từ 12h00 ngày 01/8 lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.



Tân Hoa Xã Trung Quốc ngày 31/7 cũng đưa tin, tất cả tàu cá đánh bắt ở Biển Đông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra khơi, chỉ tính riêng tỉnh Hải Nam – tỉnh cực Nam của Trung Quốc giáp Biển Đông đã có tới 9.000 tàu đánh bắt xa bờ chờ “tiếng còi” kết thúc lệnh cấm để ồ ạt ra khơi trưa ngày 1/8.

Từ trước tới nay, quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn thường sử dụng chiến thuật “biển người” để đạt được mục tiêu của mình. Việc sử dụng hàng vạn tàu cá tràn xuống để khẳng định chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông hiện nay cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng, cách làm đó chỉ càng làm cho thế giới thấy rõ sự tham lam của người Trung Quốc, cũng như chẳng ai tin vào “trách nhiệm nước lớn” hay sự “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc lâu nay vẫn rao giảng.

Từ lệnh cấm đánh bắt cá phi lý

Lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông được Trung Quốc đơn phương áp đặt, có hiệu lực kể từ 12h ngày 16/5, giới hạn thực hiện cấm đánh bắt trên Biển Đông được tính từ khu vực biển có vĩ tuyến 12 độ Bắc đến “giới tuyến giáp khu vực biển Mân Việt” (kéo dài từ Quảng Tây đến Phúc Kiến, bao gồm cả khu vực biển Vịnh Bắc Bộ). 16 năm qua, năm nào cũng vậy, vào độ trung tuần tháng 5, Trung Quốc đều đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Lệnh cấm này áp dụng đối với ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước đang có ngư trường ở khu vực Biển Đông. Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên Biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu, tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu. Lý do mà họ đưa ra cho lệnh cấm là để đảm bảo lâu dài nguồn hải sản vì đây là thời kỳ sinh sản của các loài cá. Một lý do “cực kỳ tốt đẹp” tưởng chừng khiến thế giới, nhất là các tổ chức môi trường sẽ phải bày tỏ sự cảm ơn tinh thần bảo vệ môi sinh của người Trung Quốc.

Thế nhưng lý do này hoàn toànbị lật tẩy khi người ta biết được âm mưu cũng như hành động thực tế mà Trung Quốc đang làm trên Biển Đông.

Ban hành lệnh cấmđánh bắt cá đối với một vùng biển rộng lớn và những hành động bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc diễn ra gần đây đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, mà một trong những lý do quan trọng là các hoạt động này đã phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái biển, phá hủy các rạn san hô, các cấu trúc tự nhiên và đời sống của các loài thủy hải sản… trên Biển Đông, đã xâm phạm những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước khác được hưởng theo đúng quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Đến tham vọng độc chiếm Biển Đông

Hãng Reuters ngày 28/7 đưa tin cho hay, hiện nay các loại tàu đánh bắt cá của Trung Quốc hoạt động tại khu vực Biển Đông đều được chính quyền trang bị cho một số loại thiết bị công nghệ cao, như các máy thu vô tuyến điện hiện đại, thiết bị thăm dò luồng cá và đặc biệt là hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu. Khi ngư dân của họ đánh bắt tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nếu như gặp phải thời tiết xấu hoặc chạm trán với tàu tuần tra của các nước láng giềng, như Việt Nam hay Philippines, lập tức tàu cá của Trung Quốc có thể liên lạc trực tiếp với lực lượng Hải cảnh của nước này bằng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu. Tính đến cuối năm 2013, đã có hơn 50.000 tàu cá Trung Quốc được lắp đặt hệ thống dẫn đường do họ tự nghiên cứu chế tạo. Tại Hải Nam, các tàu cá của Trung Quốc chỉ phải chi trả không đến 10% cước phí dịch vụ vệ tinh, hơn 90% còn lại được nhà nước hỗ trợ. Điều đó cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho ngư dân nhằm sử dụng lực lượng này làm đội quân tiên phong khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.

Nhiều tin tức gần đây còn cho biết, Trung Quốc đang đóng một hạm đội tàu cá riêng trên Biển Đông cho lực lượng dân quân biển của nước này. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là một trong những cơ quan “đóng thế vai trò” trong cuộc thực thi sức mạnh biển. Lực lượng này thường sử dụng tàu cá dân sự cho hàng loạt nhiệm vụ, từ giải cứu tàu mắc cạn tới tiến hành các cuộc đổ bộ lên các đảo. Khi sử dụng các lực lượng này, Trung Quốc tránh được tiếng là sử dụng quân đội cho các tranh chấp trên biển nhưng thực chất các tàu cá này chính là các “tàu quân sự” đội lốt dân sự, thực hiện âm mưu khẳng định chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc đã triển khai biên đội “Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” hay còn gọi là “Hạm đội hỗn hợp ngư nghiệp đặc biệt”. Nòng cốt của nó là 07 tàu cỡ lớn (01 tàu chế biến tổng hợp 3,2 vạn tấn; 01 tàu tiếp dầu 2 vạn tấn; 02 tàu vận tải đông lạnh 1 vạn tấn và 03 tàu bảo đảm tổng hợp 3.000 – 5.000 tấn (tất cả các tàu này đều được đặt tên chung là Hải Nam Bảo Sa), lực lượng máy bay trực thăng và 300 – 500 tàu cá loại trên 100 tấn. Với sự hỗ trợ của biên đội này, hàng trăm tàu cá Trung Quốc sẽ có thời gian bám biển tới 9 tháng nhằm ngăn chặn tàu cá, thậm chí là tàu chấp pháp các nước để độc chiếm ngư trường, tuyên bố chủ quyền trên biển. Có thể nói đây là một chiêu bài rất thâm hiểm, và chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hơn nữa nhằm hiện thực hóa chính sách này trong những năm tới đây.

Chiến thuật “biển người” không bao giờ làm nên chủ quyền

Với tham vọng của mình, Trung Quốc vạch ra “đường lưỡi bò” nuốt trọn 80% diện tích Biển Đông, coi đó là vùng biển thuộc “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc. Thế nhưng, chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý, không rõ ràng, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào của Trung Quốc đã bị cả thế giới phản đối.

Rồi đây, trong một thế giới ngày càng minh bạch, các vấn đề tranh chấp nếu không thể giải quyết bằng con đường đàm phán song phương chắc chắn sẽ phải dựa vào luật pháp quốc tế để điều chỉnh. Ở đó, luật pháp quốc tế sẽ có tiếng nói của mình. Phải chăng, chính vì đuối lý, vì sợ ánh sáng của luật pháp quốc tế mà Trung Quốc khăng khăng không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines?

Chiến thuật “biển người” của Trung Quốc, việc Trung Quốc xua hàng vạn tàu cá xuống Biển Đông, vì thế sẽ không bao giờ làm nên chủ quyền của nước này trên Biển Đông./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới