Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Mục tiêu của Trung Quốc bất di bất dịch đó là phải độc chiếm Biển Đông. Và điều đó đã được thể hiện bằng những chính sách, việc làm, âm mưu mang nặng chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, kèm vào đó là cách hành xử bất chấp Luật pháp quốc tế, thậm chí mang tính côn đồ, lưu manh.Trong tình hình này, Mỹ đã có những chính sách như thế nào? Biendong.net xin trích đăng bản nghiên cứu về chính sách của Mỹ ở Biển Đông của Michael McDevit.
Chính sách đã được công bố rộng rãi của Mỹ
Liên quan tới Biển Đông, các chính sách của Mỹ đều đã được công khai và tuyên bố rõ ràng; các quan chức cấp cao của Mỹ phát biểu nhiều lần về vấn đề này. Một số phát ngôn của Ngoại trưởng Kerry và Cựu Ngoại trưởng Clinton đã đặt ra khung chính sách cơ bản của Mỹ. Dưới đây là một phát ngôn tiêu biểu của Ngoại trưởng Kerry:
Với tư cách là một quốc gia ở Thái Bình Dương và một cường quốc, Mỹ luôn quan tâm đến việc giữ gìn hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mai hợp pháp và không bị cản trở và tự do hàng hải ở Biển Đông. Như chúng tôi đã khẳng định nhiều lần trước đây, tuy chúng tôi không đưa ra quan điểm về yêu sách đòi chủ quyền đối với các địa vật của các bên tranh chấp nhưng chúng tôi rất quan tâm đến cách thức giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và cách hành xử của các bên. Chúng tôi rất hy vọng sớm thấy được bước tiến trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử để giúp đảm bảo tình hình ổn định ở khu vực này.
Không bên tranh chấp nào, bao gồm cả Trung Quốc, đều không rõ về chính sách của Mỹ vì đây là chủ đề chính trong các phát biểu của Mỹ bất cứ khi nào các quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm khu vực Đông Á. Mỹ cũng đã trực tiếp nêu rõ chính sách của mình về Biển Đông với Trung Quốc nhiều lần. Cụ thể vào tháng 9 năm 2013, khi Ngoại trưởng Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hội đàm ở thành phố New York:
Cả hai vị đều nhấn mạnh rằng Biển Đông là chủ đề thảo luận của các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Brunei. Hai vị đều thấy những dấu hiệu tiến triển trong kết quả của các hội đàm giữa Trung Quốc và ASEAN cách đó vài tuần. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng điều quan trọng là tất cả các bên tranh chấp giải thích rõ yêu sách chủ quyền của mình thống nhất với luật pháp quốc tế và tái khẳng định quan điểm của Mỹ rằng việc hành xử ở các khu vực tranh chấp cần được tiến hành cẩn trọng và không có sự hăm dọa; và Mỹ ủng hộ việc dùng các biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết các bất đồng này; và khẳng định lại các nguyên tắc mà Mỹ đưa ra từ lâu và đang bị đe dọa ở Biển Đông.
Ngày 5/2/2014, Trợ lý Ngoại trưởng Russel đưa ra một phát ngôn rất cụ thể của chính quyền Mỹ về Biển Đông và đây là một trong các phát ngôn toàn diện nhất cho đến nay về vấn đề này. Vì đây là một bài phát biểu rất chi tiết và thẳng thắn nên chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn một số phần như sau:
Về việc Mỹ mong muốn về một Bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) để tránh căng thẳng, leo thang, ông Russel nói:
“Ở Biển Đông, chúng tôi tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử. Thời hạn có được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử đã đến lâu rồi và các bên nên đẩy nhanh quá trình đàm phán. Đây là điều mà Trung Quốc và ASEAN đã cam kết từ năm 2002 khi hai bên thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông. Một Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả sẽ tạo ra một khung làm việc trên cơ sở các nguyên tắc để quản lý và điều chỉnh cách ứng xử của các quốc gia liên quan ở Biển Đông. Một phần chính trong khung làm việc đó mà chúng tôi và các bên quan tâm khác tin là cần được nhanh chóng thông qua, là việc đưa ra các cơ chế như là đường dây nóng và quy trình xử lý với các tình huống khẩn cấp để tránh các sự kiện xảy ra ở các khu vực nhạy cảm và kiểm soát các sự kiện này khi chúng nổ ra sao cho tránh để các tranh chấp leo thang”.
Về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế (tức Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ), Russel nói:
“Luật pháp quốc tế tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để từ đó các quốc gia có thể đòi các quyền của mình trên một vùng biển hoặc khai thác các tài nguyên biển. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ rằng các yêu sách về chủ quyền trên biển đều phải bắt nguồn từ các địa vật và nếu không thì phải tuân theo luật pháp quốc tế về biển. Do đó, tuy chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp, chúng tôi tin tưởng rằng các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông mà không bắt nguồn từ các địa vật thì về cơ bản là sai”.
Đoạn phát biểu trên đã gián tiếp đề cập đến “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Tiếp đó, Russel đề cập trực tiếp hơn và trở thành quan chức chính phủ Mỹ đầu tiên đưa ra quan điểm chính thức của Mỹ về “đường chín đoạn”. Ông nói:
“Có một lo ngại ngày càng gia tăng (rằng)… Trung Quốc (đang nỗ lực) kiểm soát vùng biển nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và bất chấp việc Trung Quốc không đưa ra giải thích hay căn cứ cụ thể theo luật pháp quốc tế về phạm vi của yêu sách chủ quyền này. Việc Trung Quốc không rõ ràng trong yêu sách của họ về Biển Đông đã tạo ra tình trạng bất an và bất ổn trong khu vực. Điều này làm hạn chế khả năng đạt được một giải pháp đồng thuận hoặc một dàn xếp cùng phát triển giữa các bên tranh chấp. Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng theo luật pháp quốc tế, các yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông cần phải xuất phát từ các địa vật. Việc Trung Quốc sử dụng cái gọi là “đường chín đoạn” để đòi hỏi các quyền trên biển mà không dựa vào các địa vật là trái với luật pháp quốc tế.
Tầm quan trọng của những lời phát biểu của Russel ở chỗ nó thể hiện một cuộc cách mạng trong chính sách của Mỹ, từ kêu gọi tất cả các bên tuân theo luật pháp quốc tế, tới các phát ngôn cụ thể hơn về các yêu sách chủ quyền trên biển mà không tuân thủ theo Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ. Cách tiếp cận “theo pháp luật” một cách trực tiếp hơn như vậy tất nhiên là mang tính bảo đảm và đã được cả Việt Nam và Philippines khuyến khích. Quan điểm này khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ hơi lúng túng: Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, vì vậy một số bên đã tỏ ra hoài nghi sự tín nhiệm của Washington khi mà họ đi phê phán các bên không tuân theo Công ước này.
Điều này là vô lý; vì Washington không chỉ giữ vai trò lớn trong soạn thảo Công ước đó mà còn tuân thủ theo các quy định của Công ước này từ năm 1982 theo lệnh của Tổng thống Reagan và cũng tuyên bố rằng phần lớn nội dung Công ước thể hiện luật pháp quốc tế. Tuy thật không may là Washington chưa thông qua Công ước này – trong tương lai gần chắc Công ước này cũng khó được thông qua vì sự chia rẽ đảng phái tại Thượng Viện Mỹ – điều này không cản trở Chính phủ thẳng thắn nói về các bên tranh chấp ở Biển Đông không tuân thủ Công ước này. Như ông Russel đã nói: “… tất cả các bên tranh chấp – không chỉ có Trung Quốc – cần giải thích được về các yêu sách chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm luật về biển.
Ngày 22/01/2013, Philippines đã chính thức thông báo cho Trung Quốc rằng quốc gia này đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và có khả năng sẽ tiếp tục giữ thái độ như vậy nhưng đây không phải là sự kháng biện đối với quá trình trọng tài. Hiện nay điều chưa chắc chắn về hành động này của Philippines là liệu hội đồng trọng tài có kết luận là hội đồng này có đủ thẩm quyền để nhận yêu cầu trọng tài của Philippines hay không. Trong chính sách của mình, Mỹ đã ủng hộ vụ kiện Trung Quốc của Philippines trước khi hội đồng trọng tài đăng ký với Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), vì hành động này của Philippines, dù còn gây tranh cãi ở ASEAN, rất hợp với mong muốn của Mỹ rằng các tranh chấp cần được giải quyết trong hòa bình thông qua tòa án quốc tế. Đây là bước phát triển lớn trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề quyền trên biển không trực tiếp liên quan tới chủ quyền trong hòa bình. (Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ không giải quyết vấn đề chủ quyền).
Cuối cùng, cũng cần chỉ ra rằng chính sách của Mỹ không dừng lại ở những lời kêu gọi hay những mỹ từ mà còn bao gồm việc hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh hiệp ước như Philippines và các đối tác chiến lược như Singapore để tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các căn cứ gần với Biển Đông. Bên cạnh đó, chính sách của Mỹ cũng bao gồm hỗ trợ các quốc gia ven biển ở Biển Đông nhất là Philippines và Việt Nam, tăng cường năng lực cho các quốc gia này để họ tự bảo vệ lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ, bằng việc cung cấp quân trang hải quân cho Philippines và tàu tuần tra nhanh cho Việt Nam và Philippines. Việc hỗ trợ phát triển năng lực này đã được Ngoại trưởng Kerry tuyên bố tại Hà Nội, Việt Nam hồi tháng 12 năm 2013:
Không khu vực nào có thể an toàn nếu không thực hiện luật pháp một cách hiệu quả trên lãnh hải. Bởi vậy, hôm nay tôi cũng hân hạnh được công bố khoản hỗ trợ trị giá 32,5 triệu USD cho công tác thực hiện pháp luật trên biển ở các quốc gia Đông Nam Á. Khoản hỗ trợ này bao gồm, bên cạnh các hoạt động khác, huấn luyện và các tàu tuần tra nhanh cho lực lượng cảnh sát biển. Dựa trên các nỗ lực hiện tại như sáng kiến Vịnh Thái Lan, khoản hỗ trợ này sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực hơn nữa trong các vấn đề biển và sau cùng là tăng cường khả năng cho các quốc gia Đông Nam Á… để họ có thể tự bảo vệ và giám sát vùng biển của mình hiệu quả hơn.
Đặc biệt, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi và các quốc gia trong khu vực. Chúng tôi rất lo ngại và phản đối mạnh mẽ việc sử dụng chiến thuật công kích và ép buộc để phục vụ các yêu sách về lãnh thổ. Các bên tranh chấp có trách nhiệm giải thích rõ yêu sách của mình và đưa ra các yêu sách theo luật pháp quốc tế và theo đuổi các yêu sách một cách hòa bình. Những quốc gia có thể tìm đến cơ quan trọng tài và các hình thức tài phán khác để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc nhanh chóng có được một bộ quy tắc ứng xử.
Sau khi dừng chân ở Việt Nam, Ngoại trưởng Kerry đến thăm Philippines. Tại đây, ông Kerry đã trực tiếp thể hiện sự liên hệ giữa an ninh của Philippines, Biển Đông và hỗ trợ an ninh của Mỹ. Ông Kerry cũng gián tiếp ủng hộ chính quyền Philippines trong vụ kiện của họ với Trung Quốc.
Mỹ cam kết hợp tác với Philippines để giải quyết các thách thức an ninh cấp bách nhất của quốc gia này. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đàm phán một khung làm việc mạnh mẽ và lâu dài [sau đó đã được ký kết nhưng giờ đây phụ thuộc vào lệnh của tòa án Philippines] mà sẽ tăng cường phòng thủ trong liên minh giữa hai quốc gia, thông qua tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines. Và đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi cam kết khoản tiền trị giá 40 triệu USD cho sáng kiến mới để tăng cường an ninh trên biển và nhận thức vùng biển của Philippines.
Đó cũng là lý do chúng tôi ủng hộ các nỗ lực làm giảm căng thẳng xung quanh các tranh chấp lãnh thổ và trên biển ở Biển Đông theo cách chính – thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc tìm ra một bộ quy tắc ứng xử và xem đây là chìa khóa để giảm rủi ro tai nạn hay tính toán nhầm. Trong quá trình này, chúng tôi cho rằng các bên yêu sách có trách nhiệm làm rõ yêu sách của mình và đưa ra các yêu sách theo luật pháp quốc tế. Đó là cách đạt được bước tiến trong giải quyết bất cứ tranh chấp nào ở Biển Đông – một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Thứ hai, chúng tôi ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được quốc tế công nhận như các cơ chế được nêu trong Công ước Luật Biển. Mỹ phản đối mạnh mẽ việc hăm dọa, ép buộc hay công kích để phục vụ yêu sách về lãnh thổ.
Và tôi xin đảm bảo với Ngài Bộ trưởng rằng Mỹ luôn cam kết ủng hộ an ninh của Philippines và khu vực.
Tóm lại, quan điểm chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã được thể hiện rõ ràng với những nội dung chính sau:
- Tất cả các bên tranh chấp không nên sử dụng vũ lực hoặc hành động ép buộc để giải quyết các tranh chấp chủ quyền hoặc thay đổi tình trạng của các địa vật ở Biển Đông còn đang tranh cãi.
- Mỹ ủng hộ tự do hàng hải, bao gồm tự do hàng hải theo pháp luật không bị cản trở vì mục đích thương mại, cá nhân và các tàu và máy bay quân sự; và kêu gọi các quốc gia ven biển tôn trọng quy định trong Công ước Luật Biển của LQH rằng “quyền tự do biển cả” có áp dụng cho các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
- Mọi quyền trên biển ở Biển Đông đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và phải bắt nguồn từ địa vật ở Biển Đông. Cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc không đáp ứng tiêu chí này. Tóm lại, chỉ có đất liền (các hòn đảo và bãi đá) tạo ra vùng biển chứ không có điều ngược lại.
- Chính quyền Mỹ không thể hiện quan điểm về giá trị pháp lý của các yêu sách cạnh tranh lãnh thổ. Mỹ không ủng hộ bên nào và cũng không đánh giá yêu sách của bên nào cao hơn yêu sách của bên nào.
- Vì các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chưa chắc có thể được giải quyết trong tương lai gần nên cần có một Bộ quy tắc ứng xử quy định một khung làm việc trên cơ sở nguyên tắc để giám sát và điều chỉnh cách hành xử của các quốc gia liên quan ở Biển Đông. Một nội dung quan trọng mà Bộ quy tắc đó cần có là các đường dây nóng và quy trình hành động trong các tình huống khẩn cấp để tránh các sự kiện xảy ra ở các khu vực nhạy cảm và kiểm soát các sự kiện này khi chúng xảy ra sao cho tránh tranh chấp leo thang.
- Mỹ ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp được quốc tế công nhận, bao gồm các cơ chế trong Công ước Luật Biển của LHQ.
- Mỹ sẽ cải thiện các mối quan hệ an ninh với các quốc gia ven biển nhỏ ở Biển Đông và khi được yêu cầu, sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực của các quốc gia đồng minh của Mỹ hoặc các quốc gia là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” của Mỹ trong việc bảo vệ và giám sát lãnh hải và cùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia đó.
- Mỹ sẽ tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các quốc gia gần Biển Đông.
(Còn tiếp)