Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhó khăn bủa vây ông Tập Cận Bình

Khó khăn bủa vây ông Tập Cận Bình

Năm 2015 chứng kiến chính quyền của ông Tập Cận Bình liên tiếp phải đối diện với hàng loạt “thảm họa” và vấp phải không ít chỉ trích từ người dân Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình

Kể từ tháng 6-2015, Trung Quốc (TQ) liên tiếp xảy ra hàng loạt sự kiện thu hút sự chú ý của cả thế giới. Trong đó phải nhắc đến các thảm họa trong ngành công nghiệp hóa chất và sự đổ vỡ của các sàn chứng khoán. 

Nhìn nhận một cách khách quan và có hệ thống, các vụ “bê bối” vừa qua không phải là hệ lụy mang tính tức thời, mà là hậu quả của cả một quá trình phát triển thiếu cân bằng và không bền vững của TQ suốt những thập niên gần đây. Những sự kiện từ đầu năm 2015 đến nay khiến nhiều người đặt ra giả thuyết những nỗ lực cải cách của ông Tập Cận Bình đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì “bóng đen” lịch sử của nước này.

Từ đổ máu Thượng Hải đến “chấn động” Thiên Tân

Bắc Kinh đón giao thừa 2015 trong không khí căng thẳng và đau thương của máu và nước mắt vì vụ giẫm đạp kinh hoàng tại bến Thượng Hải ngay trước khi tiếng chuông giao thừa vang lên đêm 31-12-2014.

Thảm họa này khiến ít nhất 36 người thiệt mạng và trên dưới 50 người phải nhập viện điều trị. Các điều tra do đích thân ông Tập Cận Bình“lệnh” cho thấy sự kém cỏi, chủ quan về mặt quản lý và xử lý tình huống của các nhà chức trách. “Mệt mỏi” hơn cho uy tín của ông Tập chính là việc một số quan chức ở Thượng Hải bị cáo buộc tham dự một bữa tiệc xa hoa bên bờ sông, ngay trước vụ giẫm đạp, trong khi số tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân càng khiến dư luận bức xúc và chỉ trích chính quyền gay gắt.

Và dù chính quyền Tập buộc phải cách chức bốn quan chức và kỷ luật bảy người khác để “hạ hỏa” lòng dân thì hình ảnh của Tập Cận Bình với những cam kết đảm bảo an ninh cho người dân chắc chắn cũng bị “mờ đi”.

Hết “đổ máu bến Thượng Hải”, Bắc Kinh lại thêm một phen kinh hoàng với hai vụ nổ nhà máy hóa chất liên tiếp. Vụ nổ kinh hoàng nhà máy hóa chất tại Thiên Tân vào ngày 12-8 và sau đó là tại một nhà máy hóa chất khác tại Sơn Đông đã đặt ra vô số vấn đề về an toàn công nghiệp và khả năng ứng phó thảm họa của TQ. Theo trang Wall Street Journal, vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân đã phần nào làm cản đường những toan tính vĩ mô của ông Tập.

Đã có các kế hoạch kêu gọi sát nhập Thiên Tân và một phần của tỉnh Hà Bắc vào Bắc Kinh, tạo nên một “siêu đô thị” với dân số lên đến 130 triệu người, đông hơn cả dân số Nhật Bản. Đây là một trong những dự án mang đậm dấu ấn và tham vọng của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, vụ nổ làm chết 139 người và hơn 700 người bị thương tại Thiên Tân đã khiến nhiều người chỉ biết lắc đầu trước những tham vọng lãng mạn của ông Tập.

Các khu dân cư được bố trí quá gần những khu vực chứa hóa chất độc hại vốn rất kém an toàn. Các đơn vị kinh doanh tàng trữ hóa chất nguy hiểm nhiều năm trời mà không cần giấy phép. Nguồn nước và vùng đất trong khu vực này chắc chắn sẽ bị đặt vào tình trạng ô nhiễm trong nhiều năm trời.

Theo hãng tin South China Morning Post, chính quyền TP Thiên Tân cố gắng bưng bít thông tin và giảm nhẹ số lượng người thiệt mạng bởi vụ nổ bất chấp cơ quan quản lý tuyên truyền phải tổ chức một buổi họp riêng và kêu gọi nhiều cơ quan truyền thông chủ động điều tra thông tin về Công ty Ruihai International Logistics, công ty sở hữu nhà kho phát nổ tại Thiên Tân.

Nguồn tin của South China Morning Post cho rằng chính nội bộ giới lãnh đạo TQ đã không hài lòng với chính quyền Thiên Tân nên đã “bật đèn xanh” cho truyền thông vào cuộc.

 

Những sự kiện từ đầu năm 2015 đến nay khiến nhiều người đặt ra giả thuyết những nỗ lực cải cách của ông Tập Cận Bình đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì “bóng đen” lịch sử của nước này. (Ảnh: QIANLONG)

Những “liều thuốc độc” của nền kinh tế

Các thảm họa trong quản lý an ninh con người chưa phải là nổi bật nhất so với sự điêu đứng của thị trường bất động sản, chứng khoán của TQ.

Nếu như những thập niên trước đây, Bắc Kinh chú trọng vào đầu tư và xuất khẩu để giúp GDP nước này giữ ở mức hai con số trong nhiều năm liền thì bây giờ Bắc Kinh đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư đã chững lại đáng kể, thậm chí là giảm vì nguồn lao động giá rẻ của TQ bão hòa. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong các giải pháp tốt nhất cho Bắc Kinh chính là kích cầu tiêu dùng để mục tiêu cân bằng GDP được đảm bảo.

Tuy nhiên, thay vì nhắm đến người dân bằng các giải pháp tăng cường lòng tin của dân vào thị trường, Bắc Kinh lại tỏ ra quá “hào phóng” với các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Các gói tiền được bơm vào các DN do nhà nước quản lý, vốn tồn tại nhiều khúc mắc và yếu kém, kết quả là DN làm ăn thua lỗ.

Để gỡ lại, TQ tung ra các gói ưu đãi kích thích người dân vay nợ để đổ vào đầu tư thị trường chứng khoán, bất động sản với hy vọng cứu DN. Báo chí quốc tế kể không ít câu chuyện về việc người dân TQ kéo nhau mua đất, mua nhà, mua cổ phiếu để “lượm nhặt tiền chính phủ” chứ không phải tin năng lực DN hay quy luật thị trường.

Họ đổ tiền vào buổi sáng và chờ đợi các tuyên bố buổi chiều về giảm lãi suất, tăng hỗ trợ, mua cổ phiếu với giá tăng tối thiểu 10% từ các đơn vị nhận tiền của chính phủ. Liều thuốc kích thích của Bắc Kinh đã trở thành “thuốc độc”, hệ lụy là bong bóng bất động sản và bong bóng chứng khoán lần lượt căng phồng và nổ tung, đỉnh điểm là từ năm 2014 cho đến nay.

Ngay cả nỗ lực giảm lãi suất chóng mặt hay các quyết định bơm tiền vào thị trường nhằm tăng tính thanh khoản khi chứng khoán “hấp hối” cũng không làm niềm tin của nhà đầu tư trở nên tốt hơn sau hàng loạt “ngày đen tối”.

Nỗ lực phá giá đồng nhân dân tệ đến mức “không thể tin được” vừa qua nhằm vực dậy xuất khẩu, củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng không làm cho nền kinh tế sáng sủa hơn trong ngắn, dài hạn.

Thậm chí các động thái mới nhất liên quan đến việc điều tra và kết tội một số người mà Bắc Kinh gọi là gian lận khiến thị trường chứng khoán thiệt hại, cũng như các tuyên bố về mối đe dọa từ bên ngoài quốc gia của một số quan chức Bắc Kinh càng khiến nhiều người thất vọng về việc quản lý của chính quyền Tập Cận Bình theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tìm cách đá trái banh “trách nhiệm” sang người khác trước.

Phía trước là giông bão?

Theo kênh truyền hình nhà nước TQ CCTV hôm 19-8, “các khó khăn, mức độ chống đối, sự cứng đầu, hung hăng, phức tạp và cả kỳ quái của những ai không thích ứng được hay thậm chí chống đối công cuộc cải cách (của chính quyền của ông Tập Cận Bình) đã vượt xa tưởng tượng”.

The Economist cũng bình luận những khó khăn và bất đồng mà chính quyền ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt chắc chắn là có thật. Ông Tập khó lòng thoát khỏi búa rìu chỉ trích. Khác với phần đông nhà lãnh đạo tiền bối, ông Tập can dự rất nhiều vào các quyết định kinh tế TQ. Cuộc khủng hoảng chứng khoán lần này, cùng liên tiếp các vấn đề khác như Thiên Tân và phá giá đồng nhân dân tệ đã cùng lúc làm giảm uy tín của ông Tập.

Theo tờ The Economist, chiến dịch chống tham nhũng đang làm gia tăng mâu thuẫn giữa ông Tập và nhiều cựu lãnh đạo TQ. Tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 10-8 đã đăng bài “nhắc khéo” về hình mẫu hành xử dành cho những cựu lãnh đạo nên ngừng can dự vào chính sự khi đã về hưu.

Mặc dù không được nhắc tên trực tiếp trong bài báo, ông Giang Trạch Dân có vẻ như chính là mục tiêu chính của bài viết. Vài năm qua, chiến dịch chống tham nhũng đã liên tiếp hạ bệ nhiều đồng minh thân cận nhất của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Cuộc “bủa vây” cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và đợt điều tra ông Chu Bản Thuận, lãnh đạo cấp tỉnh đầu tiên bị điều tra khi còn đang tại nhiệm, cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đang bắt đầu bước vào giai đoạn cam go nhất, với quy mô lớn hơn bất kỳ lãnh đạo tiền nhiệm nào tại TQ từng phát động.

Thách thức ngoại giao

Hồi tháng 7-2015, Dương Khiết Miễn – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải có bài viết khoảng 17 trang với hơi hướng ca ngợi “Ngoại giao mới của TQ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình”. Tuy nhiên, bức tranh của ông Miễn vẽ Tập Cận Bình không đồng điệu với những diễn biến thực tại.

Các sáng kiến kinh tế của TQ tại khu vực và thế giới luôn khiến nhiều quốc gia nghi ngờ về tính minh bạch, bền vững, đặc biệt là các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia ASEAN, thậm chí là châu Phi hay Mỹ Latinh xa xôi. Các yêu sách tại biển Đông, Hoa Đông của ông Tập – thứ mà Bắc Kinh xem là trọng trách lịch sử khiến các quốc gia khác có xu hướng xích lại gần nhau và gần Mỹ hơn nhằm đối phó với tham vọng Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới