Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Sergei Korotkov, TGĐ Tập đoàn Chế tạo máy bay RKS MiG cho biết, MiG-35 có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam. Đây là thông tin bất ngờ, đầy thú vị.
Tiêm kích đa năng thế hệ 4+ MiG-35 do Tập đoàn chế tạo máy bay RSK MiG phát triển.
MiG-35 sắp thoát phận long đong?
Cách đây vài năm, Tập đoàn Chế tạo máy bay RKS MiG có lúc tưởng chừng rơi vào bế tắc, có thể dẫn tới phá sản sau khi MiG-35 thua thảm hại trong gói thầu cung cấp 126 máy bay tiêm kích đa năng cho Ấn Độ.
Đôi lần, RKS MiG tưởng chừng như vượt qua được thời kỳ đen tối khi “nhen nhóm” những tia sáng cuối đường hầm từ những đơn hàng đặt mua MiG-35 của Quân đội Nga. Tuy nhiên, “mơ ước” vẫn chỉ là “ước mơ”, hy vọng lắm rồi thất vọng cũng nhiều.
Mãi tới hôm 09/04, hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, Không quân Nga sẽ nhận 30 chiếc máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++. Dù hợp đồng chưa ký chính thức, nhưng nhiều khả năng sẽ thành sự thực.
Gần đây, có tin Ai Cập quan tâm đến việc mua một số lượng lớn máy bay tiêm kích đa năng MiG-29 của Nga, mặc dù hai bên chưa chốt được hợp đồng chính thức nhưng dường như “đích đến” không còn xa nữa.
Rất có thể, Ai Cập sẽ chọn phiên bản MiG-35 mới nhất với khung thân, động cơ, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí đi kèm thuộc loại hiện đại, chứ không mua phiên bản Mig-29 đã có dấu hiệu lỗi thời, kể cả khi được sản xuất mới hoàn toàn.
Chưa kể, biết đâu MiG-35 lại có cơ hội lần thứ 2 ở Ấn Độ sau khi nước này hủy bỏ gói thầu 126 chiếc máy bay nói trên, không chấp nhận các điều kiện quá khắt khe do phía Pháp đưa ra đối với dòng máy bay Rafale.
Như vậy, có thể thấy, tương lai của MiG-35 đã có vẻ tươi sáng hơn. Mới đây nhất, khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin RIA Novosti (Nga), đích thân ông Sergei Korotkov, Tổng Giám đốc RKS MiG cho biết, MiG-35 có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Cơ hội nào cho MiG-35 ở Việt Nam?
Trước hết, nhu cầu mua sắm máy bay tiêm kích đa năng mới của Việt Nam là có thật. Các dòng máy bay tiêm kích bom Su-22M/M4 và tiêm kích MiG-21Bis đã ở cuối vòng đời, trong tương lai gần cần phải thay thế bằng các máy bay thế hệ mới hơn.
Thứ hai, MiG-35 “đủ tốt” với Việt Nam. Về sự hiện đại và có nhiều tính năng vượt trội của MiG-35 thì đã có nhiều chuyên gia phân tích đánh giá chi tiết, do vậy, chúng tôi không đi sâu vào phân tích vào các đặc tính kỹ thuật chuyên sâu.
Chỉ biết, dù chưa phải là ứng viên sáng giá nhất, nhưng sau nhiều “vấp ngã” trong các gói thầu quốc tế, giờ đây, MiG-35 đã “buộc” phải trở nên hoàn thiện hơn với khung thân, động cơ, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí thuộc loại hiện đại.
MiG-35 có thể mang phóng được nhiều loại vũ khí hiện đại.
Ngoài nhiệm vụ chính là tiêm kích đánh chặn, MiG-35 cũng có thể mang nhiều loại vũ khí đánh đất, diệt hạm, diệt radar,… để chi viện cho các lực lượng bảo vệ biển đảo và diệt các mục tiêu mặt đất cố định hoặc di động.
Bên cạnh đó, MiG-35 có thể sử dụng các sân bay dã chiến, đường băng ngắn, hẹp, để phục kích, bất ngờ đánh nhanh, tiêu diệt và rút gọn – những kinh nghiệm được đúc rút từ những kinh nghiệm chiến tranh của Không quân Việt Nam.
Tất nhiên, để đánh địch thành công, ngoài máy bay tốt và phi công giỏi, được huấn luyện kỹ càng, nắm chắc các “ngón nghề”, thì các yếu tố khác cũng rất quan trọng như phối hợp giữa các lực lượng phòng không – không quân, dẫn bay, đảm bảo kỹ thuật,…
Từ những bài học thất bại cũng như thành công trong tác chiến đối không với những máy bay hiện đại, phi công “sừng sỏ” của Không quân hay Không quân Hải quân Mỹ, chắc chắn những kinh nghiệm quý báu và dày dặn đó, vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Thứ ba, nếu MiG-35 được đặt mua số lượng lớn, giá sẽ hợp lý. Nếu các hợp đồng “dự kiến” ở trên được ký kết, chắc chắn chi phí nghiên cứu & triển khai (R&D) sẽ được chia đều cho số lượng máy bay bán ra và Việt Nam có thể được hưởng lợi.
Ngược lại, nếu chỉ mỗi Việt Nam mua MiG-35, chắc chắn sẽ phải gánh hầu hết chi phí R&D, có thể khiến giá thành đội lên cao hơn.
Thứ tư, đội ngũ phi công và thợ đảm bảo kỹ thuật của Không quân Việt Nam đã quen với vũ khí Nga. Do vậy, tiết kiệm được thời gian và chi phí huấn luyện chuyển loại rất lớn so với việc mua máy bay khác hệ của phương Tây.
Bên cạnh đó, MiG-35 cùng hệ với Su-30 nên có thể dùng chung cơ sở bảo dưỡng sửa chữa, vũ khí hàng không và nhiều thứ khác, giúp tiết giảm đáng kể chi phí vận hành.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Rakesh Krishnan Simha (Ấn Độ), MiG-35 hiện nay vần còn đang tồn tại một số khiếm khuyết cần phải khắc phục như khi dòng máy bay này được chào bán, không hề có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Nga.
Ông Simha hàm ý rằng đến chính Không quân Nga còn không đặt mua MiG-35 thì rõ ràng đó là vấn đề lớn và bỗng nhiên tạo thành rào cản cực lớn đối với các khách hàng nước ngoài bởi họ sẽ phải đặt câu hỏi liệu dòng máy bay đó có đáng mua hay không.
Ông Simha cũng nhắc thêm là chi phí bảo dưỡng, vận hành là vấn đề lớn thứ hai. Yêu cầu của phía Ấn Độ là động cơ phải đáp ứng được tối thiểu 2.000 giờ giữa 2 lần sửa chữa lớn và tuổi thọ hoạt động đạt 4000 giờ, tuy nhiên động cơ RD-33 trên MiG-35 chưa đáp ứng được.
Một điểm nhấn đặc biệt khác là ông Kuznetsov Viktor Dmitrievich, TGĐ Cty AVIAPROM (đơn vị đầu mối điều phối việc hợp tác kỹ thuật giữa các tổ hợp công nghiệp hàng không LB Nga) khẳng định rằng IRKUT sẽ là đơn vị cung cấp máy bay chiến đấu mới cho VN.
Đây là đơn vị chuyên sản xuất các dòng máy bay của Sukhoi như Su-30SM, Su-34 và Su-35, thế nên RSK MiG giành được hợp đồng mua máy bay thế hệ tiếp theo của Việt Nam là điều đáng chú ý.
Vì thế, việc ông Sergei Korotkov, TGĐ Tập đoàn Chế tạo máy bay RKS MiG cho biết, MiG-35 có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam là thông tin hoàn toàn bất ngờ và đầy thú vị.