Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửQuan hệ Việt - Trung qua hồi ký Trần Quang Cơ (Kỳ...

Quan hệ Việt – Trung qua hồi ký Trần Quang Cơ (Kỳ 4)

Trong 3 ngày đàm phán, mỗi khi phía Trung Quốc thấy ta không chấp nhận yêu sách vô lý của họ về hai vấn đề thuộc nội bộ Campuchia này, nhất là khi ta kiên trì công thức “hai bên Campuchia” – tức là hai chính phủ PhnomPenh và chính phủ Campuchia Dân chủ, hoặc có thể nói “các bên Campuchia”, nhưng dứt khoát bác công thức “4 bên Campuchia” của họ mang hàm ý chấp nhận vai trò hợp pháp của bọn Khmer đỏ và nhắc đến thoả thuận Tokyo, thì Từ lại lên giọng chê trách tôi làm trái ngược ý kiến của lãnh đạo Việt Nam.

Bản đồ Trung Quốc

Liều thuốc của thầy Tàu bốc cho ta

Y đưa ra lập luận là lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra ý “hợp tác giữa 2 phái cộng sản Khmer” tức là nhận từ “4 bên Campuchia” (có nghĩa là đưa Khmer đỏ lên ngang với Chính phủ Phnom Penh). Từ nói: “Phát biểu của các đồng chí không nên trái ngược với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Ý kiến của Bộ Ngoại giao nên nhất trí với ý của lãnh đạo cấp cao, không nên có hai tiếng nói trái ngược”. Tôi phải đưa Từ trở về vị trí của y: “Đồng chí có thể yên tâm, không cần lo hộ chúng tôi là Bộ Ngoại giao có tiếng nói khác Trung ương. Đảng chúng tôi nhất trí từ trên xuống dưới. Bộ Ngoại giao là một bộ phận chịu sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính Trị chúng tôi”.

Về vấn đề Hội đồng Dân tộc Tối cao (SNC) Campuchia, Trung Quốc kiên trì 3 điểm:

a. SNC phải là cơ quan chính quyền tối cao hợp pháp duy nhất, đại diện cho độc lập, chủ quyền, thống nhất của Campuchia. Về mặt đối ngoại, đại diện cho Campuchia trên quốc tế, giữ ghế của Campuchia ở LHQ; về mặt đối nội, thực hiện quyền lập pháp và quản lý hành chính, trực tiếp nắm các ngành quan trọng ảnh hưởng đến tổng tuyển cử tự do, công bằng gồm quốc phòng, ngoại giao, nội vụ, tuyên truyền, tài chính (với hiểu ngầm là xoá 5 bộ này của chính quyền Phnom Penh).

b. Không loại bên nào (tức là không loại Khmer Đỏ), không bên nào độc quyền.

c. Thành phần, số lượng do 4 bên Campuchia bàn bạc và quyết định. Sihanouk làm chủ tịch SNC (thực chất là bác bỏ Thông cáo chung Tokyo đã thoả thuận là Hội đồng gồm 12 người, chia đều cho 2 bên, mỗi bên 6 người).

Tôi khẳng định SNC có trách nhiệm và quyền lực trong việc thực hiện các hiệp định được ký kết về Campuchia, về hoà giải dân tộc và về tổng tuyển cử; hai chính quyền hiện tồn tại không được làm việc gì cản trở trách nhiệm và quyền lực trên đây của SNC. Còn việc các bên Campuchia chấp nhận ý kiến của Trung Quốc đến đâu là quyền của các bên Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc không thể thay các bên Campuchia sắp đặt việc nội bộ của Campuchia.

Về vấn đề lực lượng vũ trang, Trung Quốc đòi ghi vào biên bản thoả thuận: quân đội của 4 bên Campuchia phải tập kết vào những địa điểm của uỷ ban giám sát của LHQ chỉ định. Còn việc giảm quân hay giải pháp thì để cho SNC hoặc chính phủ sau bầu cử quyết định.

Tôi nói: “Việt Nam tôn trọng thoả thuận giữa các bên Campuchia ở Tokyo là lực lượng vũ trang ở đâu đóng đó. Nguyên tắc về lực lượng vũ trang các bên Campuchia là chấm dứt nội chiến càng sớm càng tốt, duy trì ngừng bắn, không can thiệp vào đời sống chính trị, không can thiệp vào tổng tuyển cử để bảo đảm cho tổng tuyển cử được thực sự tự do và công bằng. Còn các biện pháp để thực hiện các nguyên tắc trên sẽ do các bên Campuchia thoả thuận với nhau”.

Sau khi tỏ phản ứng về lập trường của ta, Từ nói: “Tôi muốn nói thật rằng nếu lần này chúng ta đi một bước không hay thì sẽ có hậu quả sau này. Không những hai chúng ta thất vọng mà kết quả còn trái ngược với nguyện vọng của đồng chí TBT Nguyên Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo khác nói với chúng tôi. Chúng ta đang ở ngã ba đường, lựa chọn thế nào? Thời gian không cho phép. Trung tuần tháng 7, 5 nước Hội đồng bảo an họp lại. Trung Quốc không thể không tỏ thái độ. Nếu Trung Quốc và Việt Nam không đạt được kết quả giải quyết vấn đề Campuchia thì lòng mong muốn của chúng ta sẽ chịu hậu quả lớn.”

Như để thuyết phục ta chấp nhận lập trường của họ, Từ đưa ra dự kiến của Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia theo 5 bước: 1. Trung – Việt đạt được thoả thuận về giải pháp vấn đề Campuchia và ghi nhận lại bằng một biên bản nội bộ; 2. Họp ngoại trưởng 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Lào và ra tuyên bố chung; 3. Họp hội nghị có tính chất khu vực giữa 5 nước trên và 4 bên Campuchia; 4. Họp 5 nước Hội đồng Bảo an và 4 bên Campuchia; 5. Họp hội nghị quốc tế Paris về Campuchia.

Từ nói chỉ trao đổi nội bộ với ta dự kiến này ở đây, không nói với 4 nước uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an, cũng không nói với Liên Xô để tránh sự quấy nhiễu của bên ngoài. Tôi tránh bình luận cụ thể, chỉ nói đây là một gợi ý thú vị, rất đáng suy nghĩ, song cần làm sao cho bước khởi động của chúng ta ở đây có kết quả thì toàn bộ kế hoạch mới có khả năng triển khai được.

Chiều ngày 12/6/1990, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đã có cuộc họp hẹp giữa hai trưởng đoàn. Qua đó Từ nhờ tôi chuyển tới lãnh đạo Việt Nam trả lời của lãnh đạo Trung Quốc về những ý kiến mà Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc ngày 5 và 6/6/1990: “Lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung – Việt, Lãnh đạo Trung Quốc cũng rất coi trọng những ý kiến TBT Nguyễn Văn Linh và đồng chí Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trương Đức Duy. Phía Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung – Việt sớm muộn cũng sẽ bình thường hoá. Hai bên đều cần cùng nhau cố gắng để thực hiện. Vấn đề Campuchia, cuộc chiến tranh Campuchia đã kéo dài hơn 10 năm. Đây là vấn đề toàn thế giới quan tâm, các nước trong khu vực, nhất là ASEAN, cũng rất quan tâm. Đối với hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết hiện nay là trên cơ sở những nhận thức chung đã đạt được, tiếp tục trao đổi ý kiến về hai vấn đề tồn tại (vấn đề quyền lực của Hội Đồng tối cao và việc xử lý quân đội của các bên Campuchia), làm sao cho có tiến triển hai vấn đề này. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ góp phần vào việc thực sự giải quyết vấn đề Campuchia. Bước đi này là hết sức quan trọng. Chỉ có đi xong bước này, chúng ta mới có thể suy nghĩ đến những bước sau. Cũng có nghĩa là chỉ có đi xong bước này lãnh đạo Trung Quốc mới suy nghĩ về việc gặp cấp cao và việc thúc đẩy hai phái cộng sản Khmer hoà giải với nhau”.

Nghe Từ đọc xong, tôi hỏi lại: “Như vậy có phải là chỉ sau khi giải quyết xong vấn đề quyền lực của SNC và vấn đề lực lượng vũ trang Campuchia thì Trung Quốc mới nghĩ đến việc gặp cấp cao ?” Từ khẳng định đúng là như vậy và nói thêm: “Giải quyết hai vấn đề đó có nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí cơ bản về việc giải quyết vấn đề Campuchia, sẽ làm thành biên bản chung ghi các điều đã nhất trí làm cơ sở để thúc đẩy giải quyết vấn đề Campuchia, tác động đối với bạn bè mỗi bên và mở đầu quá trình bình thường hoá quan hệ hai nước”. Từ nói: “Nhất quyết phải giải quyết xong hai điểm tồn tại đó để có được giải pháp toàn bộ, không nên vượt qua vấn đề Campuchia. Giải quyết xong vấn đề Campuchia thì các bước tiếp theo về gặp gỡ cấp cao và bình thường hoá quan hệ giữa hai nước sẽ dễ giải quyết”.

Ngay sau đó, tôi sang gặp thủ tướng Đỗ Mười báo cáo tình hình cuộc đàm phán để chuẩn bị cho việc anh ấy tiếp Từ Đôn Tín chiều hôm sau như đã dự định. Tôi nói: “Chỉ với việc anh Linh và anh Lê Đức Anh gặp Trương Đức Duy trước khi Từ Đôn Tín tới Hà Nội đã làm cho phía Trung Quốc lên giọng trong đàm phán, nay nếu anh Linh hoặc anh Mười lại tiếp hắn nữa thì rất không nên”. Nghe tôi trình bày xong, Đỗ Mười bảo sở dĩ anh nghĩ đến chuyện gặp Từ là vì sáng 10/6/1990, Lê Đức Anh đến yêu cầu Đỗ Mười gặp Từ, nay như vậy thì không cần gặp nữa. Đỗ Mười bảo tôi cùng đi ngay sang báo cáo sự tình với TBT Nguyễn Văn Linh vì anh Linh cũng dự định tiếp Từ. Sau khi nghe tôi trình bày, có một phút lặng đi, tôi nghĩ bụng TBT chắc bị bất ngờ về những câu trả lời quá ư lạnh nhạt của lãnh đạo Trung Quốc đối với những điều tâm huyết mà anh và Lê Đức Anh đã thổ lộ với đại sứ Trương Đức Duy. Rồi anh Linh cho ý kiến là trong tình hình này anh Mười hoặc một cấp cao khác của ta không cần tiếp Từ Đôn Tín nữa.

Ba ngày đàm phán với Từ nói chung là căng, nhưng giông tố chỉ nổ ra khi Từ Đôn Tín đến chào Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chiều 13/6/1990 trước khi đoàn Trung Quốc rời Hà Nội. Ngay từ đầu không khí trò chuyện đã không lấy gì làm mặn mà lắm. Nhưng đến khi Từ nói: “Các đồng chí nói chúng ta nên khuyên hai phái cộng sản Campuchia hoà giải với nhau, nói đó là mong muốn chân thành của Việt Nam. Nhưng trên thực tế, các đồng chí cố sức tiêu diệt Khmer Đỏ. Nếu lãnh đạo Việt Nam muốn có sự hoà giải giữa hai nhóm cộng sản Khmer thì lẽ dĩ nhiên phải chấp nhận “4 bên”. Chúng tôi không thể hiểu được trong hai giọng nói đó, cái nào là thật, cái nào là giả. Nghe tiếng nói này thì tiếng nói kia là giả dối, nghe tiếng nói kia thì tiếng nói này là giả dối. Mong rằng sau này các đồng chí không nên làm như vậy”, anh Thạch đã phản ứng mạnh: “Chúng tôi không đòi các đồng chí nói chỉ có hai bên Campuchia; các đồng chí cũng không thể đòi chúng tôi nói 4 bên. Chúng tôi nói các bên, không loại bỏ bên nào là đủ rồi. Nếu nói khác đi là chống lại Hội nghị Tokyo. Tôi nói thật, dùng thủ đoạn xuyên tạc thì rất khó đàm phán… Tôi rất trọng đồng chí nhưng rất không hài lòng với những điều đồng chí nói vì đồng chí có những xuyên tạc. Như thế rất khó đàm phán”. Cuộc nói chuyện kết thúc bằng câu “Chào Ngài! ” của Từ Đôn Tín. Và anh Thạch cũng đáp lại bằng từ đó thay vào từ “đồng chí”.

Tôi không có mặt trong buổi anh Thạch tiếp Từ Đôn Tín, nhưng khi nghe kể lại chuyện đó tôi không hề ngạc nhiên. Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu “sứ giả thiên triều” của Từ trong buổi gặp ngày 13/6/1990: “Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí, chúng tôi đã chuẩn bị ý kiến về quan hệ hai nước Trung Quốc – Việt Nam”. Khi nói “nguyện vọng của các đồng chí” là Từ muốn nói đến những điều mà anh Linh và Lê Đức Anh đã nói với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy ngày 5 và 6/6/1990. Đây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện “xem xét nguyện vọng” của lãnh đạo Việt Nam được? Thêm vào đó, tâm trạng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong những ngày này lại đang nặng trĩu những suy tư khác.

Sau khi xảy ra va chạm giữa Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và trưởng đoàn Trung Quốc Từ Đôn Tín, sức ép vào nội bộ ta càng mạnh hơn: suốt nửa cuối 1990 đến 1991, Trung Quốc phớt lờ Bộ Ngoại giao, chỉ làm việc với Ban Đối ngoại; Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham từ chối gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tại kỳ họp Đại hội Đồng LHQ ở New York tháng 9/1990. Trước đó, ý đồ Trung Quốc phân hoá nội bộ ta đã bộc lộ rõ: muốn ta phải thay đổi Bộ trưởng Ngoại giao. Không chỉ thế, Trung Quốc còn lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo ta để phá hoại uy tín đối ngoại của ta bằng cách dùng thủ đoạn cố ý lộ tin ra với các nước.

Liều thuốc của thầy Tàu bốc cho ta thật là đắng, thế nhưng đâu có dã được tật!

(Còn nữa)

RELATED ARTICLES

Tin mới