Nền kinh tế Việt Nam được định hình bởi đội ngũ lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân và sinh viên trẻ tuổi. Họ dẫn đầu trong các hoạt động đổi mới công nghệ.
Năm 2012, tập đoàn công nghệ IBM xếp Đà Nẵng vào danh sách 33 thành phố hãng chọn để đầu tư chương trình trị giá 50 triệu USD
Báo công nghệ PCMag, Mỹ vừa có bài viết nhận định Việt Nam là thung lũng Silicon của khu vực Đông Nam Á.
Theo bài viết, hiện tại với dân số hơn 93,5 triệu người và độ tuổi trung bình vào khoảng 30,3, nền kinh tế Việt Nam được định hình bởi đội ngũ lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân và sinh viên trẻ tuổi. Họ không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn dẫn đầu trong các hoạt động đổi mới công nghệ.
40 năm sau giải phóng, khu công nghệ cao Đà Nẵng đang sôi nổi với nhiều hoạt động. Và hiện trên đất Việt có gần 14.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Khắp các nơi trên đất nước Việt Nam, các trường đại học đã và đang đào tạo hàng ngàn kỹ sư phần mềm và IT mỗi năm. Nhiều trong số họ công tác tại các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony hay Toshiba.
Theo Bloomberg, chính quyền Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng sân bay 60 triệu USD và hệ thống đường bộ 93 triệu USD. Với mức đầu tư này, thành phố miền Trung đang sẵn sàng cho mức tăng trưởng kinh tế lớn hơn cả Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2012, tập đoàn công nghệ IBM xếp Đà Nẵng vào danh sách 33 thành phố hãng chọn để đầu tư chương trình trị giá 50 triệu USD, kéo dài 3 năm Smarter Cities Challenge. Chương trình nâng cao cơ sở hạ tầng của thành phố nhằm phát triển kinh tế bền vững, quy hoạch giao thông và đô thị.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi có 250 sinh viên tốt nghiệp và hiện giờ có 30 nghiên cứu sinh. Đa số các sinh viên chọn ngành công nghệ phần mềm. Tất cả họ đều thực tập cho các công ty từ 2 đến 5 tháng và 50% trong số sinh viên thực tập được giữ lại làm việc”.
Ở TP.HCM, các trại khởi nghiệp bắt đầu được tổ chức từ năm 2010, theo ông Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John Von Neumann (JVN) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông Vũ so sánh sự háo hức, năng động của giới trẻ Việt là một ví dụ của tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam.
“Cộng đồng công nghệ tại Việt Nam đang thành hình một nền văn hóa khởi nghiệp và đó là sự thực. Hiện nay, có kha khá các hội trại khởi nghiệp diễn ra ở các thành phố lớn trên khắp cả nước. Dù vậy, thế hệ trẻ Việt Nam chưa có đủ tinh thần quyết liệt như của Thung lũng Silicon khi vẫn còn ngại chuyện đối mặt với nhiều rủi ro”, ông Vũ nói.
Dự kiến, Hội nghị công nghệ thông tin Việt Nam, với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia, 200 công ty IT Việt Nam và 20 trường đại học trên khắp cả nước, sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 17/10 tại TP.HCM.