Cuối tháng 8 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về một lý luận mang tên “thuyết 2 con chim”, khiến cụm từ này nhanh chóng được giới quan sát quốc tế chú ý.
“Thuyết 2 con chim” là đường lối phát triển kinh tế mà ông Tập Cận Bình đề ra vào năm 2006, khi ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.
Học thuyết này dùng 2 cụm từ “Đằng lung hoán điểu – Phượng hoàng niết bàn” để mô tả tầm quan trọng cũng như đường hướng của chiến lược “điều chỉnh cơ cấu, chuyển đổi phương thức” trong phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào tình trạng bất ổn thì vào thời điểm then chốt khi đại hội toàn đảng Trung Quốc lần 5 khóa XVIII sắp diễn ra, “thuyết 2 con chim” được đánh giá sẽ trở thành tư tưởng chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế nước này trong tương lai.
Đặc biệt, học thuyết kinh tế này của Tập Cận Bình rất có thể sẽ là chủ đề thảo luận chủ yếu trong “kế hoạch 5 năm lần thứ 13” của Trung Quốc.
Đa Chiều: Trung Quốc cần một cuộc cải cách mở cửa mới
10 năm của cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đã khiến quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc bị “đứt gánh”.
“Thuyết 2 con mèo” của Đặng Tiểu Bình được xem là “nấc thang” giúp kinh tế Trung Quốc bước lên con đường cao tốc, khiến thế giới phải nhìn họ bằng con mắt khác.
Đến nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế quy mô lớn thứ 2 trên thế giới. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), sức mua thực tế của Trung Quốc trong năm 2014 thậm chí đã vượt qua Mỹ.
Tuy nhiên, theo trang Đa Chiều, nền kinh tế của Trung Quốc “lớn nhưng không mạnh” bởi thiếu các sản phẩm mang thượng hiệu riêng, các công nghệ cốt lõi phụ thuộc nước ngoài, hàng hóa dựa vào giá thành thấp để chiếm thị trường.
Bất chấp quy mô nền kinh tế khổng lồ, hàng hóa Trung Quốc vẫn bị “gắn mác” là đại diện cho các sản phẩm rẻ tiền, kém chất lượng.
Mô hình phát triển kinh tế dựa nhiều vào tiền vốn, nhân lực, vật lực chứ không phải công nghệ hiện đại đang tạo nên sức ép cho Trung Quốc về môi trường và tài nguyên kinh tế.
Trong cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc, công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 50%, được xem là “rất hiếm gặp” trên thế giới. Tại Mỹ, công nghiệp chỉ chiếm 15% tỷ trọng nền kinh tế, trong khi các ngành dịch vụ chiếm 80%.
So với các ngành dịch vụ, phát triển kinh tế công nghiệp đòi hỏi đầu tư nhiều về năng lượng và gây hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Kể từ sau đại hội đảng Trung Quốc khóa XVIII năm 2012, áp lực suy thoái bắt đầu rõ ràng hơn đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Đa Chiều phân tích, với nền kinh tế có giá trị hơn 10.000 tỉ USD, Trung Quốc không đủ khả năng duy trì “dung lượng về tài nguyên và môi trường” để giữ được tốc độ tăng trưởng 10%/năm.
Hiện tại, trong bối cảnh môi trường và các nguồn lực của kinh tế đều bị hạn chế, nền kinh tế Trung Quốc đang đối diện với “bước ngoặt mấu chốt” mà “thuyết 2 con mèo” không còn phù hợp với tình hình quốc nội.
Nói cách khác, “thuyết 2 con chim” của ông Tập Cận Bình đang được truyền thông chính thống Trung Quốc mạnh tay tuyên truyền với kỳ vọng lý luận này sẽ thay thế vai trò học thuyết của ông Đặng trong thời kỳ mới, hay “một cuộc cải cách mở cửa mới”.
Tham vọng khiến Trung Quốc “hóa phượng” của Tập Cận Bình
Được ông Tập đề ra vào năm 2006, “thuyết 2 con chim” ra đời khi quy mô kinh tế tỉnh Chiết Giang đã đạt tới một mức độ nhất định, nhưng sự yếu kém trong cơ cấu, phương thức đã ảnh hưởng tới khả năng phát triển xa hơn của tỉnh này.
Tập Cận Bình đã tiến hành cải tổ mô hình kinh tế, giúp phương hướng phát triển của Chiết Giang đạt được những chuyển biến đáng kể.
Truyền thông Trung Quốc “quảng cáo”, “thuyết 2 con chim” không đơn thuần chỉ phù hợp với tình hình tỉnh Chiết Giang, mà “mang tính chất toàn diện ngay từ gốc rễ”.
“Đằng lung hoán điểu” chỉ việc đào thải các nghành nghề lạc hậu và du nhập các lĩnh vực tiên tiến, trong đó có sự đối chiếu tình hình thực tế với các khu vực lân cận.
“Phượng hoàng niết bàn” nhấn mạnh chú trọng xây dựng thương hiệu, kết hợp chặt chẽ với chiến lược thúc đẩy sản phẩm Trung Quốc.
Theo Đa Chiều, chính ông Tập từng nói: “‘Phượng hoàng niết bàn’ chính là ‘biến việc gia công ‘hộ’ các hãng nước ngoài thành tự sáng tạo thương hiệu, hiện thực hóa việc ‘tái sinh’ các ngành nghề và doanh nghiệp.”
Giới quan sát đánh giá, việc Bắc Kinh bất ngờ tuyên truyền học thuyết của Tập Cận Bình sau nhiều năm, bên cạnh áp lực phát triển kinh tế ổn định còn có liên quan trực tiếp đến những khó khăn Trung Quốc vấp phải trên thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2015.
Nếu lý luận này được chính phủ Trung Quốc thông qua và đưa vào triển khai thì mục tiêu trực tiếp chính là hiện thực hóa việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đối với nền kinh tế.
Báo chí Trung Quốc chỉ ra, “đằng lung hoán điểu” là cơ sở, còn “phượng hoàng niết bàn” là mục đích. “Thuyết 2 con chim” chính là cách để Trung Quốc định hướng phát triển khoa học công nghệ thành động lực mới của nền kinh tế.
Giới lãnh đạo nước này kỳ vọng, nếu “chuyển mình” thành công, Bắc Kinh có thể “tận hưởng” một chu kỳ phát triển “thần tốc” mới kéo dài hàng chục năm tiếp theo. “Thuyết 2 con chim” nhiều khả năng sẽ gắn liền với toàn bộ quá trình cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa Trung Quốc.
Theo Đa Chiều, quan điểm nói rằng 20 năm đầu thế kỷ XXI là cơ hội chiến lược của Trung Quốc đến nay đã được chứng nhận, nhưng liệu luận thuyết kinh tế của Tập Cận Bình có trở thành “kim chỉ nam” cho nước này trong nửa đầu thế kỷ XXI hay không vẫn còn phải đợi lịch sử kiểm chứng.