Không chỉ trên mặt biển với tàu sân bay hay tàu khu trục, cuộc chiến trong lòng Thái Bình Dương cũng đang diễn ra rất quyết liệt giữa các cường quốc, bao gồm cả Mỹ cùng đồng minh thân cận Nhật Bản với Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Type-094 trong một cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc
Hãng tin Kyodo lớn nhất của Nhật Bản dẫn nguồn tin từ Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) ngày 9-9 cho biết, hai nước đồng minh thân cận là Mỹ và Nhật Bản hiện đang hợp tác vận hành Hệ thống giám sát tiếng động tàu ngầm dưới đáy biển (SOSUS) thế hệ mới nhất để đối phó việc Trung Quốc gia tăng hoạt động hàng hải. Đây là lần đầu tiên thông tin về sự tồn tại của một hệ thống theo dõi chỉ nhằm vào lực lượng tàu ngầm đang phát triển mạnh mẽ Trung Quốc được tiết lộ.
Vì SOSUS là một hệ thống “tuyệt mật” nên MSDF chỉ giải thích những đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống do Mỹ phát triển này cho một số lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng. Song MSDF cũng cho biết, SOSUS được triển khai tại thềm Thái Bình Dương thuộc quần đảo Nansei (Ryukyu) nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, trong đó có đảo Okinawa mà trên đó có căn cứ quân sự lớn của Mỹ tại Nhật Bản.
Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết, SOSUS mới nhất bao gồm hai đường cáp với mạng lưới rộng các bộ cảm biến âm thanh dưới nước (hydrophone). Một cáp trải dài từ căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Okinawa tới đảo Kyushu ở phía Nam và cáp kia trải dài cũng từ căn cứ này chạy tới ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc). Phiên bản mới nhất của SOSUS cho phép Tokyo và Washington phát hiện tàu ngầm Trung Quốc di chuyển từ Biển Hoa Đông và Hoàng Hải ra Thái Bình Dương.
Trước đó, từng có thông tin rằng Nhật Bản và Mỹ đã triển khai một phiên bản cũ hơn của SOSUS dưới đáy eo biển Tsugaru ở Đông Bắc Nhật Bản, cũng như tại eo biển Tsushima ở Tây Nam nước này nhằm phát hiện các tàu ngầm của Liên Xô trước đây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho biết thêm, phiên bản SOSUS mới nhất còn vận hành một hệ thống riêng rẽ để giám sát các hoạt động của tàu ngầm Nga qua một cáp đặt dưới biển ở giữa tỉnh Aomori và phía Bắc Hokkaido.
Việc MSDF lần đầu tiên “bật mí” về hệ thống theo dõi chỉ nhằm vào tàu ngầm Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh binh chủng được đầu tư mạnh mẽ này của Bắc Kinh đang có sự phát triển khiến cả Washington và Tokyo không thể không lo ngại. Trước đây, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, dù khá đông song không được đánh giá cao bởi kém hiện đại và dễ bị phát hiện do có tiếng ồn lớn khi hoạt động dưới biển.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã có đủ tiềm lực vật chất và kỹ thuật để phát triển tàu ngầm trở thành một lực lượng đáng gờm, kể cả với cường quốc hải quân hàng đầu thế giới như Mỹ, với tổng số khoảng 70 tàu ngầm, một số lượng nhiều hơn cả lực lượng tàu ngầm hùng hậu của Washington.
Đáng chú ý là 3 thế hệ tàu ngầm mới nhất chạy bằng năng lượng hạt nhân, gồm Type-094 (còn gọi tàu ngầm lớp Tấn), Type-093 (lớp Thượng) và Type-091 (lớp Nguyên), trong đó Type-094 trang bị 12 tên lửa đạn đạo tầm bắn khoảng 7.500-8.000 km và Type-093 là tàu ngầm tấn công được trang bị tên lửa siêu âm “sát thủ tàu sân bay”… Với khả năng tác chiến ngày càng được nâng cao của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, Mỹ và đồng minh Nhật Bản không thể không lo ngại và tìm mọi cách để ứng phó.