Xung quanh việc Hạng Vũ tự vẫn bên dòng Ô Giang, cho đến nay vẫn tồn tại nhiều quan điểm bất đồng. Những bí ẩn đang tìm lời giải phía sau cái chết ấy là gì?
Tự đại cao ngạo, bảo thủ, chuyên quyền độc đoán, thiếu ý chí cứng cỏi… là những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Tây Sở Bá vương danh tiếng lẫy lừng – Hạng Vũ.
Cuối cùng, vị Sở vương nổi danh thiên hạ ấy đã chọn cách tự vẫn bên dòng sông Ô Giang. Cái chết của ông được hậu thế nhắc tới, cũng là một trong những ẩn số lớn trong lịch sử Trung Hoa.
Trong cuốn “Lịch sử mật mã III – Giải mã những bí mật thiên cổ”, nhà xuất bản Tân Thế Giới đã đặt ra nhiều giả thiết xoay quanh cái chết của vị Sở vương lẫy lừng này.
Hạng Vũ là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Cuộc đời của ông được phủ lên bởi nhiều tầng giai thoại. Trong đó giai thoại về cái chết bên bờ Ô Giang được hậu thế truyền lại vô cùng hùng hồn, bi tráng.
Về cái chết của Hạng Vũ, các nho sĩ, sử gia vẫn có nhiều quan điểm bất đồng.
Lý Thanh Chiếu – một nữ thi sĩ thời Nam Tống đã từng có đôi dòng cảm thán khi đến dòng Ô Giang:
“Sinh đương tác nhân kiệt
Tử diệc phi quỷ hùng
Chí kim tư Hạng Võ
Bất khẳng quá Giang Đông”
(Sống làm người anh kiệt
Chết làm ma anh hùng
Nay còn nhớ Hạng Vũ
Chẳng chịu về Giang Đông!)
Đối với cái chết của Hạng Vũ, Lý Thanh Chiếu coi đó là hành động khí khái anh hùng, “thà làm ngọc vỡ chứ không làm ngói lành”.
Nhà thơ Đỗ Mục đời nhà Đường trong bài thơ “đề Ô Giang đình” lại viết rằng:
“Thắng bại binh gia sự bất kỳ
Bao tu nhẫn sỉ thị nam nhi
Giang Đông đệ tử đa tài tuấn
Quyển thổ trùng lai vị khả tri”
(Nhà binh có lúc thua lúc được
Ôm đau chịu nhục mới là trai
Đệ tử Giang Đông nhiều người giỏi
Biết đâu quật khởi sẽ có ngày!)
Đỗ Mục cho rằng Hạng Võ thiếu ý chí nghị lực, không bền gan vững chí. Đối với cái chết của vị bá vương này, ông chỉ tiếc hận, thất vọng chứ không đề cao.
Trải qua mấy nghìn năm, những quan điểm bất đồng về việc Hạng Vũ tự vẫn bên dòng Ô Giang vẫn tiếp tục xuất hiện không ngừng. Sự thật phía sau cái chết ấy là gì? Vì sao Hạng Vũ thà tuẫn tiết chứ không chịu qua sông?
Hạng Vũ là một người giàu kinh nghiệm chiến đấu trên trận mạc. Ông từng một mình đánh bại hơn 20 vạn quân Tần.
Hạng Vũ tự vẫn vì sợ mất thể diện
Quan điểm đầu tiên về sự việc trên cho rằng: Hạng Vũ vì không còn mặt mũi nào gặp phụ mẫu ở Giang Đông, nên thà chết chứ không chịu qua sông.
“Sử ký” có ghi: Trong chiến tranh Hán – Sở, Hạng Vũ đã bị bại dưới tay Lưu Bang. Sở Vương đã thống lĩnh đội quân chỉ còn 800 người đột phá vòng vây, đi tới bờ Ô Giang.
Lúc này đình trưởng Ô Giang khuyên Hạng Vũ mau sang sông, đến Đông Sơn nuôi quân để báo thù rửa hận.
Tuy vậy, Hạng Vũ chỉ cười nói: “Hạng Vũ ta đã từng cùng tám nghìn người vượt sông, bây giờ không một người nào còn, ta sao còn dám nhìn mặt phụ lão Giang Đông?”
Nói xong, ông rút kiếm tự vẫn bên bờ Ô Giang.
Giả thuyết trên xuất phát từ ý kiến của tác giả “Sử ký” là Tư Mã Thiên.
Do thời điểm viết “Sử ký” gần với thời đại của Tây Sở Bá vương, lại thêm lời văn hùng hồn, đanh thép, nên giai thoại này được lưu truyền rộng khắp. Hậu thế sau này khi nói đến cái chết của Hạng Vũ phần lớn đều nghĩ đến giả thuyết này.
Thậm chí, có người cho rằng bên cạnh việc cảm thấy có lỗi với phụ mẫu, Hạng Vũ còn quyết định tự vẫn khi thấy người thiếp yêu của mình bị thời cuộc ép chết.
“Sử ký” cũng viết: “Hạng Vũ còn có một con ngựa quý tên là Ô Truy (một loại ngựa lông có hai màu xanh trắng) và người thiếp yêu tên Ngu Cơ được Hạng Vũ vô cùng yêu quý. Đây là hai vật quý, hai thứ được Hạng Vũ xem trọng nhất đời.
Hạng Vũ đã từng một thời oai phong thét ra lửa với danh xưng Tây Sở Bá vương, cuối cùng, bị Hán vương Lưu Bang – kẻ từng bị Hạng Vũ coi chẳng ra gì bị bức ép đến trắng tay.
Trong hoàn cảnh lính ít, đất hẹp, nhìn đại thế đã mất, lại thấy hai bảo bối bên mình Ngu Cơ và ngựa Ô Truy sợ khó mà giữ được. Nghĩ tới đó, Hạng Vũ không nén được buồn đau.
Cảm khái, Hạng Vũ cất tiếng: “Hạng Vũ ta là anh hùng đội trời đạp đất, sức có thể bạt núi. Nhưng thời vận không đến, trời đã quên mất ta, cưỡi ngựa Ô Truy mà không khỏi nuối tiếc, hối tiếc mà không biết làm thế nào? Ngu Cơ ơi, ta biết làm sao?”
“Sở Hán xuân thu” ghi lại: Người đẹp Ngu Cơ trước câu hỏi của Sở vương đã ứng đáp: “Quân Hán đã đầy đất, bốn bề tiếng ca nước Sở não nề. Đại vương chí khí đã hết, tiện thiếp cũng chẳng thể giúp chàng”.
Hạng Vũ đau đớn rơi lệ, mọi người xung quanh đều khóc theo, không ai dám nhìn ông. Không khí thê lương bao trùm. Trở về trướng, nhân lúc quân vương không đề phòng, Ngu Cơ rút kiếm tự sát.
Hạng Vũ sinh thời là người hiếu thắng, lại trọng sĩ diện, tận mắt chứng kiến người thiếp yêu mến nhất bị thời vận éo phải tự sát, trong lòng vừa thương tâm, vừa xấu hổ, lòng tự trọng bị đả kích kịch liệt.
Lúc đó, quân Sở đang thế bại vọng, Hạng Vũ liều mình mang theo tàn binh bại tướng tháo chạy đến bờ sông. Cuối cùng lại cảm thấy thẹn với lòng mình, thẹn với phụ mẫu, rút kiếm tự sát.
Dựa theo giả thuyết trên, cái chết của người đẹp Ngu Cơ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đấy việc Tây Sở Bá vương tự vẫn.
Ngu Cơ được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đấy việc Sở vương Hạng Vũ tự vẫn.
Hạng Vũ hi sinh thân mình vì muôn dân bách tính
Một giả thuyết khác đầy tính nhân văn lại cho rằng: Hạng Vũ nguyện hi sinh thân minh vì đại cuộc, bách tính, vì muốn kết thúc chiến tranh, cứu nhân dân thoát khỏi cảnh chiến loạn lầm than.
Theo “Sử ký” ghi chép: Trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, giằng co mấy tháng mà thế trận vẫn bất phân thắng bại. Trận chiến này già trẻ lớn bé đều mệt mỏi khổ đau, bách tính oán giận ngút trời.
Hạng Vũ thấy vậy liền nói thẳng với Lưu Bang rằng: “Thiên hạ náo loạn đã nhiều năm, cũng vì hai người chúng ta. Nay bổn vương muốn đơn phương độc mã khiêu chiến với Hán vương, hai ta sống mái một phen, đừng để thiên hạ tiếp tục chịu khổ.”
Vì vậy, khi Hạng Vũ dẫn theo tàn binh bại tướng tới Ô Giang, định vượt sông nuôi quân báo thù, nhưng nghĩ tới chiến tranh lại một lần nữa khiến dân chúng lầm than, nên đã nguyện hi sinh thân mình vì sự bình an cho thiên hạ.
Điều này khiến nhiều sử gia cho rằng Hạng Vũ có tấm lòng yêu dân như con, lấy đại cuộc làm trọng.
Tuy nhiên giả thiết này có nhiều phần là suy đoán vì nó mâu thuẫn với tính cách của Tây Sở Bá vương – một danh tướng nổi tiếng bạo ngược.
Sinh thời, Hạng Vũ đã từng giết hơn 20 vạn quân Tần, đốt cung A Phòng trong ba tháng.
Với tính cách bạo ngược như vậy, giả thiết ông hi sinh thân mình vì đại cuộc là điều khó có thể xảy ra.
Câu nói thách đấu trên của Hạng Vũ có thể cũng là một loại mưu kế để dẫn dụ Lưu Bang mắc bẫy, bởi lẽ nếu đấu tay đôi, Hán vương khó có thể là đối thủ của một Sở vương dày dặn kinh nghiệm trên trận mạc.
Đấu tay đôi với Hạng Vũ, Lưu Bang nắm chắc phần thua, thậm chí còn không có cơ hội rút lui.
Đặt trong hoàn cảnh lịch sử, khi đến bờ Ô Giang, Hạng Vũ chật vật bất kham, mất hết can đảm, đến lúc đó mới rủ lòng cảm khái cho bách tính thiên hạ, nguyện lấy bản thân để đổi lấy bình an cho muôn dân là điều có thể xảy ra, nhưng xác suất là không lớn.
Chọn giả thiết này là nguyên nhân chủ yếu cho cái chết của Hạng Vũ cũng không thỏa đáng.
Hạng Vũ bị giết chứ không tự vẫn?
Cũng có một giả thuyết khác nói rằng, không phải Hạng Vũ không muốn vượt sông về Giang Đông mà là không có cơ hội vượt sông!
Nhiều nhà sử học hiện đại phản bác Sử Ký của Tư Mã Thiên và cho rằng Hạng Vũ không phải “tự sát mà chết” ở bên bờ sông Ô Giang mà là bị “quân Hán vây hãm và tàn sát mà chết” ở phía Đông Thành.
Nhà logic học Phùng Kỳ Dung trong cuốn “Hạng Vũ không chết bên bờ Ô Giang” đã sử dụng các luận chứng từ một loạt các tài liệu chính sử như “Sử ký”, “Hán thư”, “Sở Hán xuân thu” để chứng minh cho giả thiết này.
Trong các tài liệu trên, duy chỉ có “Hạng Vũ bản kỷ” có nhắc tới: “Hạng vương vì muốn băng qua dòng Ô Giang, nên đã nghỉ chân lại bên đình Ô Giang”, ngoài ra không có một câu chữ nào nói Hạng Vũ tự vẫn.
Ngược lại nhiều tài liệu lịch sử khác lại có nhắc tới việc Hạng Vũ “bỏ mạng tại Đông thành”, “Kỵ binh truy sát Hạng Vũ tại Đông thành”.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều quan điểm bất đồng xung quanh cái chết của Hạng Vũ.
Cũng qua tìm hiểu trong “Quát địa chí” về khu vực phía Nam huyện Trường Giang, nhiều chứng cớ khẳng định Sở vương vong mạng tại Đông thành xưa kia (An Huy ngày nay), cách Ô Giang khoảng 120km.
Sau khi trở tay không kịp trước đòn tấn công của Lưu Bang và các nước chư hầu, Hạng Vũ mang theo 800 kỵ binh mở đường máu, phá vòng vây định chạy về hướng Giang Đông.
Khu vực phía Nam sông Trường Giang chính là căn cứ địa của Hạng Vũ. Hơn nữa, các thuộc hạ của Hạng Vũ tại đây vẫn rất trung thành với ông.
Vương Cộng Thị ở Nam Sở, cho tới khi Hạng Vũ đã chết vẫn còn rất trung thành, quyết đối kháng với Lưu Bang tới cùng.
Nước Lỗ rất thần phục Hạng Vương nên không chấp nhận hàng Hán, chỉ đến khi Lưu Bang mang đầu Hạng Vũ bêu riếu thì tướng sĩ nước Lỗ mới chịu hạ vũ khí.
Theo các nhà sử học này thì nếu như Hạng Vũ có thể vượt sông thuận lợi thì nhất định có thể xây dựng lại lực lượng, đánh bại Lưu Bang.
Tuy nhiên, Hạng Vũ dù rất muốn vượt sông song khi chạy tới Đông Thành thì bị quân Hán bao vây.
Trong cuộc hỗn chiến cuối cùng ấy, Hạng Vũ dù sức lực hơn người song vẫn bị Quán Anh giết chết. Đông Thành nằm cách sông Ô Giang tới 240 dặm, do vậy, về căn bản, Hạng Vũ không có cơ hội nào để vượt sông.
Giả thuyết này của các nhà sử học này bị rất nhiều người phản đối, song dẫu sao nó cũng chỉ là một giả thuyết, một sự suy đoán của người đời sau.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về cái chết của Sở vương, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Hạng Vũ đã qua đời ở sông Ô Giang.
Nguyên nhân là bởi, thời đại mà Tư Mã Thiên sống chỉ cách thời điểm diễn ra cuộc tranh hùng Hán Sở chỉ 70 năm. Do vậy, Tư Mã Thiên có điều kiện tiếp xúc với những tư liệu sát thực nhất, cũng có nghĩa là tiếng nói của Tư Mã Thiên là có căn cứ và đáng tin cậy nhất.
Suy cho cùng với những cứ liệu đáng tin cậy, việc Hạng Vũ tự sát chứ không chịu vượt sông về Giang Đông chủ yếu liên quan tới tính cách của vị Tây Sở Bá Vương này.
Là người cố chấp, kiêu ngạo và độc đoán, lại thiếu tính nhẫn nhục, kiên trì nên sau khi gặp thất bại đau đớn, Hạng Vũ chỉ biết chọn cho mình cái chết chứ không thể làm lại từ đầu.
Cái chết của Hạng Vũ đầy khảng khái, bi hùng nhưng cũng khiến cho người đời sau phải hối tiếc là vì thế…