Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến 30/9/2015 sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% – sớm hơn so với mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao là vào cuối năm nay. Theo đó, thời gian qua nhiều ngân hàng gần như dồn toàn lực để tập trung xử lý nợ xấu.
Như tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015, nhà băng này đã xem việc thu hồi nợ khó đòi như một trong những chỉ tiêu quan trọng để giảm nợ xấu và tăng lợi nhuận. Năm ngoái, ngân hàng đã thu hồi được hơn 2.600 tỷ đồng nợ xấu, nợ thu ngoại bảng và được ghi vào thu nhập cũng gần 1.800 tỷ đồng, đóng góp 31% tổng lợi nhuận cuối năm.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng Á châu (ACB) cho biết, sau khoảng một năm có nợ xấu trên 3% (cuối quý III/2014 ở mức 3,07%), ACB đã tập trung nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu như tăng cường thu hồi nợ, bán các tài sản đảm bảo thông qua công tác tòa án, mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Nhờ đó, nợ xấu giảm khá mạnh, đưa về còn 2,1% vào cuối 2014. Và đến cuối tháng 8 năm nay, nợ xấu của ngân hàng này chỉ còn dưới 1,5%.
Những tháng cuối năm, ông Toàn cho biết ACB sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; quyết liệt trong công tác thu hồi nợ để xử lý nợ xấu.
Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Phương Đông OCB cho hay, ông chưa bao giờ cảm thấy hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu lại được triển khai quyết liệt như những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2015. Theo đó, trong năm 2014, ngân hàng ông đã xử lý được 1.400 tỷ đồng nợ xấu và trong 6 tháng đầu năm nay, OCB cũng thu được 651 tỷ đồng nợ. “Đến thời điểm này, nợ xấu tại ngân hàng đã ở mức dưới 3%. Từ nay đến cuối năm, nếu các khoản nợ thu hồi tốt thì nợ xấu khả năng xuống dưới 1%”, ông thông tin.
Trước đó, từ đầu quý II/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo và bắt đầu giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng tổ chức tín dụng về việc bán lại nợ xấu cho VAMC và mục tiêu giảm được nợ xấu.
Theo đó, các nhà băng có hội sở trên địa bàn TP HCM được giao trọng trách phải tự xử lý 3.100 tỷ đồng và bán nợ cho Công ty quản lý tài sản – VAMC 22.200 tỷ đồng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho hay, đến giữa tháng 8 này, các ngân hàng trên địa bàn đã tự xử lý được 3.100 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Ngân hàng Nhà nước giao. Riêng con số bán nợ cho VAMC, thì đến giữa tháng 8, các nhà băng cũng bán được trên 15.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu 22.200 tỷ đồng.
Ông Minh cho biết, tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP HCM tính đến giữa tháng 8 còn khoảng 58.000 tỷ đồng, chiếm tầm 5,14% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu trừ số nợ của các chi nhánh thuộc ba ngân hàng bị mua lại 0 đồng (OceanBank, CB và GPBank) được khoanh vùng để có cơ chế xử lý riêng chiếm khoảng 20.500 tỷ đồng, thì tổng nợ xấu trên địa bàn còn hơn 37.000 tỷ đồng, tương đương 3,32% tổng dư nợ (nợ xấu lĩnh vực cho vay sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn do hoạt động của họ khó khăn).
Chuyển nợ xấu qua công ty mua bán nợ quốc gia được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp làm đẹp bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, đến nay VAMC đã nhận được nhiều hồ sơ xin bán nợ của các nhà băng với giá trị hơn 86.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập, công ty này đã đứng ra mua lại hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Trong số những khoản nợ này, VAMC cùng các nhà băng đã thu hồi được 13.000 tỷ đồng (chiếm gần 7% tổng nợ xấu).
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận VAMC là một công cụ tốt để giúp ngành ngân hàng đạt mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% của Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Tuy nhiên, các ý kiến lại cho rằng, người đứng đầu ngành ngân hàng cần làm rõ, tỷ lệ nợ xấu 3% là trên toàn nền kinh tế (gồm cả số nằm tại VAMC) hay chỉ riêng trong các nhà băng.
Bởi một điểm đáng lưu ý hiện nay theo các chuyên gia là nợ bán cho VAMC không có nghĩa là các ngân hàng coi như hết trách nhiệm. Vì dù bán nợ cho công ty này và tạm thời con số nợ xấu đã ra khỏi sổ sách nhưng qua theo dõi kiểm soát nội bộ, ngân hàng vẫn coi đó là khoản nợ xấu. Đó là chưa kể việc phát sinh chi phí do phải trích lập 20% dự phòng trên số nợ bán cho VAMC.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Muốn nợ xấu của các ngân hàng giảm, cách nhanh nhất là bán cho VAMC nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính số học và trên giấy tờ. Còn nếu muốn giải quyết rốt ráo cần dọn dẹp nợ xấu ở cả các ngân hàng lẫn số mới được bán cho VAMC”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, số nợ thu hồi được chiếm vài phần trăm so với số VAMC mua được là quá ít. Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, theo ông, bản thân các nhà băng phải chủ động hơn nữa thay vì trông chờ vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng.
Bà Chu Thị Châu Hạnh, Trưởng phòng công nợ Vietcombank chia sẻ, tại ngân hàng này, nợ xấu ngoại bảng trong đó có nợ đã chuyển qua VAMC vẫn được coi là nợ xấu thông thường và cần phải xử lý. “Chúng tôi không muốn để nợ xấu đông lại thành những lương khô không lôi ra để ăn được”, bà nói.
Mới đây, Chính phủ đã ra Nghị quyết kỳ họp tháng 8, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nợ xấu, thực hiện các biện pháp để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2015 của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 3,72%, giảm nhẹ so với mức 3,81% cuối tháng 3/2015, nhưng tăng so với mức 3,49% tháng 1/2015.
Về tỷ lệ trên, Ngân hàng Nhà nước giải thích, từ tháng 3/2015 đến nay, số liệu nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đã phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng, không còn khác biệt nhiều so với số liệu giám sát của cơ quan thanh tra.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh thì nhận định, công tác xử lý nợ xấu hiện nay tiếp tục khả quan nên mục tiêu đến cuối tháng 9, nợ xấu trên địa bàn thành phố sẽ được đưa về dưới 3% theo đúng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.