Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMuốn thoát tử hình, tội phạm tham nhũng phải làm gì?

Muốn thoát tử hình, tội phạm tham nhũng phải làm gì?

Ủy ban Tư pháp chỉnh lý quy định miễn thi hành án tử với người bị kết án tử hình nếu hợp tác với cơ quan điều tra hoặc lập công lớn.

Tham nhũng tự khắc phục hậu quả, lập công sẽ được thoát án tử

Tại phiên họp sáng 14/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉnh lý quy định “tội phạm có mục đích kinh tế” là người mắc các tội về “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ”.

Đồng thời miễn thi hành án tử với người mắc các tội trên bị kết án tử hình mà đã “chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Lý giải về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, nếu quy định cũ là thi hành án tử hình với người mắc tội danh trên sau khi đã kết án đã khắc phục hậu quả thì sẽ dẫn tới hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình.

Dự thảo luật mới nhất cũng đã nâng độ tuổi không áp dụng hình phạt tử hình từ 70 tuổi lên 75 tuổi.

“75 tuổi trở lên nếu phạm tội nghiêm trọng thì xử tù chung thân, không giảm án, đằng nào chả chết, bắn làm gì cho tốn đạn?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn.

Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cần xem xét lại đề nghị vẫn giữ hình phạt thi hành án tử hình với tội nhận hối lộ vì đây là tội rất nghiêm trọng. “Còn tội tham ô tài sản cũng là tham nhũng nhưng có rất nhiều hình thức tham ô, bản chất khác nhau, đôi khi do quản lý không chặt chẽ cũng tạo điều kiện cho người ta tham ô nên có thể bỏ hình phạt tử hình hoặc nếu giữ tử hình thì cân nhắc quy định cụ thể hơn”, ông Cường cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tán thành với quan điểm này nhưng yêu cầu nghiên cứu làm rõ khung hình phạt, trong đó phải quy định rõ định lượng nhận hối lộ bao nhiêu thì bị xử lý hình sự, và mức bao nhiêu thì bị xử tử hình.

Khó bỏ tội cố ý làm trái

Bên cạnh đó, việc bỏ hay không bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng là vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau.

Quan điểm của Ủy ban Tư pháp là cần thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội phạm cụ thể. Nếu xét cần thiết thì phải xử lý hình sự để bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh.

Theo Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho biết thực tế đã xử khá nhiều vụ về tội cố ý làm trái và được nhân dân đồng tình, và rất khó có thể bỏ tội này vì chưa cụ thể ở các tội danh khác được.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh quan điểm đã được nêu nhiều lần là tội cố ý làm trái cần được thay bằng các điều luật cụ thể chứ không nên giữ lại điều luật chung chung như hiện nay.

Bên cạnh đó, một khó khăn nữa tại Bộ luật Hình sự hiện hành là có tới 246 điều quy định về định tính, định lượng tội phạm như phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… nhưng mới chỉ có 60 điều có hướng dẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đều đề nghị không thể để các cơ quan tố tụng hướng dẫn về các mức độ phạm tội mà phải tổng kết việc áp dụng thời gian qua để đưa vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Ngoài ra, dự thảo luật lần này đã tách riêng hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thành tội danh riêng (điều 251), và bỏ hình phạt tử hình ở tội này.

Ủy ban Tư pháp cho biết chưa thể bỏ tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong khi đó, ngược lại với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nên bỏ tử hình ở tội này, vì vận chuyển ma túy đa số rơi vào đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng ý nên bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Còn nếu để hình phạt tử hình ở tội này thì phải cụ thể ra là khối lượng ma túy được vận chuyển trái phép lớn đến mức nào và chỉ áp dụng đối với các đối tượng chuyên vận chuyển xuyên quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới