Giới chức chính trị Nhật Bản đang ráo riết vận động hành lang nhằm thúc giục chính phủ nước này đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị.
Giới công nghiệp quốc phòng Nhật đòi đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí
Theo tờ báo Asahi Shinbun, các thế lực có ảnh hưởng ở Nhật Bản không bao giờ ngừng cuộc tranh luận giữa “ủng hộ” và “phản đối” buôn bán vũ khí. Hiện giới vận động hành lang công nghiệp của đất nước đang mạnh mẽ kêu gọi chính phủ nước này tham gia mạnh mẽ vào hoạt động xuất khẩu vũ khí.
Có những quan chức bày tỏ quan điểm cho rằng, một nhà nước đầy đủ giá trị cần phải nắm cả xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác nói, Nhật Bản không nên sản xuất vũ khí, bởi hoạt động này sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia quân sự Nga Vladimir Evseev, lập luận thứ hai không thực sự vững chắc, bởi những kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, chính việc sản xuất vũ khí nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đã thực sự kích thích nền công nghiệp của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự hiện diện vũ khí và quân đội hùng mạnh của Washington lại đẻ ra “chủ nghĩa ký sinh” hiện hữu ở châu Âu: Phần lớn các nước không muốn chi tiêu nhiều vào quốc phòng và hy vọng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ. Lối tiếp cận này cũng tồn tại cả ở Nhật Bản. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi.
Máy bay F-2, xe tăng Type 10 và tàu tuần tiễu Nhật Bản |
Nhật Bản trở nên coi trọng việc tăng cường các lực lượng vũ trang. Điều này thấy rõ qua những động thái của Bộ Quốc phòng nước này. Lực lượng Phòng vệ ngày càng được ghi nhận như một lực lượng vũ trang toàn diện. Do đó, sự vận động hành lang thúc đẩy sản xuất vũ khí cũng trở nên tích cực hơn.
Ông Yevseyev nhận định rằng, có một số lĩnh vực buôn bán vũ khí mà Nhật Bản sẽ không tham dự. Trước hết, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa chủ yếu do Hoa Kỳ nắm sản xuất kinh doanh, bởi trong lĩnh vực này, Nhật Bản có vai trò của người mua hơn là người bán.
Mặc dù, một số hệ thống giám sát kể cả giám sát không gian đang được chế tạo tại Nhật Bản, nhưng có rất ít khả năng những hệ thống này được đem ra thị trường vì đó là sản phẩm được thiết kế chung. Như vậy, các hệ thống phòng thủ tên lửa đã bị gạt khỏi cơ chế kinh doanh vũ khí của Tokyo.
Lĩnh vực thứ hai mà Nhật Bản không thể giành vị trí đáng kể là sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nước này có các tên lửa đẩy đủ khả năng hoán chuyển thành các ICBM, nhưng việc kinh doanh là không thể được bởi hiệp định kiểm soát xuất khẩu công nghệ tên lửa.
Hệ thống tên lửa bờ đối hạm Type 12 được chế tạo trên nguyên mẫu hệ thống tên lửa đất đối không Type 03 |
Hiện nay, bất lợi lớn nhất của vũ khí Nhật là giá thành quá cao, do phạm vi sản xuất hạn hẹp khiến họ không giảm được chi phí sản xuất. Tuy nhiên, khi được giải phóng, vũ khí xuất khẩu sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt, sẽ làm giảm giá thành mua sắm vũ khí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Chuyên gia Yevseyev kết luận rằng, Nhật Bản có đầy đủ khả năng cạnh tranh thành công trong thị trường vũ khí, bởi nước này có trình độ khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới và nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất công nghiệp vũ khí rất mạnh.
Nhật Bản có thể trở thành “người khổng lồ” về xuất khẩu vũ khí
Hiện nay, Nhật có tổng cộng hơn 1.000 doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm công nghiệp quân sự, trên 90% vũ khí trang bị của Lực lượng Phòng vệ do 12 doanh nghiệp trụ cột như Tập đoàn công nghiệp nặng Ishikawajima-Harima, Mitsubishi, Kawasaki, ShinMaywa… cung cấp.
Hệ thống tên lửa bờ đối hạm SSM-1, thuộc Type 88 của Nhật |