Campuchia sẽ đồng ý gánh chịu 1 nửa tổng chi phí hoạt động của đội ngũ chuyên gia và cột mốc biên giới để thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: BBC.
Biên giới lãnh thổ phải xử lý bởi chuyên gia kỹ thuật và bằng chứng, không phải chính trị và cảm xúc
Khmer Times ngày 13/9 đưa tin, bất cứ công dân Campuchia nào còn đặt câu hỏi về tính hợp pháp hoặc xác thực của các bản đồ biên giới chính thức giữa Việt Nam và Campuchia sẽ bị khởi tố, Thủ tướng Hun Sen khẳng định trong cuộc họp nội các gần đây. Ông đánh giá cao nỗ lực của nhóm học giả nghiên cứu bản đồ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã xác minh đối chiếu các bản đồ thể hiện biên giới 2 nước do Pháp và Liên Hợp Quốc cho mượn.
Hun Sen nhấn mạnh rằng, việc đối chiếu bản đồ đã được tiến hành rất thận trọng và bất kỳ thành viên nào của Quốc hội cũng không cần thiết yêu cầu kiểm tra thêm tài liệu về bản đồ như chuyện mua vui. “Nếu họ, các nghị sĩ đối lập còn tiếp tục có bất kỳ truy vấn nào hay lật lại vấn đề (về bản đồ biên giới Việt Nam – Campuchia), chúng ta có đầy đủ luật để đáp ứng họ, đặc biệt nếu như họ cáo buộc chúng tôi sử dụng bản đồ giả hơặc bản đồ lừa đảo để giải quyết các vấn đề phân giới với Việt Nam”, Thủ tướng Campuchia nói.
Ông khẳng định rằng tất cả bản đồ biên giới mà chính phủ sử dụng đã được xác thực chính hãng và chính xác, nhất là những bản đồ được sử dụng vào năm 1985 để đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam trên 1158 km biên giới đất liền giữa hai nước. Bản đồ biên giới giữa Campuchia với Lào và Thái Lan cũng vậy.
“Các bản đồ do ông Sam Rainsy cung cấp còn thiếu 2 mảnh. Tôi yêu cầu ông phải đưa phần còn lại để hoàn thành bản đồ cho nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Sok Touch để xác định rõ ràng rằng không có gì giống như cáo buộc của một số quý vị vô trách nhiệm”, Thủ tướng Campuchia nói.
Ông Hun Sen lưu ý Ủy ban Biên giới chính phủ Campuchia sẽ gặp các đối tác Việt Nam vào cuối tháng 9 này sẽ bàn về 7 điểm mốc giới đã nêu ra trước đó với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh, vấn đề tranh chấp biên giới và các cuộc xung đột phải được xử lý bởi các chuyên gia kỹ thuật và bằng chứng, không phải chính trị và cảm xúc.
Đề xuất ý tưởng thúc đẩy phân giới cắm mốc với Việt Nam
Hun Sen nhấn mạnh, nếu cần thiết hai bên có thể tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật từ một bên thứ 3. Đó sẽ là lực lượng chuyên gia quốc tế để đảm bảo việc phân giới cắm mốc biên giới sẽ được thực hiện đúng và chính xác, chẳng hạn như trường hợp tại cửa khẩu Lệ Thanh tỉnh Gia Lai giáp biên với huyện O’Yadao.
Trưởng ban Biên giới chính phủ Campuchia Var Kimhong giới thiệu với Ngoại trưởng Hor Namhong và Giám đốc Thư viện Liên Hợp Quốc về bản đồ biên giới Việt Nam – Campuchia. Ảnh: Khmer Times. |
“Chúng tôi chỉ yêu cầu sự công bằng và không có ý định chiếm thế thượng phong trên bất kỳ một điểm nào, và chúng tôi cũng không cho phép bất kỳ ai có được thế thượng phong trên chúng tôi. Chúng tôi đã mất đi một vùng đất rất rộng cho những người khác trong một thời gian dài trước đây, trong quá khứ. Chúng ta không thể cho phép điều này tiếp tục hoặc lặp lại chính nó”, ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Campuchia nói rằng Pháp sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật đối chiếu bản đồ biên giới nếu họ nhận được yêu cầu từ cả hai phía Campuchia và Việt Nam, không ai hiểu lịch sử hiện đại của Đông Dương hơn Pháp, nước đã cai trị khu vực này từ năm 1858 đến năm 1954.
“Campuchia sẽ đồng ý gánh chịu 1 nửa tổng chi phí hoạt động của đội ngũ chuyên gia và cột mốc biên giới để thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc”, Thủ tướng Hun Sen được Khmer Times dẫn lời cho biết.
Ông nói: “Chúng tôi có vài điểm quan trọng trong phần biên giới còn lại chưa phân định. Một số mốc biên giới phía Việt Nam đã đồng ý còn một số khác thì Việt Nam chưa đồng ý. Với Việt Nam, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc bởi bất kỳ sự chậm trễ nào sẽ gây ra những khó khăn mới.”
“Có nghĩa là, chúng tôi không đồng ý với tất cả các điểm phía Việt Nam nêu ra, và chúng tôi sẽ phản hồi với phía Việt Nam về những mốc giới mà chúng tôi không đồng ý”, Thủ tướng Campuchia tuyên bố. Ông cho biết các cột mốc biên giới, đồn biên phòng trên biên giới với Việt Nam sẽ được gắn chip điện tử để theo dõi từ vệ tinh.
“Một số cột mốc biên giới và đồn biên phòng hiện tại không đủ mạnh, cái thì làm bằng xi măng, cái thì làm bằng gỗ, cái thì đã biến mất. Chúng tôi giữ gìn tình hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, nhưng khi đã nói đến đàm phán thì chúng ta, Campuchia phải mạnh mẽ”, ông Hun Sen tuyên bố.
Những kẻ ngụy tạo tài liệu chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia như Hong Sokhour sẽ bị bắt. |
CPP đẩy mạnh công tác tuyên truyền phân giới cắm mốc Campuchia – Việt Nam
Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) đã ra chỉ thị cho các tổ chức đảng trực thuộc trên khắp các địa phương cả nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biên giới lãnh thổ và công tác phân giới cắm mốc trên biên giới với Việt Nam. CPP đề nghị các tổ chức đảng địa phương hướng dẫn cho cán bộ đảng viên ký vào tờ ủng hộ bài phát biểu của Thủ tướng Hun Sen về công tác phân giới cắm mốc với Việt Nam.
Chỉ thị được đưa ra ngày Thứ Tư và đóng dấu “mật”, The Cambodia Daily ngày 13/9 đưa tin. Chỉ thị yêu cầu các tổ chức đảng của CPP tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin cho các đảng viên từ công chức đến lực lượng vũ trang, từ giáo viên cho đến nhà sư, nhà buôn, công nhân, nông dân, sinh viên và các tổ chức xã hội.
Bất cứ khi nào sẵn sàng, bản kiến nghị ủng hộ Thủ tướng Hun Sen cần được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và gửi bản sao về văn phòng trung ương CPP.
Người phát ngôn của CPP Sok Eysan xác nhận tính xác thực của chỉ thị này, có chữ ký của Tổng thư ký CPP Say Chhum. “Không có gì sai khi đảng ban hành chỉ thị hướng dẫn các thành viên của mình, vì đó là một phần hoạt động nội bộ của đảng”, ông nói. Trước khi có chỉ thị này, một số thành viên CPP đã tự tạo bản kiến nghị thu hút chữ ký ủng hộ phát biểu của Thủ tướng hôm 8/9 trên đài truyền hình TVK.
“Nhưng chúng tôi muốn các thành viên của đảng mình thực hiện ký kiến nghị đồng loạt ủng hộ để cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ trong đảng cũng như cơ chế công việc hoàn hảo”, ông Sok Eysan cho biết.