Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTs Trần Công Trục: Nên tiếp cận thận trọng với Con đường...

Ts Trần Công Trục: Nên tiếp cận thận trọng với Con đường Tơ lụa trên biển

Không nên có bất cứ “sáng kiến” nào nhằm làm thay đổi hiện trạng của tuyến hàng hải trọng yếu qua Biển Đông, kể cả “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

LTS: Hôm nay 17/9 Trung Quốc tổ chức hội thảo quốc tế giới thiệu “sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” tại Nam Ninh, Quảng Tây với các khách mời quốc tế và truyền thông báo chí các nước trong khu vực, một sự kiện được dư luận quan tâm chú ý. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Trong khi Trung Quốc sắp xây xong 3 đường băng quân sự bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có khả năng cất hạ cánh chiến đấu cơ thế hệ 4 và máy bay ném bom chiến lược, đe dọa nghiêm trọng an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông thì Bắc Kinh lại tìm cách thu hút dư luận khu vực sang một vấn đề khác, cái gọi là “sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” mà họ đang ra sức truyền bá, cổ súy.

Thực chất “sáng kiến” này là gì và có mối liên hệ như thế nào với cục diện Biển Đông hiện nay là vấn đề đáng quan tâm, tìm hiểu và suy ngẫm thấu đáo.

Nội hàm của “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” là gì, chẳng hạn như phạm vi, vị trí địa lý của con đường này? Cơ chế quản lý, điều phối ra sao? các dịch vụ và phương thức khai thác sử dụng các loại dịch vụ có liên quan đến các phương tiện khi sử dung con đường tơ lụa này?

Mọi sáng kiến nhắm thúc đẩy quá trình hợp tác và phát triển kinh tế của khu vự và quốc tế trong tình hình hiện nay đáng được hoan nghênh và ủng hộ, trong đó có việc mở mang lĩnh vực giao thông thương mại đường biển. Tuy nhiên, con đường tơ lụa đi qua Biển Đông là khu vực đang có những diễn biến phức tạp, những hoạt động gần đây đang là mối quan ngại của các khu vực và quốc tế.

Vấn đề an ninh an toàn của  tuyến đường hàng hải đã tồn tại lâu dài trong lịch sử và Biển Đông lại là một trong những tuyến đường hàng hải quan trong bậc nhất thế giới. Không nên có bất cứ “sáng kiến” nào nhằm làm thay đổi hiện trạng của tuyến hàng hải trọng yếu qua Biển Đông, kể cả “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” này.

Hơn nữa chúng ta nên tính đến việc bảo vệ và tôn trọng  các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông hiện đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng bởi các hoạt động của Trung Quốc. Thông qua các hoạt động này Bắc Kinh muốn giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý đang tồn tại trong Biển Đông. 

Bởi vậy các bên liên quan cần cói thời gian nghiên cứu kỹ “sáng kiến” này. Các bên liên quan nên phát huy trách nhiệm của mình để sáng kiến này có thể trở thành hiện thực mà điều cốt yếu là không làm ảnh hưởng/ tổn hại đến các quyền và lợi ích chính đang cua mọi quốc gia trong khu vực và quốc tế. Để tìm hiểu vấn đề, chúng ta hãy xem Trung Quốc và truyền thông, học giả quốc tế nói gì về “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”?

Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 là gì?

“Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và “Một vành đai, một con đường” là “sáng kiến” được ông Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên trong chuyến thăm Kazakhstan và Indonesia tháng 9 năm 2013. Kể từ đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc ra sức cổ súy các ý tưởng này mỗi dịp công du nước ngoài, nhưng nội hàm và khái niệm, phạm vi và kế hoạch của các “sáng kiến” này cho đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn, câu hỏi đặt ra.

Trang Wikipedia tiếng Trung Quốc giải thích rằng, “Một vành đai, một con đường” không phải một thực thể, cũng chẳng phải một cơ chế, mà chỉ là ý tưởng và đề xướng hợp tác phát triển, mượn cách gọi tên Con đường Tơ lụa cổ đại để chủ động xúc tiến hợp tác kinh tế thương mại, xây dựng “cồng đồng chung vận mệnh”.

Một đặc điểm đáng lưu ý nữa là “Con đường Tơ lụa thế kỷ 21” theo trình bày của Trung Quốc thì dù điểm đầu, điểm cuối ở đâu nó cũng phải đi qua Biển Đông, vùng biển đang rất căng thẳng vì những hành động leo thang của Bắc Kinh.

Mặc dù đưa ra “sáng kiến” này từ tháng 9/2013, nhưng mãi đến ngày 1/2 năm nay, Trung Quốc mới thành lập Tổ chỉ đạo công tác xây dựng “Một vành đai, một con đường” do ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng. Trung tuần tháng 2 Bắc Kinh công bố Quỹ Con đường Tơ lụa trên biển 400 tỉ USD.

Ngày 38/3/2015 chính phủ Trung Quốc mới giao cho Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia kết hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại kết hợp nghiên cứu xây dựng các văn kiện cụ thể hóa ý tưởng “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình.

Từ khi lên nhậm chức cuối năm 2012 đầu 2013 đến nay, ông Tập Cận Bình liên tục đưa ra những khấu hiểu khá kêu, về cả đối nội cũng như đối ngoại. Về đối nội ông kêu gọi “phục hưng dân tộc Trung Hoa”, thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”, phát động chiến dịch “đả hổ đập ruồi”…

Về đối ngoại, ông Bình đưa ra các khẩu hiệu “châu Á của người châu Á” khi phát biểu tại hội nghị Các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á tháng 5/2014, hô hào xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh”. Trước khi có 2 “sáng kiến” này của ông Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra những “sáng kiến” đại loại như “một trục hai cánh” hay “hai hành lang, một vành đai”, nhưng gần chục năm trôi qua hiệu quả ra sao vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Tất cả những khẩu hiệu, “sáng kiến” hay chiến lược này cũng như hành động của Trung Quốc trong thực tế đã cho thấy rõ một điều, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang rất muốn thách thức trật tự khu vực và quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh, cả về kinh tế lẫn chính trị, an ninh, mong muốn khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu bằng vai phải lứa với Mỹ, thậm chí là tìm cách gạt Mỹ khỏi Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng ra châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Thời Ân Hoằng, giáo sư đại học Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: GMW.

Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc nói gì về “sáng kiến” của ông Tập Cận Bình?

Giáo sư Thời Ân Hoằng từ đại học Nhân dân Trung Quốc, một cố vấn của chính phủ nước này về đối ngoại ngày 18/8 vừa qua bình luận trên South China Morning Post về “Một vành đai, một con đường”. Ông cho rằng Trung Quốc muốn rót tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ chủ quyền của các nước khác, từ Trung Á cho đến Nam Á, Đông Nam Á, đó là câu chuyện nhạy cảm.

Các nước có quyền nghi ngờ và lo lắng cho tầm nhìn dài hạn về chủ quyền, quyền tự chủ và phân phối lợi ích tiềm năng ở những vùng đất mà Trung Quốc rót tiền đầu tư xây dựng bến cảng, kho bãi, đường xá, cơ sở hạ tầng.

Nói cách khác là có nhiều câu hỏi đặt ra như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bằng vốn, công nghệ, nhân công Trung Quốc trên lãnh thổ nước khác trong thời gian bao lâu? Trong thời gian Trung Quốc khai thác các dự án đó, quan hệ giữa Trung Quốc và nước sở tại như thế nào về chủ quyền và các quyền khác đối với mảnh đất thực hiện dự án sẽ như thế nào? Quản lý và “ăn chia” ra sao? Một ví dụ điển hình là Srilanka.

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã lo ngại về Trung Quốc và yêu cầu kiểm tra lại một số dự án do Trung Quốc đầu tư, bao gồm dự án xây dựng thành phố cảng Colombo với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ USD. Theo dự án ban đầu, 108 ha đất cạnh trung tâm thương mại chính của Colombo sẽ được Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm để phát triển trung tâm mua sắm, thể thao dưới nước, sân golf, khách sạn, căn hộ và bến du thuyền. 

Trong số 108 ha này, sẽ có 20 ha được bán đứt cho Trung Quốc. Tuy nhiên có những lo ngại rằng sau khi thửa đất này vào tay Bắc Kinh, nó có thể được sử dụng cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc. Tổng thống Maithripala Sirisena cũng khẳng định, có một sự nghi ngờ nghiêm trọng về các tàu ngầm Trung Quốc. Nếu cảng Colombo và thành phố cảng này được sử dụng cho các hoạt động quân sự của chính phủ Trung Quốc, nó sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với Ấn Độ.

Ngoài ra, Myanmar cũng đang rất băn khoăn lo ngại về dự án xây dựng cảng Kyaukphyu mà Trung Quốc thúc đẩy theo chương trình “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Còn theo giáo sư Hoằng, Trung Quốc cũng phải chú ý đến vấn đề tương thích khi triển khai các dự án, bởi không phải quốc gia nào cũng chào đón mô hình “tăng trưởng dựa vào đầu tư lớn” như Trung Quốc trong suốt 2 thập kỷ qua. Mặt khác khi dự án triển khai, ông Hoằng cho rằng cần phải xây dựng hệ thống “cơ sở hạ tầng mềm” bao gồm bệnh viện, trường học, siêu thị, trung tâm bán lẻ và các nhà máy nhỏ, chú trọng bảo vệ môi trường.

Ông Hoằng nhận định, hiện nay “Con đường Tơ lụa thế kỷ 21” mới chỉ có Trung Quốc “nhiệt tình đơn phương”, ngoài ra các đối tác khác ít nhiệt tình quan tâm, do đó Bắc Kinh cần có một kế hoạch cụ thể để tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu và đặc thù từng nước để có giải pháp thích hợp.

Đường băng Trung Quốc xây bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Đa Chiều.

Việt Nam cần nguồn vốn để phát triển, nhưng cũng nên thận trọng 

Tiến sĩ Alvin Cheng-Hin Lim từ Viện Phát triển và Chiến lược Longus ngày 16/9 bình luận trên Eur Asia Review, cho đến thời điểm hiện nay chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc mới chỉ triển khai ở Việt Nam thông qua các dự án hợp tác năng lượng như nhà máy điện Vĩnh Tân. Việt Nam chưa cam kết bất kỳ dự án nào về xây dựng cơ sở hạ tầng theo chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Trên phương diện nghiên cứu, Việt Nam có vị trí quan trọng trong siêu dự án đường sắt xuyên Á đã bị đình trệ gần 1 thập kỷ và mới được tái khởi động gần đây trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, một con đường” và “Con đường Tơ lụa”. 

Ngoài ra, người Việt đã phải đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh sự chậm trễ trong thi công và các vụ tai nạn chết người do nhà thầu Trung Quốc gây ra trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc mời thầu Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong tương lai, ông Alvin nhận định.

Quay trở lại câu chuyện Biển Đông, cần lưu ý rằng, thời điểm ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cũng là thời điểm Trung Quốc bắt đầu leo thang bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông, bắt đầu từ các hoạt động quân sự. Chiến lược bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa cũng được bắt đầu triển khai trong khoảng thời gian này.

Để thu hút sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động thay đổi hiện trạng, tạo ra một “trạng thái bình thường mới” có lợi thế rất lớn cho Trung Quốc ở Biển Đông về an ninh – quân sự, Bắc Kinh đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, từ “hoạt náo” như vụ giàn khoan 981 cho đến thủ đoạn kinh tế.

Việc thúc đẩy quảng bá “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, dùng 40 ngàn tỉ USD của Quỹ Con đường Tơ lụa trên biển công bố trung tuần tháng 2 năm nay để thu hút các nước ASEAN cũng có thể nhằm mục đích này.

Tóm lại, còn có nhiều điều mơ hồ về “sáng kiến” của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Nếu nó thuần túy là sáng kiến kinh tế như họ nói, thì đã làm ăn là phải tính chuyện lời lỗ ra sao nhưng Bắc Kinh chưa đưa ra bất cứ mô hình, chế tài nào để triển khai và cho thấy rõ bài toán hiệu quả kinh tế. Hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hãy minh bạch hơn, đưa ra các luận cứ chi tiết và thuyết phục hơn về sáng kiến của mình.

Nếu chỉ là bình phong cho các hoạt động quân sự – an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quân sự an ninh như trường hợp dự án xây cảng Colombo ở Srilanka thì càng phải hết sức thận trọng. 

Chúng ta không nên mơ hồ mất cảnh giác với 3 đường băng quân sự dài hơn 3000 mét Trung Quốc xây bất hợp pháp sắp xong ở Trường Sa có thể cất hạ cánh máy bay chiến đấu thế hệ 4, máy bay ném bom chiến lược. Đó là một mối đe dọa thực sự, trong khi “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” có thể chỉ là cái bánh vẽ che đậy vụng về cho mục đích quân sự ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới