Xóa nợ thuế cho một số doanh nghiệp là việc cần thiết nhưng phải chắc chắn không có sự tồn tại của cơ chế xin – cho trong đề xuất này.
Bộ Tài chính vừa tính đến phương án xóa khoản tiền 10.000 tỷ nợ thuế của hàng ngàn doanh nghiệp vì hết hy vọng có thể xoay sở thu được. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện tài chính, đây là khoản nợ mà ngay cả Bộ Tài chính và ngân sách đều biết rõ là khoản nợ sẽ bị mất, không thể thu được, không đòi được ai. Trong đó, có cả những DNNN trước đây được đèo bòng, mang vốn nhà nước đi đầu tư nhưng thua lỗ, gây mất vốn. Nếu tiếp tục thu sẽ gây những khó khăn trong quá trình xử lý nợ, đồng thời gây khó khăn cho quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp.
Xóa nợ thuế 10.000 tỷ: Phải chắc chắn không có “xin-cho” Ảnh minh họa Do đó, việc xóa nợ cho các doanh nghiệp này là cần thiết. Việc mất thuế này hoàn toàn đã được lường trước trong tính toán cân đối ngân sách. Vấn đề còn lại của Bộ Tài chính là cần khẳng định, cơ chế – xin cho có nằm trong chủ trương này không? Và làm sao để loại trừ được nó?
Ông Thịnh chỉ ra mấy vấn đề như sau:
Thứ nhất, chính sách giảm, xóa nợ thuế, tiền phạt chậm nộp thuế phải được áp dụng chung với các doanh nghiệp (bao gồm cả nhà nước và tư nhân) nhưng phải đi kèm với những điều kiện đặc biệt. Cụ thể, là những doanh nghiệp đã giải thể, phá sản trên cơ sở mất vốn sản xuất, kinh doanh do thiên tai, hoặc những nhân tố mang tính khách quan.
Trong đó, có những doanh nghiệp nhà nước trước đây đã tiến hành cổ phần hóa nhưng chưa được xử lý nợ thuế cũng có thể là đối tượng nằm trong diện được xem xét để giảm trừ nợ thuế, xóa nợ thuế. Động thái này, nhằm tránh gây tác động xấu tới hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đối với những doanh nghiệp khác, dựa trên những nguyên nhân khách quan và có lý do chính đáng cũng cần được xem xét miễn giảm nợ thuế, xóa nợ thuế theo cơ chế chung. Các cơ quan thuế phải tính tới phương án này để làm trong sạch bảng thống kê tài chính kế toán, là vì, có nhiều doanh nghiệp đã không còn tồn tại từ lâu, chủ thể đã giải tán. Cũng không thể treo mãi một khoản nợ mà biết rõ là không đòi được hoặc không biết đòi ai.
Thứ hai, đối với những doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa hoặc đang trong chương trình cổ phần hóa nhưng nếu xem xét số tiền thuế phải nộp còn lớn hơn tiền vốn còn lại để thực hiện cổ phần hóa cũng cần đưa vào diện được giảm trừ, miễn nợ, xóa nợ thuế. Việc này chậm trễ, DN sẽ không thể thực hiện được cổ phần hóa theo đúng tiền trình đã đề ra.